ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỤM LIÊN KẾT SẢN XUẤT THIẾT BỊ ĐIỆN, ĐIỆN TỬ, CƠ KHÍ CHẾ TẠO TẠI THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN VÀ BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2030 THEO HƯỚNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

12:06 - 05/12/2023

Đỗ Văn Long[1]

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và cho thấy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước đặt ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhanh và bền vững kinh tế Vùng. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp theo hướng liên kết nội vùng và liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô còn yếu, hiệu quả thấp; không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng. Phát triển cụm liên kết ngành sản xuất tại Thái Nguyên và Bắc Giang theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm tăng năng suất lao động, giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện năng lực kỹ thuật nhờ hiệu ứng lan truyền, tăng cường việc tiếp cận đến thị trường, tạo giá trị gia tăng sản phẩm.

Từ khóa: Chuỗi giá trị; Công nghiệp; Cụm liên kết sản xuất; Không gian phát triển; Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

  1. Bối cảnh chung

Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm, từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách giúp thúc đẩy liên kết vùng. Mục tiêu của Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế -xã hội đặt ra mục tiêu hoàn thiện thể chế liên kết vùng giai đoạn 2021 - 2030 nhằm tăng cường vai trò điều phối liên kết vùng của chính quyền trung ương, tạo kênh thông tin, thúc đẩy liên kết chính quyền địa phương trong vùng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh vùng.

Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là Nghị quyết đầu tiên về phát triển vùng được Bộ Chính trị khóa XIII xem xét, ban hành, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và cho thấy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước đặt ra nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhanh và bền vững kinh tế Vùng.

Thực tiễn phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian qua cho thấy, các hoạt động liên kết của vùng đã được coi trọng gắn với đầu tư phát triển, từng bước hình thành và phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, gắn kết các địa phương và phát triển khu kinh tế cửa khẩu và gắn với các địa phương khác ngoài vùng. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp theo hướng liên kết nội vùng và liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô còn yếu, hiệu quả thấp; không gian phát triển bị chia cắt theo địa giới hành chính, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng. Trên thực tế hiện nay một số khu vực trên cả nước đã hình thành một số cụm liên kết sản xuất, tuy nhiên cụm liên kết ngành này tính liên kết còn rất lỏng lẻo, trong đó liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, liên kết khu công nghiệp với cụm công nghiệp, liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu, của các thiết chế khác trong nền kinh tế đang còn rất hạn chế.

Hình thành cụm liên kết ngành tạo động lực để phát triển và đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách liên kết vùng, trọng tâm là tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực có lợi thế phát triển và đang phát triển tốt làm hạt nhân của vùng nhằm phát triển đồng bộ và tạo sự liên kết giữa các địa phương khác trong vùng trên cơ sở liên kết giữa các loại hình sản xuất; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và kinh tế vùng trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh từng địa phương trong Vùng.

Phát triển cụm liên kết ngành sản xuất tại Thái Nguyên và Bắc Giang theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm tăng năng suất lao động, giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện năng lực kỹ thuật của nhân lực nhờ hiệu ứng lan truyền, tăng cường việc tiếp cận đến thị trường, tạo ra nhiều giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm. Đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ và nguồn nguyên liệu; tăng tốc độ và giảm chi phí giao dịch giữa các doanh nghiệp; dễ dàng tiếp cận thông tin thị trường; tăng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy nâng cao chất lượng, đồng thời hình thành các liên kết trong sản xuất. Ngoài ra cụm liên kết sản không chỉ bao gồm các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mà còn bao gồm các doanh nghiệp thuộc ngành hạ nguồn như: các kênh phân phối, bán lẻ đến người tiêu dùng; các nhà sản xuất sản phẩm phụ trợ, nhà cung cấp hạ tầng chuyên dụng, các tổ chức đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực, trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ kỹ thuật như các trường đại học, cơ quan nghiên cứu chính sách, trường dạy nghề.

  1. Định hướng phát triển

- Khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, kéo dài chuỗi giá trị, giúp nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu.

- Tập trung và ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế so sánh, như: Điện tử, máy vi tính và thiết bị điện; công nghiệp vật liệu mới và sản xuất kim loại. Khôi phục và phát triển các lĩnh vực trong ngành cơ khí chế tạo; thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản để tạo nguyên liệu đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử phát triển.

- Dịch chuyển các công đoạn có giá trị cao trong chuỗi giá trị gia tăng của từng ngành công nghiệp. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, từng bước tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu hàng điện tử, máy vi tính và thiết bị điện; công nghiệp vật liệu mới và sản xuất kim loại. Khôi phục và phát triển các lĩnh vực trong ngành cơ khí chế tạo là thế mạnh của tỉnh; thu hút đầu tư chế biến sâu khoáng sản để tạo nguyên liệu đầu vào cho các ngành cơ khí chế tạo, điện tử phát triển.

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh Bắc Giang và tỉnh Thái Nguyên đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỷ trọng nội địa trong sản xuất công nghiệp.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch để thu hút đầu tư. Trong giai đoạn tới, không phát triển thêm khu công nghiệp ở thành phố Thái Nguyên; tập trung và ưu tiên thu hút đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp tại khu vực phía Nam của tỉnh, gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

- Khuyến khích hình thành cụm sản xuất trong một số ngành công nghiệp ưu tiên, tạo nền tảng và cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với phát triển dịch vụ chất lượng cao; công nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến trong nông nghiệp ở vùng nông thôn. Thu hút các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế so sánh, có kết nối với các địa phương trong vùng Thủ đô Hà Nội, các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.

- Mở rộng, nâng cao sản lượng, chất lượng của các dự án đã thu hút đầu tư. Với nền tảng đã xây dựng được ở giai đoạn trước, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển giao sản xuất linh kiện thiết bị điện, điện tử từ doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp nội địa.

  1. Định hướng liên kết theo không gian

- Phát triển công nghiệp thiết bị điện, điện tử tập trung tại các khu công nghiệp ở các huyện Việt Yên, Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Sông Công I, Sông Công II (giai đoạn I, II), Yên Bình, Điềm Thụy (khu B), Phú Bình. Hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành thiết bị điện, điện tử, cơ khí chế tạo để trở thành vệ tinh sản xuất cung cấp cho các doanh nghiệp quy mô lớn. Ưu tiên các nhà đầu tư lớn, chiến lược thực hiện các dự án sản xuất máy tính và các thiết bị ngoại vi, linh kiện bán dẫn, linh kiện điện tử các loại cho các thiết bị điện tử gia dụng, điện thoại di động..., pin năng lượng mặt trời tạo ra các sản phẩm xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2030 chú trọng tiếp thu công nghệ và từng bước nâng cao tiềm lực công nghệ để chuyển từ gia công lắp ráp sang thiết kế; sau năm 2030 có khả năng tự sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

- Phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo tập trung tại các khu, cụm công nghiệp quỵ hoạch mới khu vực Hiệp Hòa, Yên Dũng, Sông Công I, Sông Công II (giai đoạn I, II), Yên Bình, Điềm Thụy (khu B), Phú Bình. Ưu tiên các dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị, máy móc, công cụ; sản xuất phụ tùng, linh kiện, cụm chi tiết, gia công cơ khí, đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyệt, xử lý bề mặt, cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm tiêu chuẩn; cơ khí chính xác, khuôn mẫu, vật liệu cắt gọt và gia công áp lực... cụ thể như sau:

+ Khu vực công nghiệp phía Nam và Tp Thái Nguyên. Tập trung phát triển khu vực công nghiệp phía Nam dọc theo cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 3 cùng tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên và thành phố Thái Nguyên, bao gồm thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công, thành phố Phổ Yên và huyện Phú Bình. Đây là vùng động lực phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên và của cả vùng trung du và miền núi phía Bắc.

+ Khu vực công nghiệp theo trục hành lang QL1A, cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn tỉnh Bắc Giang. Tiếp tục duy trì và bố trí phát triển mới các KCN, cụm công nghiệp gồm:  10 khu công nghiệp: Quang Châu, Quang Châu 2, Vân Trung, Đình Trám, Việt Hàn, Song Khê - Nội Hoàng, Tân Hưng, Nghĩa Hưng, An Hà, Mỹ Thái. 15 cụm công nghiệp: Hoàng Mai, Quang Châu, Nếnh, Tân Mỹ, Làng nghề Đa Mai, Dĩnh Trì, Bãi Ổi, Non Sáo, Vôi - Yên Mỹ, Tân Dĩnh - Phi Mô, Đại Lâm, Đại Lâm 2, Hương Sơn, Nghĩa Hòa, Hương Sơn 2.

+ Khu vực công nghiệp theo trục hành lang ĐT398 (vành đai IV), ĐT296 - ĐT295 - QL37 - QL17 - ĐT299 tỉnh Bắc Giang. Bố trí phát triển tại khu vực và mở rộng ra xung quanh các khu, cụm công nghiệp gồm: 14 khu công nghiệp: Hòa Phú, Châu Minh - Bắc Lý - Hương Lâm, Xuân Cẩm - Hương Lâm, Hòa Yên, Tiên Sơn - Ninh Sơn, Yên Lư, Đức Giang, Đồng Phúc, Song Mai - Nghĩa Trung, Ngọc Thiện, Thượng Lan, Minh Đức - Thượng Lan - Ngọc Thiện, Tự Lạn - Bích Sơn - Trung Sơn, Ngọc Lý. 18 cụm công nghiệp: Việt Nhật, Jutech, Đông Lỗ, Đông Lỗ 2, Tiên Sơn, Yên Lư, Thanh Vân, Thanh Vân-Hoàng An, Danh Thắng - Đoan Bái, Đoan Bái, Đoan Bái - Lương Phong 1, Đoan Bái - Lương Phong 2, Việt Tiến, Minh Đức-Ngọc Lý, Nghĩa Trung, Kim Tràng, Đồng Đình, Ngọc Vân.

+ Khu vực công nghiệp phía Đông theo tuyến hành lang ĐT293- QL37, vành đai V tỉnh Bắc Giang. 8 khu công nghiệp: Yên Sơn - Bắc Lũng, Cẩm Lý - Vũ Xá, Huyền Sơn, Thái Đào - Tân An, Mỹ Thái - Xuân Hương -Tân Dĩnh, Quế Nham, Phúc Sơn, Yên Sơn. 16 cụm công nghiệp: Lan Sơn, Lan Sơn 2, Vũ Xá, Tiên Hưng, Khám Lạng, Thanh Sơn, Đồi Ngô, Già Khê, Phương Sơn – Đại Lâm, Phượng Sơn, Cầu Đất,  Ngọc Châu, Việt Ngọc, Lăng Cao. Ngoài các CCN bố trí theo các trục phát triển công nghiệp tập trung, bố trí thêm các CCN tại các huyện để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ cho các địa phương.

+ Khu vực công nghiệp phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên: Trong giai đoạn tới, khu vực sẽ tập trung thu hút đầu tư vào 08 cụm công nghiệp đã quy hoạch với tổng diện tích 255,6 ha. Tập trung thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp cụm công nghiệp An Khánh 1, Phú Lạc 2 và thu hút doanh nghiệp phát triển hạ tầng cụm công nghiệp Kim Sơn (H. Định Hoá) và 02 cụm công nghiệp Yên Lạc và Yên Ninh. Định hướng trong các giai đoạn tới, ngoài các sản phẩm công nghiệp đang có đóng góp cao trong khu vực, thì các ngành nghề sẽ có cơ hội phát triển trên 03 địa phương của vùng trong thời gian tới là gia công cơ khí và luyện kim.

+ Tại thành phố Thái Nguyên: thời gian tới, định hướng chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao; hình thành một số cụm công nghiệp tại khu vực phía Nam; di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện nay còn nằm rải rác trong thành phố vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố và các địa phương khác.

  1. Định hướng liên kết theo ngành/lĩnh vực

4.1. Ngành thiết bị điện, điện tử

- Nhu cầu toàn cầu về sản phẩm điện tử rất cao, cạnh tranh giữa các nước trong khu vực trong lĩnh vực này cũng ngày càng mạnh. Liên kết mạng lưới toàn cầu là tập trung sản xuất tại một số quốc gia có lợi thế nhất, gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu chi phí. Do đó, để giảm phụ thuộc vào nước ngoài, phải chuyển mạnh từ lắp ráp đơn thuần sang sản xuất trực tiếp các sản phẩm linh kiện, phụ kiện điện tử để phục vụ nhu cầu trong nước và của địa phương.

- Tỉnh Bắc Giang và tỉnh Thái Nguyên có nhiều lợi thế để thu hút các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử. Tận dụng các Hiệp định thương mại; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU)… để phát triển và mở rộng quy mô để tận dụng cơ hội về ưu đãi thuế quan trong hoạt động xuất khẩu. 

- Tập trung phát triển ngành thiết bị điện, điện tử để trở thành ngành công nghiệp chủ lực và tạo động lực cho các ngành khác phát triển. Liên kết sản xuất các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Ưu tiên ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và quản lý tổng thể doanh nghiệp điện tử nhằm tối ưu hóa quy trình.

- Tiếp tục thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng (TV, điều hòa, máy giặt); sản xuất, lắp ráp bảng vi mạch điện tử, bo mạch điện tử, phụ tùng, linh kiện điện tử; sản xuất quạt điện công nghiệp, dân dụng; sản xuất cáp điện … nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu;

- Công nghiệp hỗ trợ thiết bị điện, điện tử, tin học: Cảm biến thông minh, bộ vi mạch điện tử, chip điện tử, IC, bo mạch điều khiển, linh kiện điện tử, quang điện tử, linh kiện thạch anh, cụm linh kiện, thiết bị lưu trữ dung lượng lớn, bộ nhớ, thẻ nhớ. Linh kiện, thiết bị cho thiết bị điện gia dụng: các chi tiết kim loại dạng tấm, vỏ máy giặt, tủ lạnh, linh kiện, cụm linh kiện thiết bị điện, điện tử. 

- Sản xuất thiết bị điện (chủ yếu pin năng lượng mặt trời): Tiếp tục xác định đây là sản phẩm quan trọng của ngành công nghiệp của tỉnh Bắc Giang do đó tiếp tục điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, kéo dài chuỗi giá trị, hướng tới hình thành cụm ngành chuyên sản xuất sản phẩm Pin năng lượng mặt trời.

4.2. Ngành cơ khí, chế tạo

- Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế chế tạo sản phẩm mới và chuyển giao công nghệ, đầu tư công nghệ hiện đại máy móc nông nghiệp, linh kiện phụ tùng ô tô, v.v... Nâng cao năng lực đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt, cung cấp nguyên liệu, bán thành phẩm tiêu chuẩn để chế tạo chi tiết, phụ tùng cho sản xuất 3 nhóm sản phẩm cơ khí chính là thiết bị đồng bộ, máy công cụ và máy móc xây dựng.

- Từng bước chuyển dịch cơ cấu sản phẩm từ thép xây dựng sang thép chế tạo, thép đặc biệt phục vụ ngành chế tạo máy và công nghiệp quốc phòng; phát triển sản xuất một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để phục vụ xuất khẩu.

- Dự kiến trong giai đoạn này phấn đấu nắm bắt được các công nghệ mới trong sản xuất các nhóm sản phẩm công nghệ phức tạp hơn (bao gồm cả thiết kế, thử nghiệm, giám định chất lượng chi tiết và tổng thành); ưu tiên các sản phẩm đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, trình độ tự động hóa cao hơn.

- Đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng lĩnh vực sản xuất, tiếp tục thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm linh kiện phụ tùng, thiết bị. Hình thành hệ thống doanh nghiệp có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp lắp ráp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tập trung phát triển năng lực thiết kế, chế tạo linh kiện, cụm linh kiện phức tạp hướng tới thị trường xuất khẩu.

- Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao: Các loại khuôn mẫu, khuôn đúc nhựa có độ chính xác cao; các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao (Các loại đai ốc, bu lông, ốc vít có độ chính xác cao dùng cho các thiết bị điện tử, cơ điện tử, điện tử y tế, rô bốt công nghiệp); các loại chi tiết nhựa chất lượng cao (các bộ truyền động chính xác, các chi tiết có độ bền và tuổi thọ cao, chịu nhiệt và chịu mài mòn bằng nhựa);...

- Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo: Khuôn mẫu, đồ gá (khuôn dập, khuôn đúc, đồ gá gia công, đồ gá kiểm tra); linh kiện và phụ tùng máy gia công cơ khí, máy hàn; linh kiện và phụ tùng máy động lực, máy nông nghiệp, đóng tàu; linh kiện và phụ tùng máy, thiết bị chế biến nông lâm thủy sản; các chi tiết máy (Bu lông cường độ cao, ốc vít cường độ cao, ổ bi, bạc lót, bánh răng, van, khớp các loại, vỏ máy, chi tiết đột dập); thép chế tạo, ...

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tài liệu tiếng Việt
  2. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  3. Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế -xã hội đặt ra mục tiêu hoàn thiện thể chế liên kết vùng giai đoạn 2021 – 2030;
  4. Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  5. Quyết định số 644/QĐ-TTg ngày 5/5/2014  của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ DNNVV để phát triển các CLKN trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp, nông thôn”;
  6. Quyết định 32/QĐ-TTg ngày 13/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh;
  7. Vũ Đình Khoa (2015) “các nhân tố hình thành cụm ngành công nghiệp điện tử - nghiên cứu điển hình tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ”;
  8. Tài liệu tiếng Anh
  9. Porter, M. E. (1998), ‘Clusters and the new economics competition’, Harvard Business Review 1998, 77-90;
  10. Rosenfeld, S. A. (1997), ‘Bringing Business Clusters into the Mainstream of Economic’, European Planning Studies, 5(1), pp. 2-23;
  11. Roveda, C., Vecchiato, R. (2008), ‘Foresight and innovation in the context of industrial clusters: The case of some Italian districts’, Technological Forecasting & Social Change, 75, pp. 817-833.

 ORIENTATION FOR DEVELOPING LINKED CLUSTER OF ELECTRICAL, ELECTRONIC AND MECHANICAL EQUIPMENT MANUFACTION IN THAI NGUYEN AND BAC GIANG CITY TOWARDS APPLYING HIGH TECHNOLOGY AND ENVIRONMENTAL FRIENDLINESS BY 2030

Do Van Long

 Resolution No. 11-NQ/TW dated February 10th, 2022 of the Politburo on socio-economic development directions and ensuring national defense and security in the Northern midlands and mountainous regions by 2030, vision to 2045, demonstrating the special attention of the Party and State, and showing the particularly important position and role of the Region in socio-economic development and national defense and security of the whole country. This poses tasks and solutions for rapid and sustainable economic development of the Region. However, industrial development towards intra-regional linkages and links with the Red River Delta and the Capital region is still weak and has low efficiency. The development space is divided according to administrative boundaries, not fully promoting the potential and advantages of localities in the Region. Developing linked clusters in Thai Nguyen and Bac Giang towards applying high technology and environmental friendliness to create conditions for businesses to participate in the value chain, to increase productivity, to reduce costs, to diversify products and to improve technical capacity of human resources due to the spillover effect, market access, and added value of products.

Keywords: Development space; Industry; Linked clusters; Northern midland and mountainous region; Value Chain.4

[1] Thạc sĩ, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế số và đổi mới sáng tạo -  Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương