ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP ƯU TIÊN TRONG THỜI GIAN TỚI
18:17 - 08/12/2023
Thái Quốc Hải
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương
Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải tiến hành công nghiệp hoá hiện đại hóa theo hướng hiện đại trong điều kiện hội nhập và thực hiện các cam kết của các hiệp định song phương, đa phương đã ký kết. Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra mục tiêu: “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn”. Để đạt được mục tiêu trên, cần thiết có những nghiên cứu chính sách về phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên để tạo những đột phá mới về thể chế, chính sách và phát triển ngành. Do đó, bài viết đề xuất một số định hướng phát triển công nghiệp ưu tiên của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Từ khóa: Công nghiệp ưu tiên; Công nghiệp hóa; Định hướng chính sách; Hiện đại hóa.
1. Mở đầu
Trong giai đoạn 2011-2021, các ngành công nghiệp ưu tiên Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý:
Sản xuất CN liên tục tăng trưởng với tốc độ cao trong giai đoạn 2011-2021, chỉ số sản xuất toàn ngành CN tăng bình quân 8,6% một năm.
Cơ cấu các ngành CN có sự chuyển biến tích cực: Sản phẩm CN phát triển ngày càng đa dạng và phong phú hơn về chủng loại, chất lượng được cải thiện, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo cung cầu của nền kinh tế, giữ vững thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Cơ cấu các ngành CN đang đi vào thực chất hơn với xu hướng chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng của CN chế biến, chế tạo trong GDP tăng đều qua các năm, từ 13,7% năm 2015 lên 16,7% năm 2021. Ngược lại, tỷ trọng của ngành CN khai khoáng trong GDP giảm dần trong giai đoạn 2016-2021.
Công nghiệp cơ khí từng bước phát triển phục vụ cho nhu cầu sản xuất, lắp ráp các sản phẩm, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá ở một số ngành.
Công nghiệp năng lượng ngày càng phát triển, nhiều dự án nguồn điện bao gồm cả điện than, điện khí, thủy điện đã được xây dựng và đi vào khai thác, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn vừa qua và trong giai đoạn tới.
Công nghiệp trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao, tỷ trọng giá trị sản phẩm CN xuất khẩu chiếm trung bình 95% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong giai đoạn 2016-2021.
Cơ cấu sản phẩm CN xuất khẩu đã có sự dịch chuyển tích cực, tỷ trọng các sản phẩm CN chế biến, chế tạo ngày càng tăng, chiếm trung bình 93,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong giai đoạn 2016-2021.
Nhiều mặt hàng CN như điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; dệt, may; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; giày dép; gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu năm 2021 đạt trên 10 tỷ USD, có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới
2. Thực trạng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2021
2.1. Công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông và công nghiệp điện tử
- a) Tổng quan ngành công nghệ thông tin
Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, ngành công nghiệp CNTT đã có những bước tiến được ghi nhận rộng rãi, dần trở thành một lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật quan trọng. Ngành đã đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và có tác động lan tỏa cao cho các lĩnh vực của nền kinh tế.
Trong những năm qua, công nghiệp CNTT là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của cả nước và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế từ 1,4 đến 17,2 lần. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu ngành chỉ đạt 118 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2019 (tính toán của Bộ TTTT).
- b) Công nghiệp phần cứng, điện tử
Công nghiệp phần cứng, điện tử phát triển nhanh về quy mô, có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành công nghiệp CNTT, luôn đứng trong nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp. Sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp điện tử là linh kiện điện tử, điện thoại nguyên chiếc, linh kiện điện thoại, ti vi lắp ráp, máy tính bảng, máy vi tính và kinh kiện, thiết bị máy văn phòng và sản phẩm quang học
- c) Công nghiệp môi trường; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh
Từ hơn 10 năm trước, Bộ Chính trị và Chính phủ đã có những nghị quyết quan trọng nhằm phát triển NLTT tại Việt Nam và hiện nay, các chính sách thúc đẩy phát triển NLTT ngày càng được Chính phủ quan tâm. Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn về NLTT nhưng chưa được khai thác hiệu quả, đặc biệt là khu vực 6 tỉnh miền Trung Tây Nguyên. Sản lượng thiên nhiên hóa thạch trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu cũng như biến đổi khí hậu và sự phụ thuộc của Việt Nam vào năng lượng nhập khẩu để vận hành hệ thống điện chính là động lực thúc đẩy chính phủ chuyển hướng phát triển NLTT.
Giai đoạn 2011-2021, doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng đã tăng gần 10 lần, từ 69 doanh nghiệp (2011) lên 777 doanh nghiệp (2019). Trong đó, từ chỗ chỉ có 1 doanh nghiệp đầu tư vào NLTT (gió, mặt trời) vào năm 2010, số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã vọt lên 379 doanh nghiệp vào năm 2019, khá sát với con số 398 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện và điện khác.
2.2. Công nghiệp cơ khí (Ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế…).
Cơ khí chế tạo máy là ngành tạo tiền đề cho các ngành công nghiệp khác phát triển bởi công nghệ chế tạo máy là ngành cung ứng máy móc, các chi tiết sản xuất, thiết bị cho tất cả lĩnh vực trong đời sống. Ngành cơ khí chế tạo là ngành chủ lực tham gia vào một dải khá rộng các công việc sản xuất bao gồm từ khai khoáng, hình thành vật liệu, gia công các thiết bị, chế tạo máy móc, và điều hành hệ thống sản xuất công nghiệp … Cơ khí chế tạo là ngành kỹ thuật có lịch sử lâu đời, là nền tảng nòng cốt cho các hoạt động kinh tế xã hội.
2.3. Công nghiệp dệt may, da giày
Ngành CN dệt may, da giày Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến tích cực cả về sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng trong sản xuất ngành dệt may bình quân giai đoạn 2016-2021 đạt 7,9%/năm, riêng năm 2018 tăng trên 33%. Năm 2020, ngành dệt may là một trong những ngành chịu tác động tiêu cực và kéo dài của dịch Covid-19.
2.4. Công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp
Công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và công nghiệp hóa ở lĩnh vực kinh tế nói chung và của Việt Nam nói riêng vì đây là ngành đem lại thế mạnh lâu dài và mang lại hiệu quả kinh tế cao, cùng với sự tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Công nghiệp thực phẩm gồm (i) công nghiệp chế biến các sản phẩm trồng trọt, (ii) công nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi; (iii) công nghiệp chế biến thủy hải sản, với các nhóm ngành cụ thể như chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; dầu thực vật; nông - thủy sản chế biến, đường... So với các ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm là ngành có truyền thống lâu đời, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế đất nước và cải thiện nhu cầu thực phẩm cho nhân dân trong thời gian qua, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu
2.5. Công nghiệp hoá chất
Ngành công nghiệp hoá chất (CNHC) được nhận định là ngành CN đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng cho phân bón, sơn và mực in, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa,... Phát triển ngành CNHC, tổng sản lượng CNHC Việt Nam hàng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP ngành CN, lực lượng lao động chiếm gần 10% và có năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động trung bình của toàn ngành CN. Theo tính toán, sau khi các dự án đang triển khai hoàn thành và hoạt động ổn định, giá trị tổng sản lượng ngành CNHC chiếm tỷ trọng từ 13-14% toàn ngành CN.
- Phát triển nhóm ngành công nghiệp điện tử và viễn thông theo hướng không ngừng nâng cao khả năng chủ động, làm chủ công nghệ trong việc sản xuất được các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, diện tử các thiết bị viễn thông quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước. trở thành ngành kinh tế chủ đạo, có doanh thu cao, giá trị sản xuất lớn, là ngành xuất khẩu quan trọng, đóng góp lớn cho GDP.
- Ưu tiên phát triển công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác.
Phấn đấu đến 2035 hình thành từ hai đến ba trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.
- Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; thúc đẩy phát triển cánh đồng lớn với cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu của chuỗi giá trị nông sản; Đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh hàng nông sản;
- Hình thành các doanh nghiệp, tập đoàn lớn ngang tầm thế giới, sản xuất các sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Sản xuất, chế biến các sản phẩm thủy sản dựa trên nhu cầu và tín hiệu của thị trường.
- Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.
- Phát triển ngành Dệt may, Da giày theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, cải thiện cơ cấu sản phẩm, nâng cao chất lượng, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị cao; áp dụng các công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành Dệt may Da giày của Việt Nam.
- Phát triển ngành cơ khí, luyện kim Việt Nam trọng tâm là cơ khí, luyện kim phục vụ sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị công trình công nghiệp, thiết bị điện và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, trong đó chủ yếu khu vực ngoài nhà nước. Phát triển nhóm ngành cơ khí và luyện kim theo hướng tập trung lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm thay vì làm một lúc nhiều chủng loại. Nghiên cứu xây dựng và thực hiện những chính sách về vốn và thuế để giảm lãi suất vay đầu tư cơ khí, thuế thu nhập doanh nghiệp cơ khí chế tạo thấp hơn so với thuế suất phổ thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có cơ hội bứt phá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không nên đầu tư dàn trải phải được định hướng trong phát triển cơ khí và luyện kim. Trong giai đoạn trước mắt, có thể định hướng tập trung ưu tiên vào lĩnh vực chế tạo nguyên liệu đầu vào, như các sản phẩm đúc, rèn và thép chế tạo, giúp chủ động về nguyên liệu và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ngoài ra, phát triển nhóm ngành cơ khí và luyện kim theo hướng tập trung phát triển các sản phẩm, lĩnh vực chủ yếu mà ngành cơ khí Việt Nam được chú trọng.
- Đầu tư mới, mở rộng, hiện đại hóa, nâng công suất sản xuất xút, axit sunfuric thương phẩm của các cơ sở sản xuất hiện có. Đầu tư dự án sản xuất xút vảy và sản phẩm gốc clo đáp ứng nhu cầu xút-clo cho các dự án lọc - hóa dầu, các dự án khai thác, chế biến alumin... ; Đầu tư nghiên cứu công nghệ tuyển quặng apatit loại II và loại IV. Cải tiến công nghệ của các cơ sở sản xuất phốt pho vàng, đảm bảo nâng cao hiệu suất và an toàn trong sản xuất ; Đầu tư sản xuất axit photphoric nhiệt và các dẫn xuất, các sản phẩm có giá trị kinh tế cao từ phốt pho; đầu tư sản xuất amoniac đáp ứng nhu cầu cho sản xuất DAP và các hộ tiêu thụ khác; sản xuất muối nitrat, sản phẩm hóa chất hữu cơ cơ bản, dung môi...
3.2. Giai đoạn đến 2045:
- Tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông
- Phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
- Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/ 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030”.
- Chính sách phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Lawnet.vn
- Đặng Việt Dũng (2022) Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Ban Kinh tế Trung ương
- Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (2022) “Cơ sở xác định ngành công nghiệp ưu tiên phát triển ở Việt Nam” Tọa đàm khoa học