Cơ hội và giải pháp phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Hàn Quốc

16:55 - 04/11/2024

Ths. Nguyễn Thảo Ngọc[1]

Phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường, VIOIT

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992, quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược năm 2009 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2022. Đến nay, hai quốc gia ngày càng tăng cường quan hệ hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực. Không chỉ dừng ở việc hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc còn mở rộng trên nhiều lĩnh vực như du lịch - văn hoá, khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế số - nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành xu hướng tất yếu. Hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới hay xuất nhập khẩu trực tuyến (Cross Border Ecommerce) ngày càng phổ biến ở Việt Nam.

Từ khóa: Thương mại điện tử xuyên biên giới; Quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc.

  1. Thực trạng và cơ hội phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Hàn Quốc

Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á. Từ năm 2015 tới nay, ba nền kinh tế kĩ thuật số lớn trong khu vực Đông Nam Á có mức tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử bình quân đạt 35-36%. Ấn Độ tăng trưởng nhanh nhất (41%), tiếp đó là Việt Nam (36%) và đứng thứ 3 là Philippines (30%). Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng và hiện đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân biết đến. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, về quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia. thương mại điện tử giúp người tiêu dùng thông qua internet để mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”, đồng thời, giúp cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.

Bên cạnh đó, các sàn thương mại điện tử quốc tế cũng như hàng hóa nước ngoài chiếm lĩnh thị trường Việt Nam với tỷ trọng ngày càng lớn. Một trong hai đơn vị cung cấp dữ liệu thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam là công ty dữ liệu thương mại điện tử Metric trong “Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2024” vừa công bố cho biết, tổng doanh số 5 sàn trong nửa năm qua đạt 143.900 tỷ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ 2023.

Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia đã tham gia ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với Việt Nam. Hai nước đã cùng tham gia các FTA như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Năm 2023, Việt Nam tiếp tục vượt qua Nhật Bản, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc, mặc dù kim ngạch xuất-nhập khẩu với nước này có sụt giảm so năm 2022. Thống kê cho thấy, năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 76,1 tỷ USD. Riêng 6 tháng năm 2024, tổng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc ước đạt 38,8 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD, tăng 9,9% và nhập khẩu đạt 26,6 tỷ USD, tăng 9,1%.

Trong quan hệ hợp tác thương mại, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam và Hàn Quốc có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Theo đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) Hàn Quốc sản xuất như điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng) và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ.

Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc là nguồn cung cấp lớn thứ hai sau Trung Quốc đối với các linh kiện, phụ kiện, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất đặc biệt là các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu của Việt Nam. Đáng lưu ý, Hàn Quốc là nước mà Việt Nam có mức nhập siêu lớn thứ hai chỉ sau Trung Quốc.

Trong thương mại điện tử, Hàn Quốc là quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu qua TMĐT nhiều nhất – 45% vào năm 2023 (Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2023).

Trên thực tế, có tới khoảng 75% người dùng Internet tại Việt Nam mua sắm thông qua thương mại điện tử. Số tiền mua hàng trung bình hàng năm của mỗi người đã tăng hơn hai con số so với năm trước và sức mua cũng ngày càng tăng.

Shopee là sàn TMĐT phổ biến số 1 Việt Nam, đầu năm 2021, Shopee bắt đầu mở cửa cho các shop bán hàng tại Indonesia và Hàn Quốc bán hàng trên nền tàng Shopee tại Việt Nam. Đa số những cửa hàng Shopee từ Hàn Quốc (Shopee Korea) đều bán mặt hàng mỹ phẩm. Điều này làm gia tăng mối quan ngại của các nhà bán hàng mỹ phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam trước sự cạnh tranh của những cửa hàng online trên Shopee. Không chỉ xuất hiện với các nhãn hàng Shop yêu thích, nhiều nhà bán Shopee Korea còn mở bán trên Shopee Mall. Điều này đã tạo niềm tin mua hàng của khách hàng tại Việt Nam và cũng là nguy cơ cạnh tranh đối với các đơn vị bán mỹ phẩm tại Việt Nam. Việc bán hàng qua Shopee giúp các nhà bán hàng Shopee Korea này không phải đóng thuế nhập khẩu. Do đó, giá sản phẩm cũng thấp hơn so với các đơn vị nhập khẩu mỹ phẩm Hàn Quốc khác. 

Shopee Korea, một trong những trang thương mại điện tử lớn ở khu vực Đông Nam Á, cho biết Việt Nam hiện đang thu hút sự chú ý như một thị trường phát triển nhanh chóng khi đứng đầu về số lượng đơn hàng và đứng thứ 2 về doanh số bán hàng trong số tất cả các thị trường mà Shopee có tổ chức sự kiện giảm giá quy mô lớn “Ngày siêu mua sắm 9/9” (9/9 Super Shopping Day). Danh mục sản phẩm Hàn Quốc bán chạy nhất trên Shopee Việt Nam là sản phẩm làm đẹp. Tính đến tháng 8/2024, số lượng đơn hàng tích lũy của các sản phẩm làm đẹp đã tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là số lượng đơn đặt hàng trong danh mục “sở thích” tức các sản phẩm đặc biệt liên quan đến K-pop và “thực phẩm”.

Khi các sản phẩm Hàn Quốc trở nên phổ biến tại thị trường Việt Nam, người bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử Hàn Quốc cũng đang đạt được những kết quả đáng chú ý. Trong lĩnh vực làm đẹp, các thương hiệu gia nhập sớm, bao gồm cả những sản phẩm bán chạy nhất hiện nay như COSRX và Some By Me, cũng cho thấy thành tích đáng chú ý. Phân tích cho thấy, người tiêu dùng tại Việt Nam có xu hướng coi trọng các sản phẩm chăm sóc da hơn các sản phẩm trang điểm do đó các mặt hàng làm đẹp của Hàn Quốc với chất lượng được đảm bảo đã “lấy lòng” được người tiêu dùng địa phương.

Ngoài ra, ở thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc, sản phẩm thương hiệu Việt Nam cũng được yêu thích và mang lại tiềm năng vô cùng lớn. Ngày 5-10-2023, Injoon Song, doanh nhân người Hàn Quốc, lập ra sàn thương mại điện tử dành riêng cho các sản phẩm độc đáo của Việt Nam với tên gọi là Chus, với hơn 500 thương hiệu với 6.000 sản phẩm Việt gồm những tác phẩm thủ công, đặc sản địa phương, sản phẩm tiêu dùng được sản xuất với số lượng giới hạn, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng nội địa và cả những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Sự ra đời của trang thương mại điện tử này vừa mang đến sự tiện lợi cho người tiêu dùng, vừa tạo ra một cộng đồng riêng của những người yêu thích, trân quý và ủng hộ sản phẩm Việt chất lượng cao.

Từ những phân tích trên, có thể thấy tiềm năng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Hàn Quốc rất lớn, kỳ vọng sẽ đem lại giá trị cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử ở cả hai quốc gia. Thực tế, cơ hội phát triển của thương mại điện tử Việt Nam ở thị trường Hàn Quốc còn rất nhiều nhưng kéo theo đó là nhiều thách thức, tính cạnh tranh cao cho các nhà bán lẻ trên các sàn thương mại điện tử trong nước.

  1. Thách thức trong thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Hàn Quốc

Thứ nhất, điều kiện pháp lý. Thương mại điện tử xuyên biên giới đòi hỏi sự phối hợp giữa các quốc gia để tạo ra một môi trường kinh doanh đồng bộ. Tuy nhiên, sự khác biệt về quy định pháp lý giữa các quốc gia có thể gây khó khăn trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hợp đồng, thanh toán, bảo mật và quyền sở hữu trí tuệ.

Công tác quản lý hoạt động TMĐT xuyên biên giới vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, để đo lường được số lượt giao dịch từ sàn quốc tế có giao dịch tại Việt Nam nhằm phục vụ công tác quản lý thì dữ liệu công bố của doanh nghiệp là chưa đủ, cần có các dữ liệu, thông tin phối hợp của các đơn vị quản lý chức năng như hải quan, thuế, ngân hàng trong việc quản lý hàng hoá thông quan hay quản lý dòng tiền giao dịch. Điều này liên quan đến việc chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu để đồng bộ tăng cường quản lý mà các đơn vị mặc dù đang triển khai nhưng còn gặp khó khăn nhất là hình thức, định dạng dữ liệu chia sẻ giữa các đơn vị còn chưa thống nhất.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm hành chính hiện vẫn chưa đầy đủ. Một số hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng chưa được sửa đổi, bổ sung cụ thể tại Nghị định 85, Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, dẫn đến còn gặp khó khăn trong việc yêu cầu xác thực danh tính của thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên các sàn giao dịch TMĐT, việc giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp…

Thứ hai về phương thức thanh toán, thương mại điện tử xuyên biên giới đòi hỏi các hệ thống thanh toán phải được tích hợp để cho phép các giao dịch diễn ra một cách thuận tiện và an toàn. Tuy nhiên, sự khác biệt về loại và phương thức thanh toán giữa các quốc gia có thể làm chậm quá trình thanh toán và tăng chi phí cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn sử dụng phương thức thanh toán truyền thống như tiền mặt, chuyển khoản quốc nội… tương đối nhiều (87% - 88%) dẫn đến sự khó khăn trong các giao dịch quốc tế.

Thứ ba, rào cản về văn hóa, ngoại ngữ cũng như hiểu biết về các quy tắc hoạt động của TMĐT tạo nên thách thức lớn cho Việt Nam trong quá trình xuất khẩu qua biên giới. Doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ tập trung bán hàng trực tuyến tại thị trường nội địa hoặc xa hơn chỉ là xúc tiến quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh TMĐT nội địa đã có nhiều bước tiến vượt bậc, TMĐT đối với doanh nghiệp xuất khẩu còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và lạ lẫm với các nền tảng TMĐT quốc tế. Ngoài ra, quy mô thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, đòi hỏi doanh nghiệp phải có nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng nước ngoài, mà ngôn ngữ và văn hóa là những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa biết cách khai thác và tìm đối tác tại những quốc gia lệch múi giờ so với Việt Nam (Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 2017).

Thứ tư, việc tham gia nhiều hiệp định phần nào tạo nên sức ép cạnh tranh khi nhiều quốc gia trong Hiệp định có cùng cơ cấu sản phẩm, nhưng năng lực cạnh tranh lại cao hơn. Mặc dù trong những năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đang dần thể hiện mình thông qua các chất lượng của các sản phẩm xuất khẩu, nhưng nhìn chung vẫn còn yếu so với các nước trong khu vực. Điển hình là ở nhóm mặt hàng may mặc, nguồn lực sản xuất Việt Nam tương đối tốt, tuy nhiên, thương hiệu còn nhỏ, chưa có vị trí trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, thương mại điện tử xuyên biên giới giúp hàng Việt vươn xa và đến được nhiều thị trường quốc tế hơn nhưng cũng khiến hàng Việt bị cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường nội địa. Câu chuyện mỹ phẩm chính hãng từ Hàn Quốc về tới Việt Nam chỉ trong 7-9 ngày là một ví dụ điển hình. Không chỉ có ưu thế thời gian giao hàng mà cước phí của các đơn hàng từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng lợi thế hơn hẳn so với đơn hàng giao trong nước hoặc trong cùng một tỉnh thành. Hiện tại, phí giao hàng trong nước của một số doanh nghiệp vận chuyển lớn đang giao động quanh mức 18.000 - 25.000 đồng (khu vực nội thành hoặc một vùng, miền) và từ 25.000 - 35.000 đồng nếu giao trong nước, thậm chí lên tới 40.000 đồng. Trong khi với không ít đơn hàng từ Hãn Quốc, khách hàng Việt Nam được miễn phí giao hàng hoặc giá ship chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/lần.

Thứ năm, TMĐT nói chung và XK trực tuyến nói riêng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN Việt Nam, trong đó phải kể đến sự khác biệt về văn hóa, quy trình, dòng ngoại tệ, tiêu chuẩn giữa các quốc gia, thanh toán, cơ chế, chính sách và cả chính trị (Hồng Loan, 2021). Theo thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2020, theo khảo sát gần 4.500 DN, tỷ lệ đơn hàng ảo, không thành công trên tổng số giao dịch website, ứng dụng lên đến 19,4%. Hơn thế nữa, công ty vận chuyển và hình thức thanh toán cũng mang đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như người tiêu dùng.

Thứ sáu, hạ tầng, nền tảng công nghệ số và nhân lực số của Việt Nam còn yếu kém. Sự đầu tư của chủ DN về đào tạo, quản lý chuỗi cung ứng chưa thực sự thích đáng. Ngoài ra, kỹ năng quản lý về TMĐT cả trong DN lẫn cán bộ nhà nước vẫn còn nhiều yếu kém, số lượng cán bộ chuyên trách tại Sở Công Thương quá ít. Hơn thế nữa, hầu hết các địa phương đều tỏ ra lúng túng trong việc đào tạo nâng cao kỹ năng cho DN và hộ gia đình. Hạ tầng vẫn là điểm yếu của thương mại nội địa. Để có được một hạ tầng tốt thì không chỉ cần sự liên kết mà còn cần sự chính sách, chiến lược đầu tư bài bản, đặc biệt là cho logicstics và nền tảng số như các sàn TMĐT. Báo cáo của Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, tăng trưởng của thương mại nội địa còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng).

Năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thông qua sàn TMĐT đạt trên 50% và xuất khẩu thông qua website tự xây dựng là 47%. Đây là con số thấp khi năm 2023 chỉ ghi nhận 13% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng TMĐT phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử theo hình thức sử dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử (chiếm 60%), số còn lại là thông qua hệ thống website hoặc ứng dụng do doanh nghiệp tự xây dựng. Thị trường chủ yếu của doanh nghiệp xuất khẩu vẫn là Nhật bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

  1. Một số giải pháp phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới Việt Nam – Hàn Quốc

Để hoạt động thương mại điện tử Việt Nam – Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu trong thời gian tiếp theo, cần quan tâm một số giải pháp như sau:

Thứ nhất: Về cơ sở pháp lý, Chính phủ sớm ban hành Nghị định quản lý về hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu thương mại điện tử; tăng cường kiểm tra, xử lý về nguồn gốc để tránh hàng giả. Chính phủ cần có những quy định rõ ràng về hợp đồng điện tử, thanh toán trực tuyến, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử xuyên biên giới. Tìm kiếm giải pháp đưa luật pháp Việt Nam về thương mại điện tử phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, theo đúng các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do mà hai nước cùng là thành viên. Ngoài ra, Chính phủ hai nước cần xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả, đặc biệt là đối với các tranh chấp phát sinh từ thương mại điện tử xuyên biên giới.

Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, chính phủ cần có những cơ chế kiểm soát các vi phạm trong hoạt động giao dịch TMĐT, như: thiết lập website, vi phạm về thông tin và giao dịch trên website hoặc ứng dụng di động, vi phạm về cung cấp dịch vụ TMĐT, vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân và vi phạm về hoạt động đánh giá, giám sát và chứng thực trong TMĐT…

Thứ hai, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thương mại điện tử đòi hỏi mối quan hệ chặt chẽ giữa người sản xuất, người phân phối, người tiêu thụ, các nhà công nghệ và cơ quan chính phủ. Việc đào tạo nhân lực cả về số lượng và chất lượng cần có sự tham gia của nhiều đối tượng. Muốn phát triển TMĐT, doanh nghiệp cần đội ngũ nhân lực am hiểu về công nghệ và ngoại ngữ, có kỹ năng quản trị website và sàn giao dịch TMĐT, kỹ năng quản trị cơ sở dữ liệu, kỹ năng tiếp thị trực tuyến mà hiện tại các doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ quản lý, cũng như thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực. Không những thế, vai trò của nhà trường và các trung tâm đào tạo cũng như cơ quan truyền thông cũng cần được phát huy.

Thứ ba, giải pháp phát triển hạ tầng. Đầu tư vào hệ thống kho bãi, vận chuyển, thanh toán để đảm bảo hàng hóa được giao hàng nhanh chóng và an toàn. Đề xuất giải pháp lâu dài, việc xây dựng hệ thống logistics thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu vẫn là giải pháp căn cơ và bền vững. Ngoài ra, đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng cho TMĐT là giải pháp không thể thiếu trong phát triển XK xuyên biên giới. TMĐT phát triển song hành cùng nền tảng công nghệ, bao gồm công nghệ thông tin, công nghệ truyền thông, công nghệ ngân hàng, hay thanh toán điện tử. Phát triển hệ sinh thái ngành thương mại điện tử đến định hướng quảng bá thương hiệu và tiếp cận xu hướng thị trường thông qua dữ liệu số và công nghệ. Xây dựng nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, phát triển các sàn giao dịch thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp hai nước, hỗ trợ thanh toán, vận chuyển và các dịch vụ hậu mãi.

Thứ tư, nâng cao năng lực doanh nghiệp nội địa. Các doanh nghiệp phải nhanh chóng tiếp cận các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới công nghệ, tuân thủ đúng các quy trình chế biến, sản xuất để vượt qua các rào cản kỹ thuật của phía Hàn Quốc, lưu ý nghiên cứu và chuẩn bị kỹ các thủ tục giấy tờ như giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ C/O.

Thứ năm, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các Hiệp định thương mại tự do mà hai nước cùng là thành viên đến cộng đồng doanh nghiệp để họ nắm được nội dung, những cam kết về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, những ưu đãi và cách thức được hưởng ưu đãi từ Hiệp định đối với hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc và hàng nhập khẩu từ thị trường này qua kênh truyền thống và TMĐT. Đưa thông tin và các hướng dẫn cụ thể về cách thức để được hưởng ưu đãi từ Hiệp định đến doanh nghiệp; Đàm phán tiếp với phía Hàn Quốc về mở cửa thị trường đối với những mặt hàng “tiếp tục đàm phán trong Hiệp định VKFTA” để tạo thuận lợi cho những mặt hàng này thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc.

Thứ sáu, công tác xúc tiến thương mại. Để thu hút và tạo môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp, Chính phủ hai nước cần có phương hướng, cơ chế pháp lý hợp lý, đặc biệt là cơ chế chia sẻ thông tin minh bạch. Chính quyền địa phương nên có nhiều phương án đề xuất dự án để các doanh nghiệp có thể tham gia. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như tổ chức các chương trình đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường của nhau, đặc biệt là về marketing, logistics và thanh toán. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như các sự kiện, hội chợ, triển lãm để doanh nghiệp hai nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm đối tác. Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử quốc tế và các kênh marketing trực tuyến. Tăng cường sự sẵn sàng cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam bằng cách doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan chính phủ, các đối tác chiến lược để trang bị kiến thức và cung cấp đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, thúc đẩy sự phát triển các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành và nhân rộng các hoạt động chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong cộng đồng nhà bán hàng.

Thứ bảy, tăng cường công tác ngoại giao. Tiếp tục phát huy các hiệp định thương mại giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Tổ chức trao đổi và hợp tác, giao lưu với doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử để học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin. Tăng cường đối thoại cấp cao, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, hội đàm cấp cao: giữa lãnh đạo hai nước, các bộ ngành liên quan để trao đổi về các vấn đề hợp tác, trong đó có thương mại điện tử. Kiến nghị Bộ Công Thương cùng các Bộ ban ngành, xây dựng các sàn giao dịch thương mại điện tử song phương, tạo ra một nền tảng trực tuyến để các doanh nghiệp hai nước giao dịch, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam những thông tin chi tiết về thị trường Hàn Quốc, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội và đối mặt với thách thức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Công Thương (2023), Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023, Nhà xuất bản Công Thương, Hà Nội.
  2. Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam VECOM (2024), Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2024.
  3. Bộ Công Thương (2023), Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2023, Cục thương mại điện tử và kinh tế số.
  4. Tạp chí Thương Trường (2020), Thương mại điện tử xuyên biên giới ngày càng phát triển, doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị những gì?
  5. Nguyễn Minh Trang (2020), Tác động của hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc đến kinh tế Việt Nam.
  6. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (2023), Diễn đàn mở rộng hợp tác thị trường Thương mại điện tử Hàn Quốc – Việt Nam.

[1] Thạc sĩ, Phòng Nghiên cứu và Dự báo thị trường - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương