CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ SỐ Ở VIỆT NAM

14:15 - 07/10/2021

ThS. Nguyễn Thọ Vân - Công ty Xăng dầu Khu vực II

PGS.TS. Phan Thế Công - Đại học Thương mại

(Bài viết đăng trên Tạp chí in số 51(T7/2021))

Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,…) mà công nghệ số được áp dụng. Nền kinh tế số ngày càng bao phủ trong tất cả các khía cạnh kinh tế - xã hội. Quá trình phát triển nền kinh tế số của Việt Nam trong những năm tới sẽ gặp nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức như: Hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng được yêu cầu; Môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số ở nước ta còn yếu, chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo; Nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin - nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số - còn ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng; Việc bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin ở nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ;... Bài viết sẽ đánh giá hiệu quả của kinh tế số, xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của phát triển kinh tế số ở Việt Nam, nhằm giúp đề xuất các chính sách phù hợp giúp phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế số.

 Từ khóa: Kinh tế số; Thương mại Điện tử; Nền kinh tế số hóa; Phát triển kinh tế số

  1. Đặt vấn đề

Nền kinh tế số ngày càng bao phủ trong tất cả các khía cạnh kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số, dữ liệu để tạo ra mô hình kinh doanh mới. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình hoạt động theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại, sử dụng để hướng đến mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động. những biểu hiện của công nghệ số xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong đời sống xã hội, như các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng về ăn uống, vận chuyển, giao nhận... Những năm gần đây, nền kinh tế số tại Việt Nam có mức tăng trưởng hơn 40% mỗi năm, dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á. Đây là thông tin được công bố trong “Báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019”. Nền kinh tế số của Việt Nam tiếp tục “bùng nổ”, đạt giá trị 12 tỷ USD năm 2019 và có thể lên tới 43 tỷ USD năm 2025. Dự kiến, kinh tế số ở Việt Nam năm 2025 chiếm 20% GDP, năm 2030 chiếm trên 30% GDP. Thương mại điện tử phát triển, niềm tin của các nhà đầu tư gia tăng… là lý do giúp Việt Nam trở thành thị trường kinh tế số tăng trưởng năng động, ngoạn mục trong khu vực. Trong quá trình phát triển nền kinh tế số, Việt Nam cũng gặp nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức như: (1) Hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng được yêu cầu; (2) Môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số ở nước ta còn yếu, chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo; (3) Nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin - nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số - còn ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng; (4) Việc bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin ở nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ; (5) Công tác quản lý nhà nước thu thuế các hoạt động thương mại và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới; (6) Hệ thống xử lý tranh chấp cho các hoạt động kinh doanh, thương mại, dân sự trên môi trường số; (7) Một thách thức to lớn và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đã từng được cảnh báo là khi các tập đoàn thương mại điện tử phát triển và vận hành một hệ sinh thái kinh doanh khép kín bao gồm nhiều sản phẩm, dịch vụ, tiện ích đầu cuối, từ vận chuyển, đi lại, du lịch, ẩm thực, giải trí, sách báo, siêu thị điện tử cho đến khám chữa bệnh...

Như vậy, việc đánh giá hiệu quả của kinh tế số, xác định điểm mạnh, điểm yếu, hạn chế, khó khăn, cơ hội và thách thức giúp đề xuất các chính sách phù hợp nhằm phát triển kinh tế số nhanh, mạnh và hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nhanh nền kinh tế - xã hội thông minh.

  1. Những đặc trưng và vai trò của phát triển kinh tế số

2.1. Khái niệm nền kinh tế số

Kinh tế số (digital economy), còn được gọi là kinh tế internet (internet economy), kinh tế mới (new economy) hoặc kinh tế mạng (web economy) là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Theo nhóm cộng tác kinh tế số Oxford, Kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,…) mà công nghệ số được áp dụng. Những biểu hiện của công nghệ số xuất hiện ở bất cứ đâu trong đời sống như các trang thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến hay các ứng dụng về ăn uống, vận chuyển,… cũng tích hợp công nghệ số để đáp ứng nhu cầu thuận tiện cho khách hàng. Nhưng ở tầm vĩ mô hơn, kinh tế số cũng có những đóng góp không nhỏ trong sự hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi công nghệ toàn cầu.

2.2. Vai trò của nền kinh tế số

Nền kinh tế số với hiệu suất kinh tế vượt trội và các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ nông nghiệp, công nghiệp đến dịch vụ; từ sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa đến các yếu tố hỗ trợ, như: giao thông vận tải, logistic, tài chính, ngân hàng... Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ dần chuyển đổi từ quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình liên kết các khâu sản xuất, thương mại và sử dụng. Điều này sẽ làm tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động; đồng thời tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế. Các nền kinh tế thay đổi trên hai bình diện: (1) Phương thức sản xuất: nguồn lực, hạ tầng, cách thức vận hành sản xuất, kinh doanh...; (2) Cấu trúc kinh tế. Bên cạnh các nguồn lực truyền thống xuất hiện nguồn lực phát triển mới như tài nguyên số, của cải số, quyền lực tài chính đang dần chuyển sang quyền lực thông tin. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần và mọi quy mô đang gia tăng sự phụ thuộc vào nền tảng internet an toàn, ổn định và đáng tin cậy, giúp họ thực hiện những hoạt động vận hành hàng ngày. Nhờ có nền kinh tế số mà hiệu suất kinh tế đạt được nhiều thành quả cao, các ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), đến giao thông vận tải (Uber, Grab, goViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shoppee)... Việt Nam cũng phải hòa nhịp cùng guồng quay kỹ thuật số của thế giới.

2.3. Các đặc trưng của kinh tế số

Kinh tế số thể hiện rõ ở các hiện tượng như: công nghệ chuỗi khối (blockchain), nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử (thương mại điện tử, các ngành truyền thống như sản xuất hoặc nông nghiệp có sử dụng công nghệ số hỗ trợ...); các doanh nghiệp liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với các doanh nghiệp tham gia sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông. Đặc trưng của kinh tế số là có thể được tập hợp trong 3 quá trình xử lý chính đan xen với nhau, bao gồm: xử lý vật liệu; xử lý năng lượng; xử lý thông tin. Trong đó, xử lý thông tin đóng vai trò quan trọng nhất, và cũng là lĩnh vực dễ số hóa nhất. Tính kết nối giữa các chủ thể và chu trình kinh tế nhờ vào các thành tựu của công nghệ thông tin và Internet giúp kết nối hóa các nguồn lực, lược bỏ nhiều khâu trung gian và tăng cơ hội tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo Cameron A, và cộng sự (2019), các thành phần tham gia vào nền kinh tế số bao gồm: các doanh nghiệp (doanh nhân và nhà đầu tư), Các cá nhân (người tiêu dùng, chủ sở hữu, người lao động,…), Đối tượng thực hiện đổi mới sáng tạo (các trường đại học, các trung tâm đổi mới sáng tạo, công ty khởi nghiệp,…), Các nhà hoạch định và ảnh hưởng chính sách (Chính phủ, Hiệp hội, nghiệp đoàn, các cá nhân), chi tiết được thể hiện ở hình 1.

Hình 1: Các thành phần tham gia vào nền kinh tế số

Nguồn: CSIRO và Bộ Khoa học Công nghệ (2020)

  1. Thực trạng phát triển kinh tế số ở Việt Nam

3.1. Đóng góp của nền kinh tế số và tăng trưởng kinh tế

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số khá nhanh trong khu vực. Xu hướng số hóa, chuyển đổi và ứng dụng công nghệ số ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng và rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại đến giao thông, ngân hàng, y tế, giáo dục, du lịch, giải trí... và đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Hiện có khoảng 30 nghìn doanh nghiệp phần cứng, phần mềm, nội dung số và các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin với tổng doanh thu năm 2017 đạt 91,6 tỷ USD, gấp 12 lần so với năm 2010 (7,6 tỷ USD). Công nghiệp phần mềm với khoảng 10 nghìn doanh nghiệp, có tốc độ tăng trưởng cao (15% - 20%/năm), doanh thu năm 2017 đạt 3,7 tỷ USD. Việt Nam có hơn 50 công ty Fintech cung cấp dịch vụ thanh toán tiền gửi và tiền điện tử. Trong kinh doanh nội dung số, công nghiệp quảng cáo trực tuyến đạt doanh thu 390 triệu USD năm 2016, doanh thu trò chơi trực tuyến đạt khoảng 500 triệu USD. Các doanh nghiệp vận tải cũng ra mắt nhiều ứng dụng để cạnh tranh với Grab, Uber, như: FastGo, Be, VATO...

Một trong những lĩnh vực phát triển nền kinh tế số là lĩnh vực về phát triển thương mại điện tử. Thương mại điện tử đã ra đời cách đây khá lâu, nếu tính từ thời điểm các “ông lớn” như Amazon hay Ebay ra đời thì đến nay đã 25 năm. Thương mại điện tử thực sự bùng nổ và đe dọa sự tồn tại của các kênh bán hàng truyền thống trong 5 năm gần đây. Hai nền tảng quan trọng của bất kỳ hình thức thương mại nào là phương thức thanh toán và giao nhận trong quá khứ còn quá “truyền thống”. Năm 2015 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã nhận định đây là năm cuối cùng của giai đoạn phổ cập, từ năm 2016 thương mại điện tử Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh và ổn định. Năm 2019, theo khảo sát của VECOM, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình (CAGR) cho cả giai đoạn bốn năm 2016 - 2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30%, khi đó quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD. Dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 - 2025 là 29%. Khi đó, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ ba trong khối ASEAN.

Với sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường, hiện thương mại điện tử là một trong những cấu phần trọng yếu nhất của nền kinh tế số ở Việt Nam. Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô thị trường, trở thành một trong mười thị trường phát triển có tiềm năng nhất thế giới về tăng trưởng thương mại điện tử.

3.2. Cơ hội phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

Việt Nam vẫn luôn được đánh giá có môi trường chính trị, xã hội ổn định, cùng với nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố vững chắc, có dân số trẻ, nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ, nằm trong tốp đầu các quốc gia có tốc độ tăng trưởng về số người dùng Internet, điện thoại thông minh, và sử dụng mạng xã hội. Chuyển đổi số, trong khi chưa cần đến một chiến lược ở cấp quốc gia và hành động của Chính phủ, thì thực chất khu vực tư nhân và người dân đã đi trước một bước.

Việt Nam cũng được đánh giá là một nền kinh tế năng động với khoảng 700 nghìn doanh nghiệp tư nhân. Dân số Việt Nam với gần 100 triệu người đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, được đào tạo tốt, học toán tốt và lao động chăm chỉ; tính cách người Việt Nam thích ứng nhanh với sự thay đổi, thích sử dụng công nghệ. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực ASEAN với hạ tầng viễn thông - CNTT khá tốt, phủ sóng rộng, mật độ người dùng cao. Hiện có khoảng 72% dân số đang sử dụng điện thoại thông minh, 68% số người Việt Nam xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động, có 70% số thuê bao di động đang sử dụng 3G hoặc 4G,… Ngành viễn thông công nghệ thông tin đã tạo ra hạ tầng viễn thông 3G, 4G phủ 95% cả nước, hiện đang bắt đầu triển khai 5G, đây là một nền tảng quan trọng của nền kinh tế số ở Việt Nam.

Chính phủ đã và đang tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để phát huy được những thuận lợi do việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số mang lại và đáp ứng được những thách thức của thời đại kinh tế số. Theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), Việt Nam đã đặt ra nhiều mục tiêu cho giai đoạn 2025-2045. Cụ thể đến năm 2025, (i) duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; (ii) xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN, Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; (iii) kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm; (iv) cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; (v) thuộc nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc; (vi) có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung. Đến năm 2030: (i) duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; (ii) mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; (iii) kinh tế số chiếm trên 30% GDP, năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm; (iv) hoàn thành xây dựng Chính phủ số; (v) Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Để Việt Nam chủ động phát triển kinh tế số và tham gia cuộc CMCN 4.0, Việt Nam cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội. Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển nguồn nhân lực các ngành và công nghệ ưu tiên, tăng cường hội nhập quốc tế; thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội… Đồng thời, bảo đảm việc làm, ổn định thu nhập, hỗ trợ an sinh và tái hòa nhập xã hội cho những tầng lớp yếu thế, dễ bị tổn thương, cũng như tăng cường bảo vệ môi trường sống trong quá trình phát triển kinh tế đất nước.

Những nội dung trên là cơ sở để Việt Nam tự tin về khả năng chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số. Và, với lợi thế của người đi sau, đây là cơ hội để chúng ta có thể “đi tắt, đón đầu”. Việt Nam đang sở hữu lợi thế về nguồn lực con người và sự ủng hộ của Chính phủ, sẽ tạo ra làn sóng, động lực quốc gia về phát triển kinh tế số là hướng đi mà Việt Nam có thể đẩy mạnh phát triển kinh tế số hóa mạnh mẽ hơn nữa.

3.3. Những hạn chế và khó khăn khi phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

Quá trình phát triển nền kinh tế số, Việt Nam cũng gặp nhiều hạn chế, khó khăn, dưới đây là những khó khăn chủ yếu cho quá trình phát triển này:

Thứ nhất là hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong nền kinh tế số, dữ liệu là tài nguyên. Từ dữ liệu, các mô hình số hóa tạo ra những dịch vụ cá nhân hóa tối ưu và tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội nhàn rỗi. Hiện nay, hệ thống dữ liệu ở Việt Nam còn phân tán, chưa chia sẻ và kết nối liên thông. Do đó, Việt Nam đối mặt với thách thức lớn đến từ việc xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu chung của quốc gia.

Thứ hai là môi trường thể chế và pháp lý cho phát triển kinh tế số ở nước ta còn yếu, chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo. Sự chuyển đổi nhanh của các mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số đã dẫn tới một số quy định pháp luật không theo kịp. Do sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, kinh tế số cùng các phương thức kinh doanh và các ý tưởng sáng tạo mới làm cho các cơ quan quản lý nhà nước tỏ ra khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số. Cũng như môi trường kinh doanh truyền thống, nếu chúng ta không có môi trường pháp lý tốt để giải quyết tranh chấp thì các doanh nghiệp số sẽ chuyển sang nơi có điều kiện bảo đảm hơn (Trần Thị Hằng và Nguyễn Thị Minh Hiền, 2019).

Thứ tư, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực công nghệ thông tin - nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số - còn ít về số lượng, chưa bảo đảm về chất lượng. Trong 15 năm tới khoảng 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa; tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam, vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động thấp so với mức trung bình thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số trở nên cấp bách (Bùi Thanh Tuấn, 2020).

Thứ năm, việc bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin ở nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ. Nền kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, internet chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể tham gia kinh tế số. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất và cũng dễ bị tổn thương khi bị tấn công mạng.

Thứ sáu, tập trung vào công tác quản lý, đặc biệt là quản lý thu thuế thế nào với các hoạt động thương mại và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Internet là không biên giới, lãnh thổ và địa lý trở thành tương đối khi ngồi ở đâu doanh nghiệp cũng có thể làm việc, kinh doanh. Cản trở lưu thông thông tin và dữ liệu là cắt đường huyết mạch của kinh tế số. Nhưng thu thuế thế nào, đảm bảo quyền lợi cho người lao động thế nào khi Grab, Netflix, Airbnb không ở Việt Nam nhưng lại kinh doanh ở Việt Nam?

Cuối cùng, thách thức lớn và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đã từng được cảnh báo là khi các tập đoàn thương mại điện tử phát triển và vận hành một hệ sinh thái kinh doanh khép kín bao gồm nhiều sản phẩm, dịch vụ, tiện ích đầu cuối, từ vận chuyển, đi lại, du lịch, ẩm thực, giải trí, sách báo, siêu thị điện tử cho đến khám chữa bệnh...; đặc biệt là, tất cả các giao dịch đó đều được thực hiện thanh toán thông qua ví điện tử do chính các công ty này tạo ra thì nhiều vấn đề về quản lý nhà nước, thậm chí là an ninh tiền tệ sẽ được đặt ra.

  1. Một số giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam

Thứ nhất, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số. Theo Mai Tiến Dũng (2018), triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và là con đường để tạo lập phồn vinh cho dân tộc. Để có bước đột phá mạnh mẽ, Việt Nam cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của thế giới và xây dựng các bước triển khai cụ thể, trực diện với hiệu quả cao nhất.

Thứ hai, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin được xem là một trong những mối thách thức lớn đối với sự phát triển nền kinh tế số của Việt Nam. Vì vậy, cùng với việc thay đổi chương trình đào tạo theo kịp các xu thế công nghệ mới, đẩy nhanh việc xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin bằng việc tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên sớm tiếp cận lĩnh vực này, cần thay đổi giáo dục theo hướng tăng tính tự học, tự cập nhật và học suốt đời. Một điểm nhấn ở đây nữa là đại dịch COVID-19 đã tạo ra cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong giáo dục.

Thứ ba, xây dựng và công bố quy hoạch ngành về phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Nhà nước tiếp tục ban hành các quy định, tiêu chuẩn trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị để tạo sự liên kết, đồng bộ trong quá trình đầu tư và phát triển hạ tầng dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh Chương trình Chính phủ điện tử, bao gồm: giao thông, du lịch sẽ thúc đẩy quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực. Đẩy mạnh công tác số hóa trong các ngành, các lĩnh vực, bao gồm: việc xây dựng kết cấu hạ tầng dữ liệu quốc gia; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến số hóa, điện tử hóa, minh bạch hóa thông tin. Bên cạnh đó, cần xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử bằng các giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt; hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số.

Thứ tư, đảm bảo an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao. Việc chú trọng công tác bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh mạng, giám sát và phòng, chống các loại tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao. Các cơ quan chức năng cần tập trung bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng không chỉ ở cấp quốc gia mà còn ở từng cơ quan, đơn vị các cấp và từng doanh nghiệp, nhất là hệ thống tài chính - tiền tệ và các cơ quan chính phủ được số hóa. Cùng với xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng viễn thông hiện đại, trở thành nền tảng của nền kinh tế số, cần chú trọng việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Ngoài ra, việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng sẽ giúp Việt Nam có được sự tin tưởng của các đối tác nước ngoài, là môi trường an toàn để đầu tư kinh doanh, đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta phát triển các sản phẩm phục vụ an ninh mạng.

Thứ năm, phát động cuộc cách mạng toàn dân khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số ở Việt Nam. Cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách chúng ta đang sản xuất, đang làm việc. Dùng công nghệ số để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ này sẽ đi ra toàn cầu. Công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề là ở đó có công nghệ, có giải pháp. Vấn đề đang có ở mọi nơi, có thể là ngay trong công việc hằng ngày của mỗi chúng ta, và mỗi chúng ta có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết bài toán của mình. Tuyên truyền nâng cao nhận thức toàn xã hội về nền kinh tế số. Các cơ quan báo chí, tuyền thông cần định hướng dư luận, giúp cho các doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội có nhận thức đúng về nền kinh tế số, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho thích ứng xu hướng phát triển này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Số: 52-NQ/TW, ngày 27 tháng 9 năm 2019.

Bùi Thanh Tuấn (2020), Một số khó khăn, thách thức trong phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam, truy cập ngày 30/7/2020, website <http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/3100-mot-so-kho-khan-thach-thuc-trong-phat-trien-nen-kinh-te-so-o-viet-nam.html>.

Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, Tran S T, Nguyen T N, Trinh H Y & Hajkowicz S (2019). Tương lai nền kinh tế số Việt Nam - Hướng tới năm 2030 và 2045. CSIRO, Brisbane.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (2020), Sách trắng Thương mại điện tử năm 2020. Bộ Công Thương.

Đinh Văn Sơn (2020), Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2019 - Từ chiến tranh thương mại đến cuộc chiến tiền tệ. NXB Thống kê.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (2020), Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (EBI) 2020.

Mai Tiến Dũng (2018), Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam, truy cập ngày 30/7/2020, websitehttp://baochinhphu.vn/Thoi-su/Xay-dung-Chinh-phu-dien-tu-huong-toi-Chinh-phu-so-va-nen-kinh-te-so-o-Viet-Nam/343517.vgp”.

Trần Thị Hằng và Nguyễn Thị Minh Hiền (2019), Quản lý nhà nước trong nền kinh tế số, truy cập ngày 30/7/2020, website <http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/quan-ly-nha-nuoc-trong-nen-kinh-te-so-314825.html>.