CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI KHU VỰC MIỀN NÚI, VÙNG SÂU, VÙNG XA, BIÊN GIỚI VÀ HẢI ĐẢO: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

16:50 - 07/12/2023

Phạm Hồng Lam

Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương

Phát triển thương mại khu vực này là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế chung của đất nước. Khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có tiềm năng kinh tế to lớn với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng và có nhiều sản vật đặc thù chưa được khai thác và quảng bá thương mại. Khu vực các tỉnh tiếp giáp với các nước láng giềng có nhiều cửa khẩu quốc gia, quốc tế, thuận lợi cho việc giao thương, phát triển các hoạt động thương mại. Các tỉnh có các hải đảo có thế mạnh về kinh tế biển và có rất nhiều tiềm năng phát triển thương mại. Cơ chế chính sách về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đã được ban hành, nhưng chỉ được đề cập như một nội dung nhỏ, lồng ghép trong các chính sách phát triển thương mại trong nước và chưa được cụ thể hóa. Các nội dung trong chính sách phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo mặc dù đã thu được triển khai và thu được một số kết quả, nhưng còn nhiều vấn đề khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện. Do đó, bài viết tập trung đánh giá thực trạng ơ chế chính sách về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, qua đó đề xuất một số giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

Từ khóa: Cơ chế; Chính sách; Phát triển vùng; Thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

 

  1. Đánh giá thực trạng cơ chế chính sách phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của Khu vực

1.1. Những kết quả đạt được

Có thể đánh giá tổng quát, cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thương mại Khu vực thời gian qua đã phát huy tác động, hiệu quả, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển thương mại nói riêng tại Khu vực này. Tổng sản phẩm nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Khu vực có sự tăng trưởng tương đối nhanh và ổn định. Số lượng, chủng loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tham gia thị trường ngày càng phong phú, đa dạng với chất lượng ngày càng được cải thiện nâng cao. Kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt là mạng lưới chợ được cải thiện. Đội ngũ thương nhân hoạt động trên địa bàn có sự gia tăng nhanh và thu hút được các thương nhân ở các vùng miền khác trên cả nước tham gia kết nối mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa của khu vực. Thương mại biên giới với các nước láng giềng được thúc đẩy phát triển tương đối mạnh mẽ thời gian gần đây cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực, song phương và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thương mại Khu vực và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, phát triển thương mại của cả nước, giữ vững an ninh, quốc phòng. 

 Thứ nhất, về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Khu vực đã tăng trưởng tương đối nhanh và ổn định thời gian qua. TMBLHH&DTDVTD của một số vùng trên địa bàn khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ giai đoạn 2015 - 2022. Cụ thể, giai đoạn 2015-2022, TMBLHH&DTDVTD vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã tăng từ 161,4 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 318 nghìn tỷ đồng năm 2022, đưa tỷ trọng của vùng từ mức chỉ chiếm 5,0% trong TMBLHH&DTDVTD cả nước năm 2015 lên 5,9% năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng 10,2%/năm. TMBLHH&DTDVTD của vùng Tây Nguyên từ 148,7 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 247,9 nghìn tỷ năm 2022, chiếm tỉ trọng 4,6% năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng 7,6%/năm. TMBLHH&DTDVTD của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung cũng đạt được mức tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2015-2022, từ 552 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên 918 nghìn tỷ năm 2022, đưa tỷ trọng của vùng cũng được cải thiện, từ chỗ chỉ chiếm 16,2% trong TMBLHH&DTDVTD cả nước năm 2015 lên 17,1% năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng 8,4%/năm trong cùng giai đoạn. Nếu so sánh với cả nước, TMBLHH&DTDVTD tăng từ 3.223 nghìn tỷ đồng năm 2015 lên mức cao nhất là 5.363,2 năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân năm 7,5% trong cùng giai đoạn thì tăng trưởng của TMBLHH&DTDVTD của Khu vực nhanh hơn, cho thấy đóng góp của thương mại Khu vực cho thương mại của cả nước ngày càng tăng.  

Qua việc phân tích về TMBLHH&DTDVTD của 3 vùng kinh tế có đặc điểm địa lý mang tính đại diện cao của Khu vực, có thể thấy hệ thống cơ chế chính sách của nhà nước ưu tiên, khuyến khích phát triển thương mại Khu vực đã phát huy được hiệu quả tác động tích cực đem đến sự thay đổi cho phát triển thương mại, thị trường Khu vực và đóng góp quan trọng vào phát triển thương mại, thị trường trong nước.