Chuyển đổi kép trong lĩnh vực logistics ở Vùng Thủ đô
11:15 - 14/06/2024
Trịnh Thị Thanh Thuỷ
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương
Chuyển đổi kép - Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - là xu thế tất yếu, là tiến trình chuyển đổi mang tính khách quan trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia dựa trên tiến bộ thần tốc của những thành tựu khoa học và công nghệ, cũng là định hướng và là lựa chọn của quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển. Ở Việt Nam, hai tiến trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh bổ trợ, gắn bó và tạo tiền đề cho nhau, đang và sẽ đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong lĩnh vực logistics Vùng Thủ đô - là Vùng có điều kiện và tiềm năng cho phát triển logistics dẫn đầu cả nước và cũng là Vùng có sản lượng và tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics cao hơn so với nhiều vùng và địa phương khác. Nhờ đó, giúp cho tăng trưởng nhanh kinh tế, thương mại và đầu tư, cũng như liên kết thị trường các tỉnh trong Vùng và liên kết các tỉnh trong nội Vùng và ngoài Vùng.
Từ khoá: Chuyển đổi kép; Chuyển đổi số; Chuyển đổi xanh; Logistics; Vùng Thủ đô.
Từ trong lĩnh vực quân sự, thuật ngữ “logistics” dần được áp dụng trong các lĩnh vực dân sự và kinh tế. Logistics tiến vào lĩnh vực kinh tế, thương mại và phát triển tại nhiều quốc gia, được chuyên môn hoá và kết nối thành mạng lưới dịch vụ logistics trên phạm vi toàn cầu vào những năm 1960-1970 và được nhiều quốc gia ghi nhận sự phát triển vào những năm 1980. Nhưng phải đến những năm 1990, logistics mới được nhìn nhận đúng với tầm quan trọng của lĩnh vực dịch vụ này trong nền kinh tế và đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới theo hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa và tự do hoá thương mại, vai trò của logistics ngày càng trở nên quan trọng, liên kết các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hoá và chuỗi giá trị toàn cầu từ hoạt động cung cấp, sản xuất, lưu thông phân phối đến mở rộng thị trường cho các hoạt động kinh tế. Có thể thấy, trên thực tế, hoạt động logistics vượt qua các giới hạn bởi phạm vi địa lý và không gian.
Các loại hình logistics, trong đó những dịch vụ cốt lõi như dịch vụ vận tải, giao nhận và tạo thuận lợi thương mại có tầm quan trọng chiến lược đối với phát triển kinh tế và thương mại, trong chuỗi cung ứng và kết nối kinh tế thế giới. Các dịch vụ logistics với vai trò của mình đã và đang tạo điều kiện thực hiện thành công các chương trình nghị sự về phát triển bền vững và thực thi một số mục tiêu phát triển bền vững theo cách trực tiếp và gián tiếp.
Liên kết các hoạt động kinh tế, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, các dịch vụ logistics đã giúp tối ưu hóa chu trình của vòng đời sản phẩm của sản xuất hàng hóa, tạo ra và lưu chuyển hàng hoá, từ giai đoạn đầu vào của sản xuất, tới giai đoạn dự trữ, phân phối sản phẩm hàng hoá đến khách hàng cuối cùng. Thậm chí, các dịch vụ logistics ngược còn tăng khả năng tối ưu hoá và nâng cao hiệu quả của các hoạt động xử lý hàng hoá sau lưu thông phân phối và sử dụng sản phẩm. Nhờ các dịch vụ logistics, đã giải quyết một cách tự nhiên những cách trở giữa các chủ thể trong nền kinh tế về không gian, thời gian, chi phí sản xuất lưu thông, đồng thời gắn kết các hoạt động trong nền kinh tế một cách thống nhất, có hệ thống, đạt hiệu quả cao. Nhờ các dịch vụ logistics, quyền lực của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã vượt ra khỏi biên giới địa lý của quốc gia.
Dịch vụ logistics góp phần giảm chi phí, hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa chứng từ trong kinh doanh trong và ngoài nước. Sự phát triển của logistics điện tử (e-logistics) tạo ra cuộc cách mạng trong dịch vụ vận tải và logistics, chi phí cho giấy tờ, chứng từ trong lưu thông hàng hóa được cắt giảm, chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, nhờ đó càng thu hẹp hơn những cản trở, khó khăn về khoảng cách địa lý, không gian và thời gian trong dòng lưu chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm và hàng hóa. Các quốc gia và vùng lãnh thổ nhờ đó xích lại gần nhau hơn, nhanh hơn, kịp thời hơn trong hoạt động sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu dùng.
Các doanh nghiệp có thể chủ động trong chọn nguồn cung cấp nguyên liệu, công nghệ sản xuất, lên kế hoạch sản xuất, quản lý hàng tồn kho, tìm kiếm thị trường tiêu thụ thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau và giao hàng theo đúng thời gian với tổng chi phí thấp nhất,... dựa trên các chiến lược logistics đúng đắn. Logistics đóng vai trò then chốt khi đưa sản phẩm đến đúng nơi, đúng thời điểm, đảm bảo chất lượng và an toàn. Ở góc độ này, logistics được xem là công cụ hiệu quả để đạt được lợi thế cạnh tranh lâu dài về sự khác biệt hóa và tập trung. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp và nhiều ngành kinh tế.
Ở Việt Nam, mặc dù gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh từ lâu, được đưa vào Luật Thương mại từ năm 2005, nhưng những năm gần đây, thuật ngữ “logistics” mới được đề cập, bàn luận nhiều và thu hút sự quan tâm trong xã hội. Đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007, thuật ngữ “logistics” ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các hoạt động thực tiễn, hoạch định và thực thi chính sách, nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo, khẳng định vai trò quan trọng đối với các lĩnh vực ngành nghề cũng như nền kinh tế quốc gia.
Thông tin chi tiết bài viết tại đây
[1] Tiến sĩ, Nghiên cứu viên cao cấp - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương