Chính sách phát triển thị trường bán lẻ khu vực miền núi
12:05 - 18/12/2023
ThS. Phạm Quang Hiếu
Viện nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương
Thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành trong nước, tạo ra diện mạo mới cho thị trường và gia tăng cơ hội lựa chọn tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Tuy nhiên riêng đối với khu vực miền núi, sự phát triển của thị trường này chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, hạ tầng bán lẻ hiện đại thiếu và yếu, vắng bóng các siêu thị và trung tâm thương mại, người tiêu dùng chủ yếu mua bán thông qua hệ thống chợ, thậm chí nhiều xã miền núi không có chợ và chợ quy mô lớn chỉ là con số hãn hữu. Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó không thể không tính đến những hạn chế của các chính sách phát triển thị trường bán lẻ khu vực miền núi. Bài viết tập trung vào việc khái quát một số yếu tố của thị trường bán lẻ khu vực miền núi hiện nay và chính sách phát triển thị trường bán lẻ miền núi, qua đó nhận dạng những hạn chế và nguyên nhân dẫn đến những hạn chế về chính sách với mục đích tìm ra giải pháp khắc phục chúng, nhằm góp phần phát triển mạnh mẽ và bền vững thị trường bán lẻ của vùng đặc biệt này.
Từ khóa: chính sách, miền núi, phát triển thị trường, thị trường bán lẻ
1. Khái quát đặc điểm thị trường bán lẻ khu vực miền núi
Thị trường bán lẻ được thể hiểu là thị trường mà ở đó diễn ra hoạt động trao đổi, mua bán giữa các chủ thể trong đó người mua chính là người tiêu dùng cuối cùng. Với tư cách là một bộ phận của thị trường bàn lẻ nói chung, thị trường bán lẻ khu vực miền núi là thị trường mà ở đó diễn ra hoạt động trao đổi hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa người bán và người tiêu dùng cuối cùng trên địa bàn các xã/huyện/tỉnh thuộc khu vực miền núi. Do đây là khu vực đặc biệt khó khăn so với cả nước do đó thị trường bán lẻ trên địa bàn cũng những nét hết sức đặc trưng.
Xuất phát từ khoảng cách về điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện kinh tế - xã hội, tất cả các yếu tố cấu thành như nhu cầu tiêu dùng, hệ thống cung ứng hàng hóa, các loại hình bán lẻ, ưu thế và bất lợi trong phát triển thị trường, công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường bán lẻ khu vực miền núi đều có sự khác biệt so với các khu vực nông thôn còn lại và càng khác xa so với thị trường bán lẻ thành thị. Có thể thấy rõ điều này thông qua xem xét khái quát hai cực cung và cầu của thị trường.
- Cầu thị trường: Miền núi là khu vực chiếm diện tích lớn của nước ta (3/4 diện tích cả nước là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo...) nhưng dân số phân bố rải rác với mật độ thấp, chỉ ở mức 50 đến 100 người/km2. Thêm vào đó, do đa phần người dân ở đây là người dân tộc thiểu số, có trình độ học vấn thấp và chủ yếu sinh sống bằng nghề chăn nuôi, làm nương rẫy hoặc làm nghề truyền thống nên mặc dù liên tục được cải thiện qua các năm song thu nhập bình quân nhìn chung vẫn ở mức thấp. Khi khả năng thanh toán của họ không cao, mặc dù có xu hướng tăng nhưng cầu của thị trường bán lẻ cũng ở mức thấp. Họ chỉ mua sắm nhiều khi có hội chợ hay phiên chợ hàng Việt về miền núi. Nhu cầu chủ yếu của người dân miền núi chỉ tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đồ uống, xăng dầu, thuốc men, dụng cụ sản xuất và các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Một điểm đáng lưu ý về cầu thị trường là hàng hóa tiêu dùng ở đây đa phần là hàng có hình thức bắt mắt, giá rẻ, xuất xứ Trung Quốc hoặc đồ cũ. Hàng công ty với chất lượng đảm bảo thường có giá cao hơn nhiều so với hàng hóa cùng tên nhưng khác chất lượng nên khó cạnh tranh và đây cũng là lý do các công ty không mặn mà với việc đưa hàng tiêu thụ ở miền núi. Những hàng hóa xa xỉ hoặc có giá trị lớn thường ít xuất hiện trong danh mục hàng hóa tiêu dùng của người dân khu vực miền núi. Trường hợp đặc biệt có nhu cầu hàng hóa có giá trị so với hàng tiêu dùng bình thường, người tiêu dùng sẽ tìm mua tại trung tâm thành phố.
- Cung thị trường:
Về đặc điểm hàng hóa: do đặc điểm tiêu dùng nên hàng hóa cung ứng trên thị trường bán lẻ có quy mô nhỏ (tỷ trọng giá trị thương mại, dịch vụ, bán lẻ hiện nay ở khu vực miền núi chỉ chiếm hơn 16%), thiếu đa dạng và trong cơ cấu hàng hóa, chiếm tỷ lệ lớn là hàng có giá trị và hàm lượng kỹ thuật, hàm lượng chất xám thấp. Hình thức hàng hóa cũng khác xa so với thị trường thành thị do trên thị trường này chủ yếu là những hàng hóa có mẫu mã lòe loẹt, nhìn qua có vẻ hấp dẫn nhưng chất lượng ít được đảm bảo, hàng công ty chiếm tỉ lệ khiêm tốn so với hàng gia công trong nước và hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Về hệ thống cung ứng hàng hóa: nói đến yếu tố này là nói đến lực lượng tham gia bán lẻ hàng hóa, tổ chức kênh phân phối hàng hóa, kết nối dịch vụ phân phối bán lẻ với các ngành dịch vụ liên quan. Mạng lưới các cơ sở bán lẻ ở khu vực miền núi rất thưa thớt và chủ yếu hoạt động tự phát. Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 12 năm 2018 trên địa bàn các huyện miền núi, hải đảo chỉ có khoảng gần 3.200 chợ so với 6430 chợ khu vực nông thôn và 8.539 chợ trên địa bàn cả nước. Bán kính phục vụ của một chợ khu vực miền núi thường cao gấp 1,5-2 lần so với mức trung bình của cả nước (3,5km). Ngay cả cơ sở vật chất của mạng lưới chợ ở đây cũng còn nhiều yếu kém, chỉ được xây dựng tạm bợ hoặc bán kiên cố. Kênh phân phối hàng hóa được họ sử dụng chủ yếu là kênh trực tiếp và kênh kênh 2 mức. Thường là do thương nhân đến các chợ đầu mối, chợ trung tâm, đến địa phương khác hoặc về xuôi mua hàng bán lại cho bà con.
Loại hình bán lẻ: Xuất phát từ điều kiện, tập quán, thói quen tiêu dùng của bà con khu vực miền núi mà loại bán lẻ khu vực này cũng có những nét đặc thù rõ rệt. Phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, loại hình bán lẻ của các chủ thể trên thị trường khu vực miền núi thiếu sự đa dạng. Nếu ở thành thị, hàng hóa đến tay người tiêu dùng có thể thông qua cả các loại hình bán lẻ truyền thống và hiện đại trong đó xu hướng thay thế dần bằng các loại hình các loại hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích ngày càng rõ rệt thì ở khu vực miền núi chủ thể hầu hết là người trực tiếp sản xuất, một số là các thương nhân nhỏ lẻ bán hàng tại các sạp hàng, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, số còn lại bán hàng tại các chợ cóc và chợ truyền thống khác. Trong số đó, chợ hạng III, chợ phiên chiếm tỷ lệ lớn nhất; rất ít chợ loại 1, chợ loại 2 và chợ chuyên doanh; số lượng siêu thị ở đây khá khiêm tốn, trong đó hầu hết các siêu thị này có quy mô nhỏ, kinh doanh tổng hợp. Riêng trung tâm thương mại đã xuất hiện nhưng số lượng còn rất hiếm và chỉ có mặt tại khu vực trung tâm.
Ngày nay, khi thị trường bán lẻ thành thị dần bị bão hòa, sự cạnh tranh không cân sức giữa doanh nghiệp bán lẻ nội với tiềm lực hạn chế và các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh nước ngoài ngày càng gay gắt, khốc liệt thì việc quan tâm đến các thị trường bán lẻ nông thôn đang trở thành một xu hướng phổ biến đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng mới chỉ có chiến lược mở rộng thị trường về các địa phương miền xuôi mà hoàn toàn chưa tính đến việc mở trung tâm thương mại, siêu thị lớn và các chuỗi cửa hàng tiện ích tại khu vực miền núi. Chính vì vậy, xét về loại hình bán lẻ, khu vực miền núi hiện đang vắng bóng các loại hình thương mại hiện đại.
- Về ưu thế, bất lợi và công tác quản lý Nhà nước
Ưu thế chủ yếu trong phát triển thị trường khu vực miền núi là mức sống đang ngày càng được cải thiện; khu vực này đã, đang và sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước, có rất nhiều chính sách hướng tới mục tiêu phát triển thị trường này. Tuy nhiên bên cạnh đó, điểm bất lợi cũng khá rõ, đó là hạ tầng thương mại bán lẻ và các hạ tầng khác đều thiếu thốn và không phù hợp cho việc phát triển các loại hình thương mại hiện đại. Đặc biệt là với những khó khăn do địa hình, hiểm trở, chia cắt; giao thông phức tạp, dân trí thấp nên việc quản lý nhà nước đối với thị trường bán lẻ khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn. Cũng vì lẽ đó mà địa bàn miền núi hiện nay khá phổ biến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang cần có giải pháp khắc phục.
Một số đánh giá về chính sách phát triển thị trường bán lẻ khu vực miền núiĐứng trên góc độ quản lý nhà nước thì phát triển thị trường bán lẻ miền núi chính là sự tác động của thể chế, chính sách của Nhà nước ở cả Trung ương, địa phương và sự thực thi chúng đến sự thay đổi về quy mô cũng như chất lượng của thị trường bán lẻ miền núi theo đúng định hướng và mục tiêu đề ra. Chúng bao gồm các chính sách nội địa và các cam kết quốc tế. Bài viết này chỉ tập trung nghiên cứu các chính sách nội địa, bao gồm cả những chính sách phát triển thị trường, thị trường bán lẻ nói chung và những chính sách chỉ tác động đến thị trường bán lẻ khu vực miền núi nói riêng.
2.1 Chính sách liên quan đến phát triển thị trường và thị trường bán lẻ nói chung
Chi phối sự phát triển của thị trường nói chung bao gồm khung khổ pháp luật cho hoạt động của ngành bán lẻ như: Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, Luật thương mại, Luật đầu tư, Bộ luật dân sự, Luật cạnh tranh, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn chất lượng, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,… cùng các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này. Trong số đó, đáng lưu ý là một loạt các nghị định, nghị quyết của chính phủ như: Nghị định12/2006/NĐ-CP, Nghị định 35/2006/NĐ-CP, Nghị định 59/2006/NĐ-CP, 89/2006/NĐ-CP, Nghị định 108/2006/NĐ-CP, Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020, Nghị định 187/2013/NĐ-CP, Nghị định số 34/2014/NĐ-CP, Nghị định số 112/2014/NĐ-CP, Nghị định 78/2015/NĐ- CP, Nghị định 118/2015/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh, và Nghị định 118/2015/NĐ-CP, Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015,…Những văn bản này ra đời nhằm hướng dẫn các luật trên. Chúng có liên quan đến việc gia nhập, tổ chức hoạt động kinh doanh nói chung trong đó kinh doanh bán lẻ, tới hoạt động kinh doanh của mọi chủ thể trên thị trường trong đó có chủ thể kinh doanh bán lẻ.
Ngoài ra, chính sách phát triển thị trường còn bao gồm một số quy hoạch, chiến lược phát triển như: Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, các Quy hoạch phát triển một số kết cấu hạ tầng thương mại chủ yếu của từng vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Đề án Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020, Thông báo số 264-TB/TƯ, ngày 31/7/2009 về kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020,…
Bên cạnh việc tuân thủ những chính sách luật pháp chi phối thị trường nói chung, thị trường bán lẻ trong đó có thị trường bán lẻ miền núi sẽ chịu sự chi phối của các chính sách luật pháp quan trọng tập trung chủ yếu vào việc điều chỉnh riêng và trực tiếp đối các chủ thể thị trường bán lẻ mà ít áp dụng cho các hoạt động của chủ thể khác trên thị trường. Các chính sách này bao gồm: Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về Phát triển và quản lý chợ, Nghị định 23/2007/NĐ-CP29 về hoạt động mua bán hàng hoá, Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất và kinh doanh rượu,…; Thông tư 60/2014/TT-BCT và Thông tư 08/2013/TT - BCT về hoạt động mua bán hàng hóa,… Quyết định 10/2007QĐ-BTM về lộ trình thực hiện hoạt động mua bán hàng hoá, Quy hoạch phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030”…
2.2 Chính sách liên quan đến phát triển thị trường bán lẻ khu vực miền núi
Xác định được tầm quan trọng của thị trường bán lẻ đối với kinh tế - xã hội, Đảng, nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách tạo điều kiện, thúc đẩy sự phát triển của thị trường miền núi nói chung và thị trường bán lẻ miền núi nói riêng. Chẳng hạn như: Nghị định số 20/1998/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc, Nghị định số 02/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 1 năm 2002 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/1998/NĐ-CP; Quyết định số: 92/2009/QĐ-TTg ngày 08 tháng 07 năm 2009 về tín dụng đối với hoạt động thương mại tại vùng khó khăn; Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Nghị định 118/2015/NĐ- CP, Quyết định 964 QĐ/TTg ngày 30 tháng 06 năm 2015 về phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020; các Quy hoạch phát triển thương mại/thương mại bán lẻ của từng tỉnh thuộc khu vực miền núi. Đặc biệt là gắn với Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nói trên là 6 dự án quan trọng đối với việc phát triển thị trường bán lẻ khu vực miền núi gồm Dự án đưa hàng hóa được sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tham gia hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại; Dự án tổ chức các sự kiện, hoạt động, chương trình cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng để thúc đẩy phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Dự án phát hành ấn phẩm, xây dựng chuyên trang sản phẩm và cập nhật tình hình, cơ sở dữ liệu về thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Dự án tổ chức hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Dự án quy hoạch xây dựng, phát triển ngành sản xuất, kinh doanh đặc thù tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Dự án quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thương mại trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Mục tiêu chung mà các chính sách trên hướng tới là nâng cao sức mua và khả năng cung ứng hàng hóa; tăng cường, đa dạng hóa và hiện đại hóa loại hình thương mại bán lẻ; hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ,… trên địa bàn các tỉnh miền núi, thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ và qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực này, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các vùng miền khác. Chẳng hạn:
- Quy định các dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, dự án có quy mô vốn lớn (từ 6.000 tỷ đồng trở lên hoặc dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên),… sẽ được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu và thuế sử dụng đất, miễn/giảm tiền thuê đất/tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất; các dự án đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại vùng nông thôn sẽ được ưu đãi đặc biệt; dự án đầu tư kinh doanh trung tâm hội chợ triển lãm hàng hóa, trung tâm logistic, kho hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại sẽ được ưu đãi đầu tư.
- Cam kết sẽ hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ đối với hàng hóa đặc trưng, sản vật của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Hỗ trợ thúc đẩy phân phối tiêu thụ hàng hóa được sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên thị trường trong nước; Hỗ trợ một số mặt hàng đặc trưng của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo xuất khẩu ổn định ra thị trường quốc tế; Mở rộng phân phối hàng Việt Nam phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Khuyến khích phát triển thương nhân hoạt động thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Tăng cường dịch vụ đối với phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Tăng cường năng lực cho công chức, viên chức của tỉnh, huyện, xã về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Tuyên truyền, quảng bá đối với phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng và phát triển các cơ chế đặc thù đối với thương mại biển và hải đảo.
- Ở cấp tỉnh, UBND các tỉnh thuộc khu vực miền núi đều ban hành các Quyết định về Quy hoạch phát triển thương mại/thương mại bán lẻ của tỉnh hoặc phát triển từng nguồn lực thương mại bán lẻ (nhân lưc, cơ sở hạ tầng,…) của tỉnh đó đồng thời xây dựng và công bố các Kế hoạch thực hiện các đề án liên quan đến phát triển thương mại bán lẻ của tỉnh. Nội dung chính của các đề án, quy hoạch, kế hoạch trên liên quan toàn bộ hoặc một phần tới thị trường bán lẻ nói chung và thị trường bán lẻ khu vực miền núi nói riêng thường bao gồm thực trạng và các bất cập của thị trường bán lẻ, các mục tiêu và giải pháp phát triển thị trường bán lẻ của tỉnh.
2.3 Đánh giá chung về chính sách phát triển thị trường bán lẻ khu vực miền núi
* Kết quả đạt được
- Kết quả rõ nhất là việc nước ta đã hình thành được một hệ thống chính sách liên quan đến phát triển thị trường và thị trường bán lẻ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong đó có rất nhiều cơ chế, chính sách được thể chế qua các loại văn bản quy phạm pháp luật. Các chính sách này đã đảm nhận cơ bản những vai trò quan trọng trong việc giúp cho hệ thống phân phối hàng hóa bao gồm các chợ đầu mối, chợ, cửa hàng bách hóa, cửa hiệu tạp hóa ở khu vực miền núi ngày càng phát triển, hoạt động thương mại bán lẻ trên thị trường có bước tiến nhất định. Thành công này góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thương mại, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân miền núi đồng thời góp phần thay đổi bộ mặt các địa phương thuộc khu vực này.
- Về cơ bản, những chính sách phát triển thị trường bán lẻ, đặc biệt là các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thời gian qua thực sự đã trở thành công cụ hữu hiệu trong việc định hướng, điều chỉnh các hoạt động thương mại bán lẻ trên thị trường, góp phần khuyến khích, thu hút được các doanh nghiệp, các hộ gia đình, những thương nhân và dân cư trong khu vực tham gia vào hoạt động thương mại tại các huyện, xã miền núi. Qua đó bước đầu tác động tích cực đến các ngành kinh tế của các địa phương ở khu vực miền núi.
- Việc thực thi các chính sách liên quan đến phát triển thị trường bán lẻ miền núi, đặc biệt là khi Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được triển khai trên phạm vi 62 huyện nghèo và 07 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, cùng với hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, hạ tầng thương mại bán lẻ ở khu vực miền núi đã được đầu tư nâng cấp, phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng hoạt động thương mại bán lẻ ở các địa phương khu vực này.
- Các chương trình cung cấp thông tin, tuyên truyền, quảng bá về thị trường, về doanh nghiệp, về hàng hoá trên thị trường khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo cũng đã được quan tâm và phát huy vai trò trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường bán lẻ thông qua tác dụng kích cầu và hướng dẫn tiêu dùng đối với người tiêu dùng miền núi.
- Việc triển khai các chính sách về điểm bán hàng Việt Nam cố định đã thu hút đông đảo người dân miền núi đến tham quan, mua sắm. Một mặt, chương trình đã giúp người tiêu dùng nói chung, miền núi nói riêng mua được sản phẩm chính hãng, chất lượng, tránh việc mua phải hàng giả, hàng nhái, mặt khác cũng củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Các điểm bán hàng Việt cố định đã trở thành điểm phân phối, bán lẻ hàng hóa đồng thời cũng chính là nơi quảng bá, tiêu thụ hàng đặc sản của địa phương, giúp các hộ gia đình, doanh nghiệp, làng nghề có thị trường tiêu thụ ổn định.
* Một số hạn chế
Có thể nói tính đến thời điểm này, việc khẳng định vai trò quan trọng và những thành công của các chính sách liên quan đến phát triển thị trường bán lẻ miền núi là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, quy mô, cơ cấu và trình độ phát triển của thị trường bán lẻ khu vực miền núi còn ở mức độ chưa cao, kết cấu hạ tầng thương mại dù đã được nâng cấp nhưng vẫn còn nhiều yếu kém. Xét về nguyên nhân thì có nhiều nhưng không thể bỏ qua thực tế là bên cạnh những kết quả đạt được, việc ban hành, thực thi các chính sách phát triển thị trường bán lẻ khu vực miền núi cũng bộc lộ những hạn chế và những điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế, dẫn đến việc chưa phát huy được những tiềm năng của khu vực này. Điều đó biểu hiện qua một số hạn chế sau đây:
- Bên cạnh thành công lớn trong việc hình thành được hệ thống chính sách phát triển thị trường bán lẻ khu vực miền núi, một số văn bản luật pháp và một số chính sách khác còn thiếu đồng bộ hoặc tồn tại trường hợp bị trùng lặp hoặc bị chồng chéo dẫn đến những bất cập khi triển khai thực hiện, đặc biệt là trong phân công phân cấp quản lý. Điều này hạn chế việc giải quyết những khó khăn về lưu thông hàng hóa trên thị trường khu vực miền núi vốn rất cần tập trung tháo gỡ.
- Chính sách đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nói chung và thương mại bán lẻ nói riêng ở địa bàn các địa phương khu vực miền núi còn nhiều bất cập dẫn đến kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ khu vực này mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn trong tình trạng thiếu và yếu, loại hình bán lẻ chủ yếu là các chợ, cửa hàng, cửa hiệu truyền thống, chưa hiện đại hóa theo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và vẫn còn khoảng cách khá xa so với thị trường bán lẻ thuộc các địa bàn khác.
- Khu vực miền núi vốn thiếu độ hấp dẫn đầu tư, rất cần có những chính sách khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư song trên thực tế, bên cạnh một số chính sách đúng hướng và kịp thời vẫn tồn tại những chính sách chưa hợp lý, mức hỗ trợ thấp nên bên cạnh nguyên nhân khách quan là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và dân ở nhiều địa phương miền núi còn hạn chế về tiềm lực kinh tế (dẫn đến khó huy động vốn đầu tư) thì những điểm hạn chế về chính sách nói trên là nguyên nhân chính chưa thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ của thị trường rất đặc thù này. Thực trạng này cho thấy rõ sự đối lập với thị trường bán lẻ thành thị bởi ở các tỉnh thành lớn, thị trường bán lẻ vừa có sẵn sự hấp dẫn do sức mua lớn vừa có chính sách đặc biệt trong thu hút đầu tư, thậm chí là “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư nước ngoài.
- Một số chính sách phù hợp nhưng không được thực thi tốt, chưa đi vào đời sống thực tiễn do việc tổ chức thực hiện chính sách còn nhiều yếu kém, phân công chủ trì chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa hợp lý; Các bộ ngành và giữa lĩnh vực chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đặc biệt là còn yếu trong khâu phối hợp thực hiện cùng các chính sách khác, một số địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo thực hiện chính sách, không kỹ càng trong việc rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách,…
* Nguyên nhân của những hạn chế
Nhờ có sự quan tâm đúng mức từ Đảng và nhà nước, từ Bộ công thương và các Bộ - Ngành liên quan cũng như việc nhận thức rõ vai trò của phát triển thị trường bán lẻ khu vực miền núi cùng những chính sách liên quan, chính sách phát triển thị trường bán lẻ khu vực đặc thù này đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên những hạn chế cũng khá rõ, gây ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ miền núi và sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương khu vực này. Những mặt hạn chế trên đây xuất phát từ cả những yếu tố khách quan và chủ quan sau:
- Trình độ phát triển thị trường bán lẻ đương nhiên phụ thuộc nhiều vào chính sách phát triển thị trường bán lẻ trên địa bàn. Song suy cho cùng, các chính sách này phải căn cứ vào điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương trong khi các điều kiện này của khu vực miền núi đều rất khó khăn. Chẳng hạn về điều kiện tự nhiên, miền núi có địa hình phức tạp và có nhiều thiên tai nên cản trở việc đi lại giữa các địa bàn và lưu thông hàng hoá; điều kiện kinh tế - xã hội hạn chế nên sức mua thấp, không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư,…
- Cũng xuất phát từ yếu tố nhu cầu tiêu dùng thấp, thêm vào đó, thị hiếu của hầu hết người dân các huyện, xã miền núi là thích hàng rẻ, hình thức hấp dẫn còn một số ít có nhu cầu về mặt hàng có giá trị họ thường có thói quen tìm mua tai các địa bàn khu vực thành thị nên cơ hội áp dụng các chính sách mở rộng mạng lưới bán lẻ gặp nhiều cản trở, kém hiệu quả. Đây là lý do của việc hệ thống thương nhân bán lẻ tham gia thị trường khu vực miền núi chưa thực sự phát triển.
- Miền núi là một trong ba khu vực (gồm miền núi, vùng sâu - vùng xa và hải đảo) được xếp vào vùng đặc biệt khó khăn của cả nước bởi điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Đây là lý do chính khiến cho ngân sách địa phương giành hỗ trợ đối với thương nhân bán lẻ trên thị trường ở mức thấp đồng thời khả năng thực hiện xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư phát triển thị trường bán lẻ rất hạn chế. Trong bối cảnh đó, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng không dồi dào nên trong chính sách hỗ trợ thương nhân, doanh nghiệp bán lẻ khu vực miền núi bị đánh giá là không phù hợp.
- Cũng như đối với thị trường nói chung và thị trường bán lẻ các khu vực khác, nội dung của các đề án, quy hoach phát triển thị trường bán lẻ miền núi của các tỉnh thời gian qua có chung tình trạng là hầu hết chỉ trình bày một cách chung chung về thực trạng của thị trường bán lẻ và mặc dù chỉ ra được những hạn chế còn tồn tại nhưng không phân tích rõ được nguyên nhân của những hạn chế đó. Bên cạnh đó, thực tế khác cũng khá phổ biến là phần mục tiêu phát triển tuy có chỉ tiêu định lượng cụ thể nhưng không phân tích được cơ sở cũng như tính khả thi. Đặc biệt là phần giải pháp phát triển còn mang dáng dấp của khẩu hiệu và không tập trung vào việc khắc phục triệt để những hạn chế đã nêu.
- Do trình độ, thói quen, tập quán của người dân miền núi chỉ phù hợp với những loại hình thương mại bán lẻ truyền thống nên hiện tại chưa có những chính sách về việc phát triển mạnh mẽ loại hình thương mại bán lẻ hiện đại trên thị trường.
- Không chỉ trình độ dân trí của người dân mà ngay cả trình độ, năng lực của bản thân đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước đối với thị trường bán lẻ của các địa phương khu vực miền núi cũng còn khiêm tốn, thiếu tính chuyên nghiệp, thậm có thể có thói hách dịch, cửa quyền, quan liêu, tham nhũng ở một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi chính sách hoặc việc triển khai chưa kịp thời, chưa đầy đủ, rõ ràng, dẫn đến tình trạng hiểu không đầy đủ, thậm chí hiểu sai chính sách đang là một trong những nguyên nhân cản trở, thậm chí đi ngược lại mục tiêu của chính sách. Từ đó dẫn đến kết quả, hiệu quả triển khai các chính sách liên quan đến phát triển thị trường bán lẻ khu vực này còn nhiều hạn chế.
- Số lượng chính sách, văn bản liên quan đến phát triển thị trường bán lẻ khá nhiều, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ đối với thương nhân song đáng tiếc là nhiều thương nhân bao gồm cả cá nhân và doanh nghiệp đã không theo sát các chính sách mới, không biết và do đó không tận dụng được những thời cơ chính sách đó mang lại. Chẳng hạn Nghị định 118/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 27/12/2015 là chính sách ưu đãi rất thiết thực, cụ thể và trực tiếp đối với đầu tư siêu thị, trung tâm thương mại, chợ ở khu vực nông thôn nhưng đa số các nhà bán lẻ trên địa bàn miền núi không biết đến và do đó họ đã bỏ qua nhiều cơ hội tốt cho việc mở rộng quy mô, củng cố mạng lưới bán lẻ của mình. Lý giải cho điều này, các nhà bán lẻ thường cho rằng chính sách hầu hết chỉ là hình thức, không thiết thực, thậm chí do họ thấy một số chính sách trước đó không phù hợp, không mang lại hiệu quả thực tế, không giúp ích được cho họ nên họ không mấy tin tưởng vào sức mạnh của chính sách.
- Một số giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển thị trường bán lẻ khu vực Miền núi
Khu vực miền núi, là địa bàn thuộc vùng khó khăn cần có những chính sách đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội trong đó có chính sách liên quan đến phát triển thị trường bán lẻ. Với những hạn chế đã nêu, cùng những nguyên nhân đã được phân tích, để phát triển mạnh mẽ thị trường bán lẻ khu vực miền núi, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội với các khu vực khác trên cả nước, nước ta cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp sau đây:
- Về xây dựng và ban hành chính sách: Để đảm bảo tính khách quan, khoa học, phù hợp và hiệu quả, ngoài việc chính sách phải hướng tới mục tiêu đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo lợi ích cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm rõ các điều kiện, quyền lợi, trách nhiệm tham gia thị trường của chủ thể bán lẻ đồng thời đảm bảo nguyên tắc trong cạnh tranh và sự tham gia của tất cả các bên có liên quan gồm chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, các nhà khoa học, chuyên gia,… thì việc xây dựng, hoàn thiện chính sách liên quan đến phát triển thị trường bán lẻ khu vực miền núi nói riêng không được xa rời điều kiện đặc thù về tự nhiên, kinh tế, xã hội của khu vực miền núi đồng thời làm tốt công tác đánh giá để loại bỏ chính sách hoàn toàn không phù hợp, chỉnh sửa, bổ sung chính sách còn có những điểm bất cập. Trong những quy hoạch liên quan đến phát triển thị trường bán lẻ khu vực miền núi phải phân tích rõ thực trạng thị trường và nguyên nhân dẫn đến hạn chế của thị trường này cũng như phải cụ thể hóa từng giải pháp và nêu bật được tính khả thi của các giải pháp nêu ra trong quy hoạch.
- Về thực thi chính sách: Trước hết phải nâng cao trình độ, năng lực của các cấp quản lý, phân cấp cụ thể trong thực thi chính sách, nâng cao năng lực cho cán bộ về phát triển khu vực miền núi. Bên cạnh đó cần chú ý đến tiến độ thực thi, tránh tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư..., xác định rõ cơ chế phân cấp, trao quyền, đề cao tính chủ động cho cơ sở, các cấp từ Trung ương đến địa phương, phối hợp trong quá trình triển khai và thực thi chính sách. Cùng với đó, cần tăng cường sự kiểm tra giám sát để hỗ trợ, phát hiện sai sót, kịp thời giúp các địa phương khắc phục mọi khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách. Ngoài ra, do phát triển thị trường bán lẻ chỉ là một nhóm chính sách cũng như một phần mục tiêu phát triển của mỗi địa phương khu vực miền núi nên quá trình triển khai các chính sách, đưa chúng vào thực tiễn cần có cơ chế lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội khác đồng thời có những chính sách thúc đẩy sự phát triển và mối liên kết với các ngành kinh tế khác nói chung và dịch vụ khác nói riêng như du lịch, giao thông vận tải,…cùng tạo tiền đề cho nhau phát triển. Cùng với đó, cần đặc biệt lưu ý đến công tác truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để chính sách đến được tới mọi người dân, tránh tình trạng lãng phí quyền lợi di không biết để tận dụng những chính sách ưu đãi của trung ương hoặc địa phương.
- Về một số nhóm chính sách cụ thể:
+ Chính sách về loại hình bán lẻ: Để phù hợp với xu hướng phát triển thị trường nói chung, thị trường bán lẻ nói riêng hiện nay, cần thiết phải đa dạng hóa các loại hình bán lẻ, phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại. Nội dung này bao gồm việc xây dựng quy hoạch phát triển, tiêu chuẩn, quy chuẩn các loại hình kết cấu hạ tầng mại phù hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các hình thức kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên với những huyện, xã miền núi có điều kiện kinh tế xã hội cũng như điều kiện tự nhiên quá khó khăn, sức mua thấp, không phù hợp với việc đầu tư mở các trung tâm thương mại hoặc nhiều siêu thị thì Sở Công thương các tỉnh này nên tham mưu cho tỉnh xây dựng đề án phát triển thị trường bán lẻ theo hướng chú trọng việc đa dạng hóa các loại hình bán lẻ nhưng trong đó tập trung phát triển hệ thống các cửa hàng nhỏ. Trong trường hợp cần thiết phải hình thành chính sách cụ thể nhằm vào việc vận động người dân tham gia mạng lưới phân phối thông qua việc mở cửa hàng quy mô nhỏ và vừa đáp ứng nhu cầu tại chỗ cho người dân vùng xa trung tâm và cải thiện thu nhập cho chủ các của hàng.
+ Về kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ: Đối với các vùng không phù hợp xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại, ngoài các chợ trung tâm xa nhiều khu dân cư, các địa phương khu vực miền núi cần có kế hoạch xây mới chợ truyền thống tại những vị trí phù hợp hoặc nâng cấp, cải tạo các chợ truyền thống đã cũ lạc hậu và xuống cấp theo hướng văn minh, hiện đại và thuận lợi cho người dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thay đổi thói quen mua sắm cho người dân đồng thời khắc phục tính tự phát trong phát triển thị trường khu vực này.
- Về ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp: Trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ mặt bằng, chính sách ưu đãi về thuế hoặc về hỗ trợ về tín dụng,… phải được đặc biệt quan tâm hoàn thiện và có kế hoạch cụ thể cho việc tổ chức triển khai, tránh tình trạng có cơ chế chính sách nhưng người dân, doanh nghiệp không biết, không tiếp cận và không tận dụng được; Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp bán lẻ trên cả nước, đặc biệt là các siêu thị triển khai nhiều hơn nữa các chương trình bán hàng bình ổn giá với mức giá tốt và số lượng mặt hàng bình ổn đa dạng.
Hy vọng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần xây dựng và phát triển thương mại, thị trường bán lẻ khu vực miền núi, rút ngắn khoảng cách thị trường này với thị trường bán lẻ của các vùng miền khác, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực miền núi nước ta.
TÀI KIỆU THAM KHẢO
[1] Võ Văn Bảy, Phạm Thái Hưng (2014), Chính sách dân tộc nhằm giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2005-2013: kết quả thực hiện và nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2020, kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi” NXB Đại học Thái Nguyên [tr19-tr30]
[2] Bộ Công Thương (2014), Kỷ yếu Hội thảo Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
[3] Dương Huy Hưng (2015), Giải pháp thị trường cho sản phẩm vùng miền núi, biên giới https://congthuong.vn/giai-phap-thi-truong-cho-san-pham-vung-mien-nui-bien-gioi-54667.html
[4] Phạm Hồng Tú (2013), Phát triển thị trường bán lẻ hàng tiêu dùng ở nông thôn Việt Nam thời kỳ 2011- 2020, Luận án Tiến Sỹ, Viện nghiên cứu thương mại, Hà Nội
[5] Website www.moit.gov.vn
[6] Website https://thuvienphapluat.vn/