Chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam
17:58 - 10/01/2022
ThS. Nguyễn Trọng Nghĩa
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương
(Bài viết đăng trên Tạp chí in số 57(T3/2021)
Những năm gần đây, các nước trên thế giới đã và đang có xu hướng việc chuyển dịch từ mô hình phát triển từ kinh tế tuyến tính truyền thống sang kinh tế tuần hoàn (KTTH). Trong khi đó, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về cạn kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam cần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Những kinh nghiệm của Nhật Bản về thúc đẩy chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn được đề cập trong bài viết là cơ sở để rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam về chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn.
Từ khóa: Chính sách kinh tế; Kinh tế tuần hoàn; Ô nhiễm môi trường; Phát triển bền vững.
- Mở đầu
Kinh tế tuyến tính truyền thống thường bắt đầu từ khai thác nguyên liệu thô đến sản xuất, sau đó đến tiêu dùng và cuối cùng là thải loại. Cách thức vận hành như vậy khiến tài nguyên liên tục bị khai thác và khối lượng chất thải ra môi trường gia tăng. Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), lượng tài nguyên mà con người khai thác trong năm 2017 tăng gấp 3,4 lần so với 50 năm trước, con số này vẫn đang tiếp tục tăng nhanh. Năm 2018, Mạng lưới Dấu chân toàn cầu ước tính nhu cầu tài nguyên của thế giới cao gấp 1,7 lần so với khả năng đáp ứng hiện nay của Trái Đất. Đi cùng với đó là lượng chất thải tạo ra môi trường ngày càng lớn. Ước tính từ nay đến năm 2050, tổng lượng chất thải rắn ở các đô thị trên toàn thế giới sẽ tăng thêm khoảng 70%. Đặc biệt, khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển có thể nhiều hơn tổng khối lượng cá trên các đại dương.
Hình 1: Kinh tế tuyến tính và kinh tế tuần hoàn
Nguồn: Hằng Trịnh – Báo Vnexpress.net
Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các vấn đề của suy giảm tài nguyên và gia tăng chất thải. Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập siêu than đá và luôn cần nhập khẩu rất nhiều nguyên nhiên liệu khác phục vụ cho phát triển kinh tế như dầu thô, sắt thép các loại, các kim loại thường, chất dẻo nguyên liệu, phụ liệu cho dệt may và da giày. Về rác thải, chất thải rắn phát sinh ngày càng nhiều, với tốc độ tăng khoảng 10% mỗi năm, riêng chất thải rắn đô thị là 10-16% mỗi năm. Năm 2016, lượng chất thải rắn đô thị của Việt Nam là 11,6 triệu tấn (trung bình 0,33kg/người/ngày), con số này được dự đoán sẽ tăng lên gấp đôi, ở mức khoảng 22 triệu tấn vào năm 2050. Đặc biệt, mặc dù chỉ đứng thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 về dân số nhưng lượng rác thải nhựa ra biển của Việt Nam hiện xếp thứ 4 thế giới, với hơn 1,83 triệu tấn/năm. Những vấn đề trên đã và đang gây ra những áp lực rất lớn đối với nền kinh tế, đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi mô hình phát triển. Trong bối cảnh đó, KTTH được coi là cách tốt nhất để phá vỡ sự ràng buộc lâu nay giữa tăng trưởngkinh tế và các ảnhhưởng tiêu cực tới môi trường. Cụ thể, KTTH giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong khi giảm khai thác tài nguyên và giảm chất thải ra môi trường. Vì vậy, KTTH được coi là xu hướng chuyển dịch tất yếu, vốn đang diễn ra tại rất nhiều nước trên thế giới.
Trên thế giới, đã có nhiều quốc gia đi tiên phong về xây dựng mô hình KTTH và đạt được nhiều kết quả tích cực, Nhật Bản là một trong những nước đi đầu trên thế giới và châu Á xây dựng chính sách về áp dụng mô hình KTTH.Trên cơ sở đó, tác giả tập trung nghiên cứu phát triển nền KTTH ở Nhật Bản và rút ra được những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
2. Chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Nhật Bản
2.1. Một số yếu tố thúc đẩy phát triển KTTH ở Nhật Bản
- Nhật Bản có mật độ dân số cao,diện tích đất dành cho chôn lấp bị hạn chế, một phần do địa hình chủ yếu là rừng và núi, thiếu không gian bãi rác.Do đó, Nhật Bảnđã phải tìm giải pháp thay thế cho việc chôn lấp ngay từ những năm 1950 và tránh xa việc đốt rác từ những năm 1990 sau những lo ngại về dioxin và furan trong khí thải của quá trình đốt rác.
- Nhật Bản là một quốc gia sản xuất công nghiệp lớn nhưnglại có nguồn tài nguyên khoáng sản và kim loại trong nước rất hạn chế, điều này làm cho việc tái sản xuất và tái chế trở thành một lĩnh vực đầy hứa hẹn. Việc tiếp cận nguồn nguyên liệu thô ở Nhật Bản đối với chính sách công cho nền KTTH được coi là hết sức quan trọng.
2.2. Chính sách phát triển KTTH tại Nhật Bản
Tại Nhật Bản, việc chuyển sang KTTH bắt đầu từ năm 1870, nhưng chỉ mang lại kết quả khi Luật Sử dụng tái chế hiệu quả được thực hiện vào năm 1991. Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên ban hành Luật KTTH các chiến lược ra đời nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào và các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng cao, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên.
Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng một khung pháp lý toàn diện nhằm đưa đất nước này hướng tới một xã hội dựa trên việc tái chế. Năm 2002, Luật gốc cho việc thành lập một xã hội dựa trên tái chế (The Basic Law for Establishing a Recycling-Based Society) có hiệu lực và đã đưa các mục tiêu định lượng để tái chế và phi vật chất hóa trong dài hạn cho xã hội Nhật Bản. Do đó, tỷ lệ tái chế của Nhật Bản cao hàng đầu thế giới. Năm 2007, chỉ có 5% chất thải của Nhật Bản phải sử dụng phương pháp chôn lấp, so với con số 48% đối với Vương quốc Anh vào năm 2008. Từ năm 2010, nước này tái chế tới 98% kim loại. Luật tái chế thiết bị của Nhật Bản đảm bảo rằng tỷ lệ trên 50% các sản phẩm điện và điện tử được tái chế, so với con số 30% - 40% ở Châu Âu.Trong số các thiết bị này, 74% – 89% vật liệu chứa trong đó được thu hồi. Quan trọng hơn, nhiều trong số các vật liệu này được quay trở lại phục vụ cho mục đích sản xuất các sản phẩm cùng loại, giúp tiết kiệm chi phí và giảm phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên.
Kế hoạch cơ bản thứ 4 về KTTH đã được thông qua vào tháng 6/2018, chỉ ra các biện pháp tích hợp đối với một xã hội bền vững, bao gồm: Kinh tế sinh thái tuần hoàn; quản lý chất thải và phục hồi môi trường thích hợp; tài nguyên quốc gia tuần hoàn và hệ thống quản lý chất thải thiên tai.
Các kế hoạch, chính sách liên quan đến KTTH tại Nhật Bản do Bộ Môi trường soạn thảo, sau đó xem xét các khuyến nghị của Hội đồng Môi trường trung ương và cuối cùng được nội các Chính phủ quyết định. Ngoài ra, cũng có một số luật, quy định được thảo luận bởi nhiều bộ, ngành liên quan. Bên cạnh đó, Chính phủ đã tạo ra khung pháp lý đồng bộ để phát triển KTTH. Cùng với các luật pháp được ban hành thì các bước chuẩn bị quan trọng được thực hiện bởi Chính phủ Nhật Bản đảm bảo tính tuần hoàn trong tất cả các lĩnh vực bao gồm: (i) Thực hiện các khóa học giáo dục nhận thức về các vấn đề môi trường trong trường học, doanh nghiệp, cộng đồng, là nền tảng để phát triển KTTH; (ii) Cung cấp các phòng thí nghiệm tái chế trong trường học; (iii) Cung cấp thị trường giao dịch tuần hoàn của doanh nghiệp; (iv) Cung cấp các ưu đãi, tăng cường hợp tác cộng đồng và tạo sự thân thiện với khách hàng bộ sưu tập các thiết bị cũ; (v) Cung cấp trạm tái chế chất thải.
Phát triển KTTH tại Nhật Bản được hỗ trợ bởi sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, người tiêu dùng và nhà sản xuất. Người tiêu dùng có vai trò quan trọng trong phân tách nguồn tái chế, nhà sản xuất có vai trò trong việc tái chế rác thải/nguyên vật liệu, sản xuất các sản phẩm có vòng đời lâu dài, trong khi đó Nhà nước có vai trò trong việc tạo hành lang pháp lý và khuyến khích tái chế nguyên vật liệu.
Ngoài ra, để sử dụng bền vững nguồn tài nguyên hạn chế, Nhật Bản đã cố gắng giảm tác động tiêu cực đến môi trường ở tất cả các lĩnh vực, trong đó khuyến khích sự thay đổi nhu cầu sang hàng hóa thân thiện với môi trường. Do đó, Đạo luật thúc đẩy mua sắm xanh đã được ban hành vào năm 2000, áp dụng đối với Chính phủ, các cơ quan, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng khuyến khích phát hành trái phiếu xanh để thúc đẩy các dự án môi trường phát triển. Trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành vào năm 2014 bởi Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và kể từ đó, tổng số lượng phát hành đã tăng lên. Năm 2017, Bộ Môi trường đã công bố Nguyên tắc trái phiếu xanh đảm bảo tính nhất quán với Nguyên tắc trái phiếu xanh do Tổ chức kiểm toán ICMA ban hành. Trái phiếu xanh được phép giao dịch trên sàn giao dịch thị trường chứng khoán.
Hệ thống KTTH ở Nhật Bản có ba tính năng chính:
+ Hệ thống thu hồi thân thiện với người tiêu dùng: hệ thống thu thập các thiết bị cũ để tái chế rất toàn diện và dễ sử dụng. Các thiết bị cũ được thu thập bởi các nhà bán lẻ trong cửa hàng hoặc khi giao một thiết bị mới. Đối với thiết bị công nghệ cũ, nhà sản xuất có thể được yêu cầu thu thập nó bởi chính quyền địa phương từ chính cửa nhà, hoặc nó có thể được đưa đến bất kỳ bưu điện nào để trả lại cho họ. Đây là một thói quen được hình thành trên khắp Nhật Bản, điều này khiến cho tư duy về KTTH được hiểu rõ và được sử dụng rộng rãi.
+ Người tiêu dùng trả phí trước: đối với thiết bị điện tử, các chi phí vận chuyển và phục hồi được thanh toán tại điểm mua, ngoài ra hình phạt cho việc vứt rác bừa bãi cũng được tăng cao.
+ Cơ sở hạ tầng tái chế là đồng sở hữu: luật pháp yêu cầu liên minh các nhà sản xuất điều hành các nhà máy tháo gỡ, đảm bảo họ được hưởng lợi trực tiếp từ việc thu hồi vật liệu và các bộ phận. Do đó, các công ty đầu tư lâu dài vào cơ sở hạ tầng tái chế. Và bởi vì họ sở hữu cả các cơ sở sản xuất và phục hồi, các công ty gửi các nhà thiết kế sản phẩm đến các nhà máy tháo gỡ để tiết kiệm thời gian khi phải tách rời một sản phẩm được thiết kế kém.Một số công ty thậm chí còn đưa các nguyên mẫu qua quy trình tháo gỡ để đảm bảo chúng có thể dễ phục hồi.
- Hiện trạng về phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Tại Việt Nam, những năm trước đây thuật ngữKTTH chưa được chính thức sử dụng trong các chủ trương của Đảng và pháp luật, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, khái niệm KTTH cũng đã được đề cập trong các văn kiện gần đây của Đảng như Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030”; Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030và đã được cụ thể hóa thành những chính sách, pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức đề cập đến khái niệm và các quy định về KTTH. Việc Đảng, Nhà nước xác định KTTH là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy định tại một Điều riêng trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính là một bước tiến rất lớn của Việt Nam. Đặc biệt, Điều quy định về KTTH này (Điều 142) còn được đặt trong Chương về các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực bảo vệ môi trường với nhiều quy định hỗ trợ cụ thể sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển KTTH tại Việt Nam.Một số hình thức giống KTTH đã được áp dụng từ lâu trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp ở Việt Nam như mô hình vườn - ao -chuồng (VAC), hệ sinh thái trồng cây- nuôi cá kết hợp (giúp thu hồi khí thải hoặc tận dụng thức ăn, dinh dưỡng), thu hồi gas từ chất thải vật nuôi, các mô hình chế biến phế liệu, tận dụng phụ phẩm sản xuất nhưng đó chỉ là các hình thức tận dụng. Mô hình KTTH có nội hàm rộng hơn, đó là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các thiết kế chủ động. Mô hình này gồm 5 khâu, i) thiết kế: với mục tiêu gồm có tạo ra các sản phẩm xanh, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng về sau, thiết kế trong KTTH không chỉ bao gồm thiết kế sản phẩm mà còn cả thiết kế chất thải; ii) sản xuất: gồm có sản xuất sạch hơn, giảm phát thải và thực hiện tuần hoàn vật liệu ngay trong khâu sản xuất; iii) tiêu dùng: gồm có tiêu dùng tốt hơn, người tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường sinh thái và thông minh hơn; iv) quản lý chất thải: gồm có phân loại, thu gom cuối vòng đời, tái chế tạo; v) từ chất thải trở lại thành tài nguyên: gồm có tái chế chất thải, tái sử dụng tài nguyên.
4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Việt Nam sau một thời gian dài phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Khái niệm nền KTTH ở Việt Nam đã bắt đầu trở nên phổ biến, nhưng việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn rất hạn chế. Qua nghiên cứu việc áp dụng mô hình KTTH tại Nhật Bản và hiện trạng phát triển KTTH ở Việt Nam, tác giả rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển KTTH, từ chủ trương của Đảng đến pháp luật của Nhà nước. Xây dựng chiến lược và đưa ra các mục tiêu cụ thể, thực hiện một cách nghiêm chỉnh, đồng bộ và tạo sự đồng thuận lớn của toàn xã hội thúc đẩy mô hình KTTH gắn với trách nhiệm, lợi ích của các thành phần trong nền kinh tế bao gồm các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân) và người dân. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện.
Mặt khác, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó, quy định chi tiết các nội dung liên quan đến KTTH để sớm đưa Luật vào cuộc sống.Đồng thời, khái niệm KTTH cần được lồng ghép vào các quy định khác về bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; chính sách tín dụng; chính sách xã hội…
Thứ hai, vận động, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất theo hướng sạch, ít phát thải và tăng cường tái chế thông qua các chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, hỗ trợ tài chính cũng như tăng cường trách nhiệm đối với doanh nghiệp trong việc xử lý bao bì, sản phẩm thải ra sau khi sử dụng. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các chế tài tài chính buộc doanh nghiệp phải có trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình làm ra.
Thứ ba, cần tăng cường các nguồn lực, bổ sung phẩn bổ vốn hỗ trợ khuyến khích nghiên cứu, phát triển hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất sạch hơn.Nhân rộng các sáng kiến cho mô hình tuần hoàn điển hình, thúc đẩy quan hệ hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho KTTH.
Thứ tư, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà sản xuất, các cơ quan đoàn thể và từng người dân về KTTH. Người dân cầnthay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.
5. Kết luận
KTTH đang là một xu hướng tất yếu. Các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam đang hướng đến phát triển nền KTTH nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Điều này đã được cụ thể hóa qua các chủ trương, chính sách gần đây của Đảng và Nhà nước. Kết quả nghiên cứu phát triển KTTH tại Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc ban hành các chính sách, pháp luật về mô hình KTTH. KTTH không phải là một mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà có nhiều mô hình KTTH khác nhau trong nền kinh tế, được xây dựng dựa trên triết lý của tái tạo và khôi phục.Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất mà không chú trọng khâu tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình KTTH chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Việc chuyển đổi sang nền KTTH là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội môi trường mà còn ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), "Báo cáo chuyên đề về môi trường quốc gia năm 2017 – Chuyên đề: Quản lý chất thải".
- Nguyễn Hoàng Nam, Hoàng Thị Huê và Nguyễn Thị Bích Phương (2019), "Kinh tế tuần hoàn và sự chuyển dịch tất yếu," Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Chính sách và quản lý, Tập 35, Số 3, 2019, Trang 21-28.
- Tổng cục Hải quan (2020). Thống kê Hải quan 2019
- Ellen MacArthur Foundation, "The New Plastics Economy, Rethinking the Future of Plastics," Ellen MacArthur Foundation, World Economic Forum & McKinsey Center for Business and Environment, 2016. Fromhttps://www.ellenmacarthurfoundation.org/assets/.
- IRP (2019), "Global Resources Outlook 2019: Natural Resources for the Future We Want," in "A Report of the International Resource Panel. United Nations Environment Programme,," Nairobi, Kenya, 2019. [Online]. Available: https://www.resourcepanel.org/reports/globalresources-outlook#download/, 2019
- Global Footprint Network (2018). National Footprint Accounts 2018 edition. From https://data.footprintnetwork.org
- S. Kaza, L. Yao, P. Bhada-Tata, and F. Van Woerden.“What a waste 2.0: a global snapshot of solid waste management to 2050”. World Bank Publications, 2018
- J. R. Jambeck et al., "Plastic waste inputs from land into the ocean," Science 347 (2015) pp 768-771.
- Ministry of the Environment (2010).“Establishing a sound material-cycle society: Milestone toward a sound material-cycle society through changes in business and life styles”. Government of Japan, Tokyo, from www.env.go.jp/en/recycle/ smcs/a-rep/2010gs_full.pdf