Năm 2020 khi mức tăng trưởng của cả nước đạt khoảng 2-3%; các đô thị lớn như Hà Nội tăng 3,98%, TPHCM tăng 1,39%, thậm chí nhiều địa phương như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam… có mức tăng trưởng âm thì tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh năm 2020 (giá so sánh 2010) ước đạt 210.537,32 tỷ đồng, tăng 4,44% so với cùng kỳ (không đạt mục tiêu NQ tỉnh ủy đề ra MTNQ 8-9%) đây là năm có mức tăng GRDP thấp nhất giai đoạn (2011-2020). Quy mô GRDP của tỉnh đến cuối năm 2020 đạt 9 tỷ USD, tăng 65% so với năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh đến cuối năm 2020 đạt 709 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 1,6 lần so với năm 2015. GRDP giai đoạn 2015 - 2020 tăng 8,14%, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,97% so cùng kỳ. Cụ thể: Ngành khai khoáng tăng 5,7%; chế biến, chế tạo tăng 6,45%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, tăng 1,14%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 12,04%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tỉ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 91,7% trong GRDP. Công nghiệp hỗ trợ bước đầu hình thành, tạo mối liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nhưng do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nên tốc độ tăng công nghiệp đạt thấp hơn so với cùng kỳ 2019, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,45% và là mức tăng thấp nhất giai đoạn năm 2016 - 2020. Tuy nhiên do dịch bệnh được kiểm soát tốt, các lĩnh vực của nền kinh tế đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, sản xuất công nghiệp đã có sự khởi sắc. Một số ngành công nghiệp tăng như sau: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 2,11%; Ngành dệt tăng 2,75%; Ngành sản xuất trang phục tăng 2,64% (Đây là 3 ngành công nghiệp chủ lực tăng thấp so với các năm trước); Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,87%, Ngành sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 3,73%, Ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 4,49%, Ngành sản xuất thiết bị điện tăng 2,45%.v.v.. Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất có chỉ số giảm như: Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng kim loại giảm 4,03%; sản xuất thiết bị điện tử và sản phẩm quang học giảm 4,39%; Sản xuất gường, tủ, bàn ghế giảm 5,71%...
Trong những năm qua, Đồng Nai đã nỗ lực phấn đấu để đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp khá sôi động. Doanh nghiệp Nhà nước được sắp xếp lại có hiệu quả hơn, kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, kinh tế tập thể đổi mới gắn với cơ chế thị trường. Thu hút đầu tư FDI phát triển nhanh, đến nay có 1.550 dự án còn hiệu lực và là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp gần 47% GRDP của tỉnh.
Tình hình thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp: Hiện tại Đồng Nai là nơi có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, số đông các tập đoàn lớn trên thế giới đều đã có mặt tại Đồng Nai như: Hyosung, Formosa, Amata, Forval, Fujitsu, Changshin, Kenda, Cargill, Ajinomoto, Meggitt, Bosch, Schaeffler... Nhiều tập đoàn đa quốc gia khác cũng có dự tính đầu tư vào đây. Đồng Nai là nơi được rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chú ý và muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên, điểm hạn chế của tỉnh là nhiều khu công nghiệp (KCN) đã lấp đầy 100%, diện tích còn lại cho thuê chỉ còn rất nhỏ. Do đó, khi các tập đoàn lớn đến Đồng Nai muốn thuê diện tích 5-10 ha trở lên rất khó tìm được. Vì vậy, tỉnh đã bỏ mất nhiều cơ hội thu hút được những dự án lớn có công nghệ hiện đại và giá trị gia tăng cao. Tính đến thời điểm hiện tại đất công nghiệp của Đồng Nai còn rất ít, nhưng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào tỉnh tương đối nhiều. Do đó, tỉnh đang gấp rút mở rộng và đầu tư mới các KCN trên địa bàn để có đất công nghiệp cho các công ty thuê làm nhà xưởng sản xuất. Do đó toàn tỉnh cũng đã quy hoạch 38 KCN và đã có 32 KCN được thành lập. Nhiều địa phương trong tỉnh đều muốn có thêm các KCN để thu hút nhà đầu tư trong nước, nước ngoài vào, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn để có thu nhập ổn định, không phải đi xa. Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển cũng sẽ thúc đẩy những lĩnh vực khác trên địa bàn như: thương mại dịch vụ, du lịch... phát triển theo. Điều này sẽ giúp cho các huyện, thành phố nâng cao thu nhập bình quân đầu người, tăng thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra Đồng Nai còn là tỉnh có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ với chiến lược phát triển bài bản, đưa địa phương này dần trở thành “thủ phủ” của ngành công nghiệp hỗ trợ ở nước ta. Trước đây, số lượng doanh nghiệp còn ít. Những doanh nghiệp lớn không muốn đầu tư vào với lý do là không có công nghiệp phụ trợ và muốn lắp ráp hoàn chỉnh một sản phẩm thì phải nhập từ nước ngoài, nên sẽ đẩy chi phí lên rất cao. Nhận thức rõ được vấn đề này tỉnh Đồng Nai đã có chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển và đạt được kết quả đáng ghi nhận trong một số lĩnh vực điển hình là: Công ty TNHH Tương Lai (tại xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai) là một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chuyên sản xuất và cung ứng sản phẩm nhựa và cao su kỹ thuật cao cho các công ty hàng đầu trong và ngoài nước như: Thaco, Piagio, Peugeot, Kymco, Sym, Aqua, Marshall... Mỗi quý doanh nghiệp này sản xuất trung bình từ 1,2 - 1,5 triệu sản phẩm, linh kiện phục vụ cả khách hàng trong nước và xuất khẩu. Nếu như năm 2015 trên địa bàn Đồng Nai mới có hơn 420 danh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thì trong giai đoạn 2016 - 2019 tỉnh đã thu hút được trên 190 dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đăng ký trên 1,6 tỷ USD. Hiện nay, số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai là trên 660 doanh nghiệp, tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo… Trong đó, có 4 doanh nghiệp được Bộ Công Thương xác nhận Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản xuất công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trên cả nước. Đó là Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất thiết bị Aureole, Công ty TNHH Chemtrovina, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam và Công ty TNHH HSPolytech. Mặc dù trong năm 2020, hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 kéo dài trên toàn cầu, song ước tính giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Đồng Nai đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 21 - 23% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành công nghiệp Đồng Nai vẫn còn tồn tại, những hạn chế và nguyên nhân chủ yếu sau: Ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị cao gia tăng lớn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường còn hạn chế. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp thiếu nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất; thị trường xuất khẩu giảm sâu, các đơn hàng từ Trung Quốc và một số thị trường truyền thống bị ngưng trệ, một số doanh nghiệp ngừng sản xuất, việc làm thiếu, thất nghiệp tăng lên…
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung quyết liệt của cả hệ thống chính trị và chung sức, đồng lòng, của toàn Đảng, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện các Chỉ thị của Đảng, Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vừa ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì phát triển kinh tế, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi sản xuất, vượt qua khó khăn, thách thức. Hướng tới các chỉ tiêu cụ thể là: Trong năm 2021, ngành công thương của tỉnh đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt từ 20,5 - 20,8 tỷ USD, tăng khoảng 8,1 - 8,5% so với năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu duy trì mức tăng từ 7-8% so với năm 2020… Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn bình quân hằng năm hơn 8,5%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 186 triệu đồng; tổng vốn đầu tư xã hội huy động trong năm năm là 500 nghìn tỷ đồng.
Để xây dựng Đồng Nai thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước vào năm 2025 và thuộc nhóm đầu các tỉnh phát triển,Đồng Nai đã đưa ra một số phương hướng, giải pháp để phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới như: Xác định ngành công nghiệp công nghệ cao và ngành công nghiệp hỗ trợ là những ngành công nghiệp cần phát triển lâu dài; thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực ngành công nghiệp hỗ trợ. Hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục, triển khai xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; tham mưu, đề xuất đơn vị quản lý hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đảm bảo hiệu quả; tập trung triển khai các nhiệm vụ bình ổn thị trường trong nước; tiếp tục triển khai xây dựng các điểm bán hàng Việt; nghiên cứu tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung xúc tiến thương mại, rà soát quỹ đất đất sạch tại các khu, cụm công nghiệp và xây dựng chuyên mục phổ biến thông tin về quỹ đất, nhà xưởng cho thuê để doanh nghiệp tham khảo; tiếp nhận và tổng hợp nhu cầu về mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp, giới thiệu và kết nối giữa doanh nghiệp có nhu cầu về mặt bằng sản xuất với chủ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp./.
Nguồn: Báo cáo Cục Thống kê Tỉnh Đồng Nai
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông Tin Thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT