Diễn đàn cao cấp “Ngành ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”

16:54 - 11/10/2022

Năm 2022, dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Ngành Ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” được tổ chức vào chiều ngày 11 tháng 10 năm 2022 tại Hà Nội; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC (IEC Group) là đơn vị phối hợp tổ chức sự kiện.

Diễn đàn hướng tới mục tiêu trở thành diễn đàn uy tín cho lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung cấp các giải pháp công nghệ, các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế trong quá trình chuyển đổi số, qua đó cung cấp thêm những đề xuất, kiến nghị góp phần vào sự phát triển của ngành ngân hàng trong tương lai.

Diễn đàn cấp cao được chủ trì bởi Đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và đại diện một số lãnh đạo Bộ, ngành liên quan khác.

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh “Ngành Ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có tác động, ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội. Do đó, tại Nghị quyết 52, Bộ Chính trị đã xác định ngành Ngân hàng là một trong những ngành có mức độ sẵn sàng cao, được ưu tiên trong tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Trong thời gian qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực. Ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên công bố ngày chuyển đổi số của Ngành (ngày 11/5); đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2021, Việt Nam được Công ty tư vấn và quản lý toàn cầu (McKinsey) đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số nhanh nhất trong khu vực. Kinh nghiệm chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững của ngành Ngân hàng sẽ là kinh nghiệm hữu ích cho các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Bên cạnh các kết quả tích cực đạt được trong quá trình tổ chức triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, thực tiễn cho thấy, vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục, nhất là pháp luật, cơ chế, chính sách cần phải đẩy nhanh và cập nhật kịp thời, hoàn thiện để phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh, dữ liệu và quản lý dữ liệu, giao dịch điện tử, phát triển công nghiệp công nghệ số; cần sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; có các chính sách ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng... Vì vậy, để góp phần đưa Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Kinh tế Trung ương triển khai xây dựng Báo cáo giám sát 3 năm tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Để có thêm luận cứ phục vụ xây dựng Báo cáo giám sát này, Ban Kinh tế Trung ương có kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến các cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đóng góp cho quá trình thể chế hóa, cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết 52”.

Tiếp theo, Đồng chí Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cò phần phát biểu đề dẫn.

Mở đầu các bài tham luận phiên Báo cáo chính của Diễn đàn, Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình bày báo cáo về Kết quả 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của ngành ngân hàng.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TW thăm quan các gian hàng tại sự kiện

Ông Colin Richard Dinn, Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ chia sẻ kinh nghiệm của Vietcombank trong quá trình xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã chia sẻ bài trình bày về đổi mới tư duy để chuyển đổi số thành công. Sở hữu nền tảng vững chắc và chiến lược đúng đắn, TPBank đã có bước phát triển đột phá với kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng, trở thành ngân hàng đi đầu về công nghệ số với nhiều sản phẩm tài chính số đột phá. Năm 2022, TPBank tiếp tục được vinh danh tại nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế: Ngân hàng số xuất sắc nhất Việt Nam, Ngân hàng có chất lượng dịch vụ tốt nhất, Doanh nghiệp xuất sắc Châu Á, Doanh nghiệp Đổi mới số, Top 10 ngân hàng uy tín Việt Nam, Thương hiệu truyền cảm hứng… Khép lại phần báo cáo chính, ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Tổng Giám đốc, VinCSS đã trình bày về một số vấn đề tồn tại và giải pháp về chính sách trong tăng cường quản lý định danh, ứng dụng xác thực mạnh trên thế giới. Sau hơn hai năm nghiên cứu và xây dựng, VinCSS cho ra mắt hệ sinh thái các giải pháp xác thực mạnh không mật khẩu chuẩn FIDO2 quốc tế. Các sản phẩm dịch vụ xác thực mạnh không mật khẩu của VinCSS được Microsoft và nhiều tổ chức tin tưởng, khuyến nghị sử dụng. ông Đỗ Ngọc Duy Trác chia sẻ: "VinCSS luôn sẵn sàng hợp tác, sát cánh cùng với các DN Việt Nam để mang xác thực không mật khẩu đến gần hơn, góp phần bảo vệ, nâng tầm trải nghiệm người dùng Việt trên không gian số".

Phiên Tọa đàm bàn tròn cấp cao được điều phối bởi TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV sẽ tập trung trao đổi về các xu hướng lớn trong chuyển đổi số ngành ngân hàng, các mô hình và dịch vụ ngân hàng mới; đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư của ngành ngân hàng; thảo luận về các giải pháp công nghệ mới đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Phiên Tọa đàm cấp cao có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam,đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ cùng các chuyên gia tư vấn tới từ các tổ chức như BCG, EY,…