Đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, hợp tác xã ở tỉnh Hà Tĩnh
13:49 - 15/05/2024
Lê Xuân Sang[1], Nguyễn Văn Chung[2]
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một động lực quan trọng trong nâng cao năng suất của doanh nghiệp, hợp tác xã và chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Tại Việt Nam, việc đánh giá mức độ ĐMST cấp địa phương mới bắt đầu ứng dụng với các tiêu chí đánh giá khác nhau. Nghiên cứu này lần đầu tiên đánh giá các hoạt động ĐMST ở Hà Tĩnh và các yếu tố ảnh hưởng theo 5 tiêu chí, thông qua: (a) khảo sát 320 doanh nghiệp, hợp tác xã Hà Tĩnh hoạt động trên 10 huyện/thị xã trong 10 ngành; và (b) đánh giá các yếu tố tác động lên ĐMST Hà Tĩnh với các báo cáo đánh giá ĐMST của Bộ Khoa học và Công nghệ và các nghiên cứu cùng lĩnh vực; qua đó, tạo cơ ở cho việc xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá mức độ ĐMST địa phương.
Từ khóa: Doanh nghiệp; Đổi mới sáng tạo; Hợp tác xã; Hà Tĩnh.
1. Giới thiệu
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) (tiếng Anh: innovation) là việc thực hiện một sản phẩm/dịch vụ hoàn toàn mới hoặc được cải tiến đáng kể về qui trình, kỹ thuật hay một phương pháp tổ chức mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh [4], hoặc đổi mới về nguồn đầu vào sản xuất [6]. ĐMST có vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng nền kinh tế, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đối với các ngành sản xuất, ĐMST đóng vai trò cốt yếu trong nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là năng suất lao động, thu nhập của người lao động, qua đó giúp đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương bền vững hơn.
Qua gần bốn mươi năm Đổi mới, Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, tuy nhiên, chủ yếu dựa trên việc tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động giá rẻ; trong khi trình độ ĐMST còn hạn chế. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam vẫn ở mức thấp, không ổn định, xếp hạng thứ 48 toàn cầu năm 2023 trong khi chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp tỉnh (PII) Hà Tĩnh đứng thứ 42 toàn quốc [1].
Trong bối cảnh mới, việc thúc đẩy ĐMST càng trở nên cấp bách, đòi hỏi có sự đánh giá đủ chi tiết cho Hà Tĩnh về năng lực ĐMST của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở kinh doanh (CSKD) trên địa bàn.
Nghiên cứu về ĐMST trên thế giới đến nay đã có tương đối nhiều, được cập nhật hàng năm bởi các Báo cáo GII toàn cầu cũng các nghiên cứu độc lập khác. Với mức độ ít hơn nhiều, tại Việt Nam, cũng đã có một số nghiên cứu về ĐMST cả nước và một số địa phương và các khía cạnh liên quan khác. Tuy vậy, đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu chuyên biệt, dù là sơ khởi về thực trạng ĐMST của CSKD trên địa bàn Hà Tĩnh.
Mục tiêu của bài viết này là đánh giá thực trạng ĐMST của các CSKD Hà Tĩnh theo 5 tiêu chí thông qua: (1) khảo sát thực địa 320 CSKD trong 10 ngành hàng được lựa chọn; và (2) so sánh với kết quả khảo sát, xếp hạng ĐMST do DOST (2024) đánh giá và các nghiên cứu khác liên quan.
2. Một số vấn đề lý luận cơ bản
2.1 Một số khái niệm, nội hàm cơ bản
ĐMST là chủ đề được bàn luận từ tương đối lâu. OECD (2005) đưa ra khái niệm: “ĐMST là việc triển khai một sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ), một quy trình hoặc một cải tiến mới hoặc một phương pháp tiếp thị mới hoặc một phương pháp tổ chức mới trong thực tiễn kinh doanh, tổ chức DN và quan hệ đối ngoại”. Gần đây, OECD (2018) rút gọn xuống chỉ còn loại hình là đổi mới sản phẩm và quy trình [4]. Tuy nhiên, Schumpeter (1934) có cách tiếp cận rộng hơn, bổ sung tiêu chí “phát triển nguồn cung ứng (đầu vào) mới” [6]. Có thể thấy, cách tiếp cận này tương đối phù hợp với các nước đang phát triển, nhất là các nước chủ yếu nhập khẩu đầu vào để sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu như Việt Nam. Luật Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2013 nêu định nghĩa ĐMST là “việc tạo ra ứng dụng, thành tựu giải pháp kỹ thuật công nghệ, quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng xuất khẩu”. Khái niệm này chủ yếu nêu mục tiêu của ĐMST song không phân định, làm rõ các hình thức ĐMST, nhất là không xác định được khi nào thì DN có thực hiện việc ĐMST.
ĐMST không chỉ xuất phát từ DN mà còn nhiều chủ thể khác trong một khu vực, còn là kết quả của sự hợp tác, tương tác và học hỏi lẫn nhau giữa các tác nhân khác nhau trong một khu vực, chẳng hạn như các công ty, tổ chức nghiên cứu và quản trị.
Ngoài ra, cần phân biệt 2 dạng: ĐMST đóng (ĐMST truyền thống, quá trình ĐMST nằm trong nội bộ của tổ chức) và mở ĐMST (quá trình ĐMST kết hợp giữa nhiều tổ chức, người liên quan/đối tác bên ngoài DN).
Tuy nhiên, ĐMST không hẳn là một hình thức gì đó cao siêu; nó có thể được phân thành hai nhóm: ĐMST gắn với khoa học và công nghệ và không gắn với chúng (ví dụ chuyển các tổ chức từ chợ/cửa hàng truyền thống thành siêu thị).
Cuối cùng, cần phân biệt ĐMST với phát minh, sáng chế; theo đó, ĐMST là hoạt động đã được thực hiện và giao dịch trên thị trường, nghĩa là đã được thương mại hóa thành công, còn 2 dạng hoạt động sau chưa chứng minh được tính thực tiễn, thị trường hoá.
2.2. Tình hình nghiên cứu ĐMST ở Việt Nam
Đến nay, các nghiên cứu trực tiếp đo lường về loại hình, mức độ ĐMST ở quốc tế đã có tương đối nhiều. Phổ biến nhất là các báo cáo của OECD (2005) và OECD (2018) hướng dẫn cách đo lường theo 4 tiêu chí và 2 tiêu chí như đã nêu. Tại Việt Nam, Báo cáo của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (2017) [2] đánh giá, xếp hạng ĐMST trong DN tại các tỉnh thành Việt Nam giai đoạn 2014-2016 theo 4 tiêu chí dựa trên cách tiếp cận của OECD (2005). Gần đây, Báo cáo của DOST (2024) đánh giá các chỉ số liên quan đến ĐMST các tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh. Nghiên cứu của Phan Tố Uyên và các cộng sự (2020) [5] đánh giá 4 hình thức ĐMST của 463 DN nông nghiệp Việt Nam theo cách tiếp cận của OECD (2015). Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nghiên cứu chi tiết về các hình thức ĐMST, các đặc điểm và các yếu tố tác động lên ĐMST Hà Tĩnh theo 5 tiêu chí.
2.3 Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu này đánh giá tình hình ĐMST thông qua khảo sát các CSKD ở Hà Tĩnh để nhận dạng các hình thức, các nhân tố ảnh hưởng ĐMST. Tuy nhiên, trên quan điểm cạnh tranh toàn quốc, chúng tôi còn tiếp cận liên tỉnh thông qua so sánh các yếu tố ảnh hưởng ĐMST Hà Tĩnh với các tỉnh khác. Do các tiêu chí đo lường của OECD hướng tới so sánh toàn cầu nên chúng không thể hiện được đầy đủ năng lực ĐMST của các ngành, nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi cấp quốc gia và địa phương như đối với Hà Tĩnh. Tiêu chí Đổi mới nguồn đầu vào sản xuất khá thích hợp trong đo lường đặc điểm nền kinh tế Hà Tĩnh - vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài. Chính vì vậy, nghiên cứu này đánh giá 5 loại hình ĐMST Hà Tĩnh theo thang đo Linkert (từ 1 điểm) đến 5 điểm); từ không đồng ý đến hoàn toàn đồng ý) và tính điểm trung bình.
Để đánh giá ĐMST, nghiên cứu khảo sát 320 CSKD (trừ doanh nghiệp FDI) hoạt động trong 10 huyện/thị xã Hà Tĩnh chủ yếu trong các ngành: (1) Trồng trọt; (2) Chăn nuôi; (3) Khai thác, nuôi trồng thủy sản; (4) Chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; (5) Khai khoáng; (6) Cơ khí; (7) Dệt may; (8) Sản xuất vật liệu xây dựng; (9) Xây dựng dân dụng; (10) Hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, tái chế phế liệu. Lưu ý là cách thức chọn mẫu là ngẫu nhiên trong các phân ngành được tỉnh Hà Tĩnh đặt hàng (chỉ định). Thời gian khảo sát là từ tháng 11/2023-4/2024.
[1] Tiến sĩ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Việt Nam
[2] Thạc sĩ - Ủy ban Nhân dân Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh