Định hướng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp đến năm 2030 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương

15:21 - 23/04/2024

TS.Vũ Quang Hùng

Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương

 Tóm tắt: Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thông minh phát triển chậm. Nghị quyết nhấn mạnh “Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt” và “Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao”. Nghiên cứu đề xuất lựa chọn một số ngành/nhóm ngành trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo để ưu tiên phát triển, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp. Trong tất cả ngành cấp 2 thuộc lĩnh vực công nghiệp, ngành chế biến chế tạo được cho là ngành quan trọng, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt và là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Từ khóa: Chuyển dịch cơ cấu; nội ngành công nghiệp; giá trị trăng thêm; công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển; chế biến chế tạo.

1. Tổng quan

Qua hơn 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Cùng với tăng trưởng ổn định, công nghiệp đã hình thành được một số ngành chủ lực của nền kinh tế, như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ô tô, xe máy..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.

Cơ cấu nội ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nhóm ngành khai khoáng, tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo trong GDP. Giai đoạn 2010 - 2020, tỷ trọng nhóm ngành ngành khai khoáng liên tục giảm (từ 9,1% năm 2010 còn 5,55% năm 2020). Trong khi đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không ngừng được mở rộng và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% vào năm 2020). công nghiệp hỗ trợ được quan tâm thúc đẩy, tăng cường liên kết, đặc biệt là trong những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản... Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành; tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện; năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế; đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thông minh phát triển chậm. Các ngành dịch vụ quan trọng chiếm tỷ trọng nhỏ, liên kết với các ngành sản xuất yếu.

Nghị quyết nhấn mạnh “Coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt” và “Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao”. Triển khai thực hiện Nghị quyết, nghiên cứu này sẽ tập trung nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp giai đoạn vừa qua, đồng thời phân tích đánh giá những nhân tố ảnh hưởng và những thuận lợi, khó khăn trong chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp, thông qua đó đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp. Góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Định hướng chuyển dịch cơ cấu nội ngành

- Cơ cấu lại nội ngành công nghiệp trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển ngành công nghiệp giai đoạn 2011-2022 chỉ ra những hạn chế, bất cập trong phát triển để đề xuất các quan điểm, định hướng cơ cấu lại nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển các ngành vực công nghiệp có tiềm năng và dư địa được ưu tiên phát triển.

- Cơ cấu lại nội ngành công nghiệp là lựa chọn phát triển các ngành/lĩnh vực có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng hiện đại, trên cơ sở hàm lượng kỹ thuật, công nghệ, tính chuyên môn hóa cao và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế tuần hoàn.

- Cơ cấu lại công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy tạo ra mạng lưới liên kết sản xuất đa doanh nghiệp, đa ngành nghề và chuyên môn hóa theo chuỗi. Nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành, của địa phương và của vùng góp phần tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp trong tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

- Duy trì, phát triển hợp lý các ngành công nghiệp không có nhiều điều kiện, cơ hội đầu tư và phát triển mạnh hoặc là những lĩnh vực công nghiệp tạo nhiều việc làm cho lao động phổ thông, nhưng vẫn cần thu hút đầu tư một cách hợp lý để phục vụ cho phát triển hạ tầng khu/cụm công nghiệp, nhu cầu tiêu dùng, tham gia xuất khẩu, mở rộng thương mại quốc tế và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đóng góp cho công tác an sinh xã hội.

Trên cơ sở phân tích hiện trạng và đánh giá tiềm năng cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu công nghiệp đến năm 2030. Theo đó cơ cấu lại ngành nội ngành công nghiệp tập trung vào theo 03 trụ cột chính như sau: (1) Phát triển các ngành/lĩnh vực công nghiệp chủ lực; (2) Phát triển công nghiệp hỗ trợ; (3) Phân bố lại không gian phát triển công nghiệp.

3. Một số giải pháp chủ yếu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu

3.1. Về liên kết ngành, liên kết vùng

- Chủ động phối hợp với các địa phương trong vùng tăng cường tổ chức hội thảo kết nối cung, cầu nhằm tìm kiếm cơ hội trong liên kết trong sản xuất. Thúc đẩy phát triển các cụm liên kết cụm ngành (cluster) trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp cơ khí, điện tử, dệt may và da giầy. Phát triến cụm liên kêt sản xuất - chế biến, chế biến sâu, tiêu thụ nông sản, thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” có năng lực để dẫn dắt chuỗi liên kết thông suốt, hiệu quả

- Khai thác tối đa lợi thế trong liên kết Vùng, đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng công nghiệp lõi, vùng công nghiệp đệm theo mô hình phát triển cụm ngành công nghiệp (Industrial cluster) để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng.

- Tiếp tục phối hợp với các địa phương trong khu vực thực hiện nghiêm quy hoạch vùng, tuân thủ phân bố không gian, hạn chế việc đầu tư chồng chéo gây lãng phí và khai thác hiệu quả lợi thế của toàn vùng và lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế nói chung, trong phát triển công nghiệp nói riêng. Đồng thời đề xuất với Chính phủ trao quyền mạnh hơn cho Ban điều phối và xây dựng các cơ chế phù hợp để việc điều phối không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chung của toàn vùng.

3.2. Về phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên

- Tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghiệp ưu tiên: cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển các sản phẩm: ô tô, gia công kim loại, máy móc thiết bị phục vụ các ngành kinh tế); điện tử tin học (ưu tiên phát triển các sản phẩm: thiết bị điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao); công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

- Ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, vật liệu mới và các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo, hóa chất, dệt may,... và công nghiệp hỗ trợ.

- Phát huy hiệu quả khu, cụm công nghiệp và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức liên kết cụm ngành, nhóm sản phẩm tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao; xây dựng các khu công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ và một số khu nghiên cứu cải tiến kỹ thuật và đổi mới công nghệ.

3.3. Về nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành

- Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số), thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực,.... nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, cần có sự hài hòa lợi ích của 3 nhân tố là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cơ chế, chính sách của Nhà nước; huy động được đa dạng các nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư, đổi mới, phát triển của doanh nghiệp đúng thời điểm, không bỏ lỡ cơ hội đầu tư, phát triển thị trường.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc một số ngành phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu như: dệt may, kim loại chế tạo, sản xuất, lắp ráp ô tô cơ cấu lại nguồn nguyên liệu, vật liệu, linh phụ kiện; Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như: thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, cải thiện lợi thế cạnh tranh.

- Các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập, phát triển. Đổi mới, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Nắm bắt xu hướng thay đổi nhu cầu của thị trường, giai đoạn thiết kế sản phẩm nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Áp dụng các công nghệ phù hợp, vừa bảo đảm tạo ra các sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa có chi phí sản xuất thấp.

- Tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững: sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường. Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất đáp ứng được yêu cầu và xu thế phát triển. 

3.4. Về phát triển hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp

- Chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các chủ đầu tư đẩy nhanh thực hiện các công trình đầu mối trên địa bàn như hạ tầng giao thông, lưới điện, xem đây là khâu then chốt để thu hút các dự án đầu tư lớn, dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

- Đối với các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhưng đã có nhà đầu tư kiên quyết đôn đốc các chủ đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ, đồng thời sát cánh với nhà đầu tư tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án; kết nối, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận với các khoản tín dụng ưu đãi cho đầu tư cơ sở hạ tầng,.... đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

- Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch nhưng chưa có nhà đầu tư, tập trung nghiên cứu, xúc tiến tìm kiếm và kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng, có năng lực, uy tín về tìm hiểu cơ hội đầu tư; vận dụng linh hoạt, áp dụng tối đa các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đối với các nhà đầu tư hạ tầng cơ sở.

- Tập trung cao công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng, chú trọng các cơ chế, giải pháp đẩy nhanh việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

- Quan tâm, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng logistic, trước mắt là hệ thống cảng cạn, kho bãi,...; hỗ trợ các doanh nghiệp logistic da dạng hoá sản phẩm, dịch vụ, tập trung vào 3 khâu chính: đảm nhận dịch vụ đóng gói, phân loại hàng hóa cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; đồng thời cung cấp dịch vụ kiểm đếm, phân phối hàng hóa đến địa chỉ tiếp nhận; đầu tư, xây dựng hợp lý, có hiệu quả hệ thống kho bãi của doanh nghiệp. Đồng thời, kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước tiếp cận, kết nối với mạng lưới doanh nghiệp logistic cả nước, khu vực và quốc tế nhằm học hỏi, tiếp cận công nghệ quản lý, vận hành hiện đại theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động logistic.

 

Tài liệu tham khảo:

- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

- Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

- Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 01/01/2023 của Quốc hội, về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

- Quyết định số 165/QĐ-TTg, ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030;

- Niên giám Thống kê từ năm 2016-2022;

- Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại từ năm 2016-2022.