Chuỗi hội thảo tham vấn chính sách phát triển công nghiệp và thương mại Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình hành động của ngành Công Thương

18:21 - 08/12/2023

Thực hiện chương trình công tác năm 2023 được Lãnh đạo Bộ Công Thương giao, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đã tổ chức chuỗi hội thảo tham vấn chính sách với 02 chủ đề: (1) Hội thảo “Định hướng và giải pháp chuyển dịch sang mô hình sản xuất carbon thấp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU”; (2) Hội thảo “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn để tận dụng tối đa những cơ hội của CPTPP và EVFTA”. Chuỗi hội thảo này nằm trong khuôn khổ Nhiệm vụ “chuỗi hội thảo tham vấn chính sách phát triển công nghiệp và thương mại Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025”.

Chuỗi hội thảo này được lựa chọn tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào giai đoạn cuối của việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương với thực tế là mặc dù đã có nhiều kết quả trong việc nghiên cứu, chuyển đổi mô hình, tổ chức hoạt động của ngành nhưng vẫn còn rất nhiều tồn tại, bất cập. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) (tính đến thời điểm hiện tại là 15 FTA), mang lại nhiều cơ hội xuất, nhập khẩu nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho ngành.

Tăng trưởng thương mại trong những năm vừa qua là rất ấn tượng, nhưng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nhiều cơ hội chưa được tận dụng triệt để. Nhiều đề án, chương trình, chính sách được xây dựng và áp dụng nhưng hiệu quả khá hạn chế. Chuỗi hội thảo này là cơ hội để đánh giá đúng thực trạng và tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh để tận dụng tối đa những lợi thế, cơ hội của Việt Nam mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu theo hướng bền vững. 

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải lớn, sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên vốn đã và đang ngày càng khan hiếm, cạn kiệt trong các ngành kinh tế của Việt Nam không những tạo ra các tác động tiêu cực đến môi trường góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của quốc gia tại các quốc gia, khu vực là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đặc biệt là các thị trường EVFTA và CPTPP.

Trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, ý thức môi trường không còn chỉ là xu hướng; nó là động lực cơ bản của hành vi người tiêu dùng và thương mại quốc tế. Cam kết đáp ứng yêu cầu carbon thấp, phát thải ròng về “0” đang trở thành thành xu hướng được quan tâm trong kinh doanh thương mại quốc tế. Nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng các biện pháp để giảm thiểu phát thải carbon trong các hoạt động kinh tế, thương mại như áp dụng dán nhãn carbon, đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu trong đó có các quốc gia, khu vực là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU. Gần đây Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra cơ chế “Điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM), theo đó sẽ áp một loại thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu vào EU. Chính sách này trước tiên sẽ nhắm vào những ngành hàng có lượng phát thải carbon cao (bao gồm xi măng, sắt và thép, nhôm, phân bón, Hydrogen và điện, là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU). Tuy nhiên, nó sẽ được mở rộng đến các ngành hàng khác. Đây sẽ là áp lực buộc các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này phải nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận trong chiến lược sản xuất kinh doanh của mình để đảm bảo chỗ đứng tại thị trường EU.

Bên cạnh đó việc tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA và CPTPP giúp Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư, chuyển giao công nghệ, học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước những thách thức to lớn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong một sân chơi bình đẳng với các quốc gia tiên tiến có tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn về lao động và môi trường. Khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do, các hàng rào về thuế quan hầu như đã bị loại bỏ hoàn toàn, những yêu cầu phi thuế quan khác, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu ngày càng được các nước phát triển sử dụng như những hàng rào kỹ thuật tạo áp lực ngày càng lớn đối với các quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn như Việt Nam.

Để thực hiện đáp ứng hiệu các cam kết về môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng phục hồi trên thị trường toàn cầu, Việt Nam chúng ta không có con đường nào khác là phải hoạch định một chiến lược chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu phát thải và cuối cùng góp phần tạo nên một tương lai xanh hơn và bền vững hơn.

Trong bối cảnh như vậy, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp được coi là một định hướng quan trọng để thực hiện các mục tiêu môi trường và phát triển bền vững. Đặc biệt, nội dung về xây dựng kinh tế tuần hoàn được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Để thực hiện định hướng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Để có cơ sở triển khai việc xây dựng và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn một cách có hiệu quả tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

          Chuỗi hội thảo này là một diễn đàn chính sách quan trọng, là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp thảo luận, phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế tuần hoàn và phát thải thấp dưới góc độ đáp ứng hiệu quả các yêu cầu và tận dụng tối đa những cơ hội của Hiệp định CPTPP và EVFTA mang lại.

Hội thảo sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính sau:

  • Đánh giá tổng quan các quy định liên quan cam kết về môi trường trong hiệp định CPTPP, EVFTA: Những hàm ý, cơ hội, thách thức của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế carbon thấp và mô hình kinh tế tuần hoàn;
  • Thực trạng phát triển mô hình kinh tế carbon thấp và mô hình kinh tế tuần hoàn;
  • Kinh nghiệm quốc tế về phát triển mô hình kinh tế carbon thấp và mô hình kinh tế tuần hoàn và bài học cho Việt Nam;
  • Phân tích một số ví dụ điển hình hình kinh tế carbon thấp và mô hình kinh tế tuần hoàn (case studies);
  • Đề xuất giải pháp phát triển mô hình kinh tế carbon thấp và mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Chuỗi Hội thảo được tổ chức có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan, các nhà quản lý đến từ nhiều Bộ, ngành, Viện nghiên cứu, trường Đại học, hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia độc lập… (Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên, Môi trường, Viện Hàn lâm KHVN, Viện NC CLCS Tài nguyên, Môi trường, Viện Kinh tế môi trường, Đại học Quốc gia HN, Đại học Kinh tế Quốc dân….). Các cuộc hội thảo được thiết kế theo hình thức kết giữa việc trình bày, thảo luận các nội dung về lý luận, đánh giá phân tích hiện trạng, thực tế và các nghiên cứu điển hình để từ đó xác định những khoảng trống giữa lý luận, cơ chế chính sách, khung khổ pháp luật và thực tiễn triển khai để rút ra những kiến nghị, đề xuất phù hợp. Các cuộc hội thảo này có sự tương tác giữa 03 nhóm đối tượng quan trọng là “nhà khoa học”, “nhà quản lý” và nhà doanh nghiệp. Do vậy các vấn đề được đưa ra thảo luận đều có sự phân tích, đánh giá từ nhiều góc độ khác nhau đảm bảo tính toàn diện, khách quan, khoa học và thực tiễn.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng và lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà khoa học, nhà quản lý và từ chính những doanh nghiệp đã tham gia thực tế vào các mô hình kinh tế này, Hội thảo đã có những kết luận rất quan trọng, cụ thể:

Phát triển mô hình kinh tế carbon thấp và mô tuần hoàn là một nhu cầu tất yếu trong bối cảnh rủi ro về biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt là ở Việt Nam. Một mô hình kinh tế carbon thấp và KTTH hiệu quả sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Việc xây dựng, triển khai mô hình kinh tế carbon thấp và KTTH cũng sẽ có những đóng góp quan trọng trong việc đáp ứng các cam kết về bảo vệ môi trường và thương mại bền vững trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do và đặc biệt là hiệp định EVFTA và CPTPP. Chính vì vậy phát triển mô hình kinh tế carbon thấp và KTTH được coi là một trụ cột chính sách quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển những mô hình là là vấn mới và cần có những yêu cầu kỹ thuật, tài chính rất lớn. Đây là thách thức không nhỏ đối với nhà nước và doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam đều là nhỏ và siêu nhỏ.

Đây là những vấn đề không chỉ của ngành Công Thương. Để phát triển hiệu quả mô hình này cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của nhiều ngành, đặc biệt là các ngành Công Thương, Tài chính, Kế hoạch, đầu tư,….

Bên cạnh đó việc xây dựng, phát triển những mô hình này đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng, triển khai thị trường carbon, các công cụ định giá carbon nhằm tạo ra một công cụ chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm phát thải và áp dụng chế tài phù hợp để giảm thiểu việc sử dụng những công nghệ, nhiên, nguyên liệu gây phát thải lớn. Việc xây dựng một thị trường carbon lành mạnh với hệ thống mua bán, trao đổi phát thải hiệu quả là một thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn chuẩn bị đầu tiên trong khi các thị trường quan trọng đã áp dụng hệ thống này từ rất lâu và đang tạo áp lực ngày càng lớn cho Việt Nam.

Việc phân tích, đánh giá một số mô hình kinh tế carbon thấp và KTTH thực tế hiện nay cho thấy, đã có rất nhiều mô hình phát huy hiệu quả, đặc biệt là các mô hình có quy mô nhỏ cấp hộ gia đình, công ty. Tuy nhiên, những mô hình có quy mô lớn như khu công nghiệp, tỉnh, thành phố hoặc những mô hình một ngành, lĩnh vực (ví dụ như mô hình xử lý, tận dụng bùn đỏ từ khai thác bô-xit ở Tây Nguyên) cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý ngành. Những mô hình này đòi hỏi có thêm nhiều công trình nghiên cứu khoa học sâu hơn, và có thể cần phải được xây dựng thành những đề án khoa học cấp bộ, ngành, thậm chí cấp quốc gia trong đó có sự phối hợp của những nhà khoa học và nhà quản lý.

Để có thể vượt qua những thách thức này, một trong những yếu tố rất quan trọng là phải xây dựng, phát triển một đội ngũ cán bộ, chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm trong nhiều ngành, lĩnh vực mà hiện nay vốn đang rất thiếu và yếu. Do vậy, Nhà nước và doanh nghiệp cần quan tâm, đầu tư xứng đáng vào việc đào tạo và phát triển nhân lực tương xứng với nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra.

Về thể chế, chính sách, hiện đã có nhiều văn bản pháp lý, chính sách về phát triển KTTH, tuy nhiên, vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo yêu cầu về phát triển kinh tế tuần hoàn được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc trong các đề án, hoạt động kinh tế. Mặt khác, nhà nước và doanh nghiệp cần xây dựng và vận hành thí điểm các mô hình KTTH (cả quy mô nhỏ và lớn) để từ đó rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng ra phạm vi các ngành, lĩnh vực hay quy mô toàn nền kinh tế.

Để có thể xây dựng, phát triển mô hình kinh tế carbon thấp và KTTH hiệu quả, cần có những đề án nghiên cứu sâu, rộng hơn để có thể đưa ra những luận cứ khoa học chính xác và từ đó đề xuất, kiến nghị lên Bộ Công Thương, Ban kinh tế Trung ương, Thủ tướng Chính phủ,… xây dựng và ban hành những chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.