Chính sách phát triển ngành giấy việt nam theo hướng bền vững
17:37 - 27/11/2024
TS. Đặng Công Hiến
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương
Trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp giấy Việt nam có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế, đồng hành hỗ trợ cho nhiều ngành sản xuất cũng như cộng hưởng để phát triển các ngành kinh tế khác. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, ngành công nghiệp giấy ở Việt Nam có nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển, song cũng đang đứng trước không ít khó khăn và thách thức, đặc biệt là vấn đề phát triển bền vững.
Thị trường giấy Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới dự kiến sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành giấy và bao bì của Việt Nam hiện tại và tương lai. Tiềm năng là rất lớn song ngành công nghiệp giấy trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, các yêu cầu về cải tiến công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, giảm sử dụng hóa chất, đáp ứng các quy định về môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đang đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhiều nỗ lực nhằm cải tiến trong sản xuất và thu hút đầu tư hơn nữa. Về chính sách phát triển, các văn bản liên quan chưa rõ ràng cụ thể, cơ sở cho các nhà đầu tư còn thiếu nên các dự án đầu tư trong ngành giấy Việt Nam còn có sự mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm và quy mô công suất của toàn ngành.
Với những vấn đề bất cập trên đây, bài viết tập trung đánh giá về thực trạng chính sách phát triển ngành giấy của Việt Nam, qua đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp giấy theo hướng bền vững trong thời gian tới.
Từ khóa: Chính sách; Ngành giấy, Phát triển ngành giấy; Phát triển bền vững
Một số đánh giá về thực trạng chính sách phát triển ngành giấy của Việt Nama) Những thành tựu đạt được
- Hệ thống chính sách quản lý, phát triển ngành giấy hiện nay tương đối đầy đủ, bao gồm các Nghị quyết thể hiện chủ trương của Đảng đến các văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương này như Luật, Nghị định, Thông tư, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ,… Các văn bản này đã tạo hành lang và khung khổ pháp lý vững chắc, góp phần tạo điều kiện cho ngành giấy pháp triển mạnh mẽ trong thời gian qua và tạo động lực cho các ngành giấy Việt Nam phát triển mạnh mẽ thời gian qua.
- Các nhóm chính sách cụ thể như: chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN) cho ngành giấy; chính sách phát triển nguồn nhân lực cho ngành giấy; chính sách phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành giấy; chính sách phát triển bền vững và môi trường đã có tác động mạnh trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, để ngành giấy phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn và than thiện với môi trường.
Nhìn chung, các chính sách hiện hành về phát triển ngành giấy của Chính phủ Việt Nam đã cơ bản đạt được mục tiêu phát triển ngành giấy thời gian qua. Về khía cạnh phát triển bền vững, các chính này đã đưa ra những định hướng khá rõ nét, đó là định hướng về ổn định nguồn nguyên liệu, ổn định và tăng trưởng giá trị sản xuất, ổn định thị trường cho các sản phẩm giấy trong nước, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm tiêu thụ năng lượng và phác thải ra môi trường,…
b) Một số hạn chế
Bên cạnh những điểm đạt được nêu trên, hệ thống chính sách phát triển ngành giấy còn có những tồn tại, hạn chế như sau:
- Chính sách phát triển ngành giấy thiếu tính tập trung. Các chính sách phát triển ngành giấy theo hướng bền vững nằm lẩn khuất trong các chính sách phát triển ngành công nghiệp như: chính sách về đầu tư, doanh nghiệp, khoa học công nghệ, môi trường, nông nghiệp,… Chính vì vậy việc áp dụng chính sách vào thực tế là hết sức khó khăn.
- Thiếu vắng một số quy định pháp lý về phát triển bền vững ngành giấy.
- Chính sách phát triển nguồn nhân lực cho ngành giấy chưa thực sự khuyến khích hoạt động đào tạo nguồn nhân lực có tay nghê, chất lượng cao để phục vụ cho phát triển ngành.
- Chính sách về phát triển bền vững đối với ngành giấy thiếu tính thực tiễn, chưa thực sự phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của ngành giấy. Ví dụ như các quy định về nhập khẩu phế liệu giấy làm nguyên liệu sản xuất, quy định về ký quỹ môi trường, quy định về kinh tế tuần hoàn đối với ngành giấy…
- Những chính sách ưu đãi khá mờ, chưa thể hiện cụ thể và rõ nét những ưu đãi trực tiếp cho các chủ thể khi thực hiện những biện pháp, cách thực để đổi mới, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.
2. Một số giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển ngành giấy Việt Nam theo hướng bền vững
a) Hoàn thiện chính sách công nghiệp về phát triển ngành giấy
- Hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển công nghiệp nói chung. Tiếp tục cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính; đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh số hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử, tiến đến thực hiện kinh tế số và xã hội số.
- Xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nội địa. Ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính cho các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp như chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; chương trình nâng cao năng suất, chất lượng; các chương trình khuyến công, khuyến nông,… nhằm nâng cao trình độ sản xuất và năng lực cạnh tranh của ngành.
- Khẩn trương xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển ngành giấy đến năm 2030 để tạo nền tảng phát triển ngành giấy. Hiện nay, quy hoạch ngành giấy đã hết hiệu lực, chưa có chiến lược phát triển ngành, các văn bản liên quan chưa rõ ràng cụ thể, cơ sở cho các nhà đầu tư còn thiếu nên các dự án đầu tư trong ngành giấy Việt Nam đang thực hiện đều chưa có các căn cứ và cơ sở pháp lý. Nhiều dự án đầu tư vẫn phát triển và có quy mô rất lớn, nhưng trên thực tế các cơ quan quản lý nhà nước ở cả trung ương và địa phương chưa quản lý chặt do thiếu một số cơ sở pháp lý, dẫn đến có sự lệch lạc và mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm và quy mô công suất cho toàn ngành.
- Nhanh chóng xây dựng quy hoạch phát triển vùng trọng điểm rừng trồng nguyên liệu giấy phục vụ sản xuất công nghiệp quy mô lớn, có xét đến lợi thế so sánh giữa các địa phương.
- Nghiên cứu, xây dựng các khu công nghiệp giấy tập trung trọng điểm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm chi phí đầu tư hạ tầng và xử lý môi trường tập trung góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.
- Nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để hình thành doanh nghiệp quy mô lớn: thu hút và tập trung các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư quy mô công suất >300.000 tấn/năm đối với bột giấy từ gỗ và >200.000 tấn/năm đối với các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực thượng nguồn trong ngành giấy, sản xuất các sản phẩm mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường và có kết nối với các doanh nghiệp trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị ngành giấy.
- Xây dựng chính sách đa dạng hóa, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào ngành giấy theo hướng đẩy nhanh tiến độ cổ phần các doanh nghiệp nhà nước, liên doanh với nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài để tạo lập nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển ngành giấy, tạo điều kiện để ngành giấy tiếp cận với công nghệ hiện đại. Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao và đầu tư vào các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chủ động trong việc tiếp xúc các tập đoàn đa quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực thượng nguồn ngành giấy để xúc tiến kêu gọi đầu tư. Tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư có chiến lược, trọng điểm hướng tới một số thị trường, nhà đầu tư tiềm năng. Đối với các dự án trọng điểm, quan trọng cần cam kết tạo thuận lợi trong việc cấp phép và giải phóng mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành.
- Chính phủ cần có kế hoạch tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm nhằm tạo thuận lợi cho ngành phát triển, đặc biệt là các hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Cải thiện cảng biển và các dịch vụ logistics để giảm bớt các chi phí logistic và tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu. Chú trọng các vấn đề như kết nối giao thông; hệ thống nước sạch; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; hệ thống cấp điện và hệ thống thông tin liên lạc. Quy hoạch xây dựng các khu nhà ở công nhân tại những vị trí phù hợp, hoặc bố trí phương tiện đưa đón công nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và thu hút nhân lực từ các địa điểm xa cho ngành giấy.
- Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành, phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp như: Miễn thuế, giảm giá thuê đất, thuê hạ tầng cơ sở, hỗ trợ tuyển dụng lao động.
b) Hoàn thiện chính sách khoa học công nghệ
Về KH&CN, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 569/QĐ-TTg, ngày 15/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Trong đó chú trọng triển khai các định hướng và giải pháp cụ thể.
Định hướng chính sách khoa học công nghệ ngành giấy thời gian tới là hướng tới từng bước đột phá trong phát triển ngành. Vì vậy, chính sách KH&CN ngành giấy cần có tầm nhìn xa, tiến tới ứng dụng những công nghệ then chốt, tạo động lực phát triển cho ngành, đồng thời nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của công nghệ tiên tiến khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Bộ Công Thương, trong hoạt động phát triển KH&CN của mình cần xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ của ngành giấy cần chú trọng tính phù hợp trong tình hình mới, tăng cường chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, tạo ra giá trị gia tăng cho ngành, đặc biệt là lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học để bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao tính cạnh tranh cho toàn ngành hay bao bì giấy thân thiện môi trường, là những thế mạnh của ngành giấy.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 (in 3D, vật liệu mới, tự động hoá, cobot, số hoá…) trong quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.
- Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích liên kết giữa lực lượng nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ với lực lượng, đơn vị sản xuất kinh doanh, đơn vị đào tạo.
- Xây dựng ban hành các chính sách huy động tiềm lực các Tập đoàn, Tổng Công ty đầu tư cho hoạt động KH&CN, đẩy nhanh việc xây dựng và thành lập Quỹ phát triển KH&CN của Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị thành viên theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ sạch; ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới giảm tiêu thụ điện, nước vả xả thải nhằm giúp doanh nghiệp bù đắp chi phí đầu tư ban đầu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
c) Hoàn thiện chính sách về lao động, phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 2239/QĐ-TTg, ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao. Trong đó gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương.
- Xây dựng các tiêu chuẩn về việc làm bền vững, đáp ứng các yêu cầu của Quy tắc kinh doanh có trách nhiệm, phù hợp với thông lệ quốc tế về chuỗi giá trị có trách nhiệm trong ngành.
- Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy trình thẩm định chuỗi cung ứng hiệu quả, nâng cao năng lực của ngành và người lao động về các quy chuẩn liên quan đến việc làm bền vững và thẩm định doanh nghiệp, ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro môi trường, lao động.
- Xây dựng và triển khai đồng bộ kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phát triển của ngành và của các nhà đầu tư.
- Triển khai các công ước quốc tế về lao động mà Việt Nam đã phê chuẩn cũng như tiếp tục phê chuẩn những công ước đã cam kết theo lộ trình nhằm tạo các nền tảng cơ bản cho các tiêu chuẩn việc làm thỏa đáng hay các quy tắc kinh doanh có trách nhiệm của các chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Có các chương trình tăng cường phổ biến thông tin về nhu cầu lao động trong ngành, đặc biệt trước các kỳ tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.
- Xây dựng chính sác đẩy mạnh, khuyến khích phát triển các mô hình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cả về chất và lượng của lao động.
- Xây dựng và triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, chú trọng vào các kỹ năng mới cần thiết cho ngành trong bối cảnh CMCN4, các kỹ năng về thiết kế, phát triển sản phẩm và kết nối các cơ sở đào tạo trong nước với nước ngoài.
- Đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp về quản lý sản xuất, quản lý chuỗi giá trị và khách hàng; ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và
d) Hoàn thiện chính sách về môi trường liên quan ngành giấy
- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về môi trường liên quan đến nhập khẩu phế liệu giấy làm nguyên liệu sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu cho ngành giấy.
Tại khoản 21 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định đồng xử lý chất thải là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải, trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý.
Thực tế sản xuất giấy cho thấy, trong trường hợp các nhà máy giấy sử dụng lò hơi tầng sôi để xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được coi là hình thức đồng xử lý chất thải. Giải pháp đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp trong lò hơi tầng sôi tại các nhà máy giấy đã có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn tại nhiều nước như Bỉ, Thụy Điển, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Trung Quốc,… Tại Việt Nam, giải pháp này cho thấy việc sử dụng lò hơi tầng sôi để xử lý các phế phẩm và bùn thải từ nhà máy giấy đều đạt hiệu suất thu hồi năng lượng cao và đáp ứng được các quy định môi trường khắt khe.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc đồng xử lý chất thải vẫn còn nhiều vướng mắc, do thiếu văn bản hướng dẫn chi tiết, dẫn đến không thống nhất giữa các địa phương. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành các quy định hướng dẫn đánh giá hợp quy, hợp chuẩn và cho phép đồng xử lý chất thải rắn bằng công nghệ lò hơi tầng sôi tại các nhà máy giấy đủ điều kiện được đưa vào sử dụng trên phạm vi toàn quốc.
- Sửa đổi bổ sung quy định về nhập khẩu phế liệu giấy
Theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ 15-20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu tùy theo khối lượng. Thực tế cho thấy, thực hiện quy định này, hàng năm, tổng số tiền ký quỹ rất lớn, khoảng gần 3.000 tỷ đồng, gây khó khăn và lãng phí lớn nguồn lực cho doanh nghiệp, đặc biệt là giảm khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành của các nước như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu, châu Mỹ… Vì vậy cần sửa đổi quy định này theo hướng doanh nghiệp nhập khẩu giấy phế liệu không bị vi phạm sẽ được áp dụng mức ký quỹ là 5%. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu để xảy ra vi phạm thì bị tạm dừng hoặc thu hồi giấy phép nhập khẩu.
- Sửa đổi quy định về thời gian và khối lượng nhập khẩu giấy phế liệu từng năm theo hướng linh hoạt, cho phép doanh nghiệp có thể chủ động nhập khẩu và bù trừ hơn hoặc kém 20%.
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định khối lượng giấy phế liệu được nhập trong 1 năm được chia trung bình cho số năm của Giấy phép (5 năm hoặc 7 năm), giới hạn số lượng được nhập trong năm. Bởi trên thực tế, có những thời điểm nguyên liệu ở mức giá thấp các doanh nghiệp phải tranh thủ nhập vào, hoặc có những thời điểm thị trường khan hiếm hàng hóa bất thường, các doanh nghiệp phải linh hoạt và tận dụng thời cơ để thu mua, nhằm đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu và hiệu quả cho hoạt động sản xuất.
- Nghiên cứu đề xuất của Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam về việc coi các sản phẩm sau thu gom phân loại hòm hộp các tông cũ và giấy văn phòng đã qua sử dụng là nguyên liệu thứ cấp.
Nhiều chuyên gia đã chỉ ra Ngành giấy là một trong những ngành kinh tế tuần hoàn điển hình vì các nguyên liệu, phụ liệu, phụ phẩm, phế phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đã qua sử dụng đều được tận dụng tối đa và có thể tái chế, tái sử dụng được nhiều lần. Thúc đẩy hiệu quả KTTH trong ngành Giấy, tránh lãng phí nguồn lực, cần có cơ chế chính sách phù hợp cho việc thu gom phân loại và xem các sản phẩm sau thu gom phân loại như là OCC (Old Corrugated Container - Hòm hộp các tông cũ), SOP (Sorted Office Paper - Giấy văn phòng đã qua sử dụng)... như một loại nguyên liệu thứ cấp cho sản xuất được lưu thông thương mại và xuất nhập khẩu bình thường. Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư cho việc thu gom phân loại như ưu đãi về thuế phí cho doanh nghiệp và cá nhân thực hiện công việc này.
- Kiến nghị xây dựng và ban hành “Luật sử dụng nguồn tài nguyên tái chế” để nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế trong nước, giảm dần việc nhập khẩu phế liệu giấy và phế liệu nói chung làm nguyên liệu sản xuất.
- Xây dựng bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm trong ngành, đặc biệt về thu gom và tái chế giấy. Nghiên cứu hoàn thiện chính sách phát triển ngành nói chung và nhập khẩu nói riêng theo xu hướng của các nước phát triển đối với ngành công nghiệp giấy.
- Tập trung giải quyết sớm vấn đề thiếu hụt nguyên liệu cho ngành giấy chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian gần, bằng cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành giấy trong việc nhập khẩu hàng hóa làm nguyên liệu sản xuất, đặc biệt trong việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất, coi đây là hàng hóa thông thường làm nguyên liệu sản xuất, không phải phế liệu như hầu hết các quốc gia trên thế giới.
- Điều chỉnh các quy định luật pháp để tạo điều kiện triển khai các hoạt động tái sử dụng/tái chế/cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt đối với các loại chất thải.
- Khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành tham gia Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, ứng dụng các công nghệ sản xuất mới, công nghệ 4.0 nhằm cắt giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả quản lý và năng suất lao động; khuyến khích hoạt động đầu tư và phát triển tại doanh nghiệp.
e) Một số giải pháp nhằm phát triển bền vững và xanh hóa ngành giấy Việt Nam
Để đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững và xanh hóa ngành giấy, trong giai đoạn tới, Chính phủ cần triển khai các giải pháp sau:
- Cập nhật, phổ biến rộng rãi thông tin về công nghệ mới, thân thiện môi trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp nhận và ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện môi trường theo hướng bền vững nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững và tăng xanh.
- Rà soát và tham khảo các tiêu chuẩn/yêu cầu quốc tế để thiết lập và cập nhật định kỳ các tiêu chuẩn và định mức của ngành về chất thải, tiêu thụ năng lượng, sử dụng nước, sử dụng vật liệu và hóa chất cho ngành.
- Khuyến khích các thương hiệu lớn đã có mặt tại Việt Nam chia sẻ thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển theo hướng xanh, bền vững.
- Đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế về phát triển xanh, phát triển bền vững nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận và ứng dụng được các công nghệ xanh, sạch, tiên tiến trong ngành; tổ chức các khoá đào tạo, phổ biến thông tin và nâng cao năng lực về quản lý và kiểm soát các vấn đề về môi trường tại doanh nghiệp (kiểm soát hoá chất, nước, năng lượng tiêu thụ…); nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, chuỗi giá trị minh mạch… phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
- Hỗ trợ các nghiên cứu về vật liệu và hoá chất mới có thể tái tạo hoặc có nguồn gốc tự nhiên để dần thay thế có các vật liệu không bền vững trên cơ sở đánh giá vòng đời sản phẩm.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp cận và đạt các chứng chỉ về tăng xanh, tăng bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu.
- Hình thành các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, đơn vị nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nghiên cứu phát triển; nâng cao tiềm lực cho các trung tâm, phòng thí nghiệm chuyên ngành để có đủ năng lực nghiên cứu, kiểm tra chất lượng sản phẩm được quốc tế công nhận, đặc biệt chú trọng đến các chỉ tiêu an toàn và sinh thái ngành; trên cơ sở rà soát các phòng thí nghiệm hiện có, xem xét đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số phòng thí nghiệm chuyên ngành.
Tài liệu tham khảo:
- Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn. - Đảng Cộng sản Việt Nam, 2022, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022,
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. - Bộ Chính trị, 2018, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng
chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. - Chính phủ, 2015, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
- Chính phủ, 2020, Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/08/2020 về các giải pháp
thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. - Chính phủ, 2020, Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 03/09/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
- Chính phủ, 2024, Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 22/07/2024 của Chính phủ:
Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-
NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa
XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2045. - Thủ tướng Chính phủ, 2014, Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09/06/2014 về phê duyệt chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến
năm 2035. - Thủ tướng Chính phủ, 2024, Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 19/07/2024 của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Danh mục nhiệm vụ triển khai Kế hoạch số 13-
KH/TW ngày 28 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội
nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
POLICY FOR SUSTAINABLE DEVELOPMENT OF VIETNAM'S PAPER INDUSTRY
Dang Cong Hien
Over the years, the Vietnamese paper industry has made significant contributions to the development of the economy, supporting many manufacturing industries as well as contributing to the development of other economic sectors. In the current context of international integration, the paper industry in Vietnam has a lot of room and potential for development, but is also facing many difficulties and challenges, especially the issue of sustainable development.
The Vietnamese paper market still has many gaps. Participation in many Free Trade Agreements (FTAs), especially new generation FTAs, is expected to bring great export opportunities for the paper and packaging industry of Vietnam now and in the future. The potential is huge, but the domestic paper industry is facing many difficulties and challenges. In particular, the requirements for improving modern production technology, saving energy, water resources, reducing chemical use, meeting environmental regulations, aiming at sustainable development goals are requiring businesses to make more efforts to improve production and attract more investment. Regarding development policies, related documents are not clear and specific, the basis for investors is still lacking, so investment projects in the Vietnamese paper industry still have an imbalance in product structure and capacity scale of the entire industry.
With the above shortcomings, the article focuses on assessing the current status of Vietnam's paper industry development policy, thereby proposing a number of solutions to improve policies to promote sustainable development of the paper industry in the coming time.
Keywords: Paper industry, Paper industry development; Policy; Sustainable development.