Đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa

13:32 - 13/06/2023

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Dung

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Bài viết đăng trên tạp chí in số 83 (T5/2023)

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam. Khu vực kinh tế có vốn FDI đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diễn biến chính trị và kinh tế thế giới bất ổn, thương mại và đầu tư toàn cầu sụt giảm, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu… ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực có vốn FDI. Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút FDI nhằm thực hiện các mục tiêu đã được đề ra trong “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030”.

Bài viết tập trung mô tả khái quát thực trạng FDI trên toàn thế giới và ở Việt Nam trong những năm gần đây để từ đó đề xuất một số giải pháp căn bản giúp Việt Nam có thể thu hút FDI mạnh và hiệu quả hơn trong những năm tới.

Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài; FDI; Tăng trưởng kinh tế; Toàn cầu hóa.

1. Khái quát tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu những năm gần đây

Trong giai đoạn 2010-2020, dòng vốn FDI trên toàn cầu có xu hướng giảm nhẹ, tăng mạnh vào năm 2015, giảm dần vào những năm 2016-2018, giảm mạnh vào năm 2020 do ảnh hưởng của sự bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu. FDI trên toàn cầu năm 2021 đạt 1582 tỷ USD, tăng 64,3% so với mức đặc biệt thấp vào năm 2020, thể hiện sự phục hồi sau COVID-19 của các nền kinh tế trên mọi lĩnh vực. Sự phục hồi do tác động đáng kể của bùng nổ thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) và sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động tài trợ dự án quốc tế tại các quốc gia trên thế giới.