Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam: Một số giải pháp về bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới

16:22 - 17/12/2024

ThS. Đặng Hoàng Mai

Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phệ duyệt tại Quyết định 1168/QĐ-TTg, ngày 16 thàng 7 năm 2014. Nội dung chính của chiến lược là: Phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước theo hướng hiện đại.

Qua 10 năm thực hiện Chiến lược, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã đạt được một số thành tựu như:

- Tăng trưởng thị trường ô tô trong nước. Quy mô thị trường ô tô tăng trưởng mạnh mẽ: Từ năm 2014 đến nay, doanh số bán ô tô tại Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 10-15% mỗi năm. Năm 2023, thị trường tiêu thụ hơn 500.000 xe, phản ánh sự tăng trưởng nhu cầu nội địa.

- Phổ biến các phân khúc xe: Sự gia tăng trong phân khúc xe du lịch, xe thương mại, và xe chuyên dụng đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng Việt Nam.

- Sự xuất hiện và phát triển của các thương hiệu ô tô nội địa. Sự xuất hiện của hãng xe ô tô VinFast là một điểm sáng. VinFast, thương hiệu ô tô nội địa đầu tiên, đã nhanh chóng phát triển và ra mắt các dòng xe điện, xe xăng, và xe bus điện hiện đại, trở thành một thương hiệu quốc gia có tầm ảnh hưởng quốc tế. Bên cạnh đó, VinFast đã thành công trong việc triển khai các mẫu xe điện và đặt mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu.

- Tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng cường sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa của các dòng xe tải, xe khách đạt 45-55%, vượt mục tiêu đề ra cho phân khúc này. Đối với xe du lịch dưới 9 chỗ, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa còn thấp (10-20%), nhưng đã có bước tiến nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp phụ trợ trong nước.

- Phát triển sản xuất xe thân thiện môi trường, bao gồm Xe điện và xe hybrid. Trong đó, VinFast đã dẫn đầu trong việc phát triển và sản xuất xe điện tại Việt Nam.

Tại Hội nghị COP26 (Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26) vào năm 2021, Việt Nam đã đưa ra một số cam kết quan trọng nhằm góp phần vào mục tiêu toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các cam kết chính của Việt Nam bao gồm:

- Cam kết trở thành quốc gia trung hòa carbon , đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050;

- Giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030: Tham gia Cam kết Toàn cầu về Giảm phát thải khí metan;

- Ngừng khai thác điện than mới từ năm 2030: Cam kết không xây dựng mới các dự án nhiệt điện than và chuyển đổi dần sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió;

- Tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng: Đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng;

- Tham gia bảo vệ rừng và chuyển đổi sử dụng đất: Hướng tới mục tiêu bảo vệ và phục hồi rừng để giảm phát thải từ lĩnh vực này.

Với tổng số xe ô tô hiện đang lưu thông khoảng 6,5 triệu xe, phần lớn sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các phương tiện này đóng góp đáng kể vào ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính. Hiện tại, phát thải từ ngành giao thông vận tải chiếm khoảng 10% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước. Để thực hiện mục tiêu xanh hóa ngành công nghiệp ô tô, đáp ứng được các cam kết tại COP26, ngành công nghiệp ô tô cần thực hiện các giải pháp chuyển đổi từ khâu sản xuất, sử dụng xe ô tô với năng lượng hóa thạch như hiện nay sang các loại xe thân thiện với môi trường, áp dụng quy trình sản xuất ít phát thải, tiến đến sản xuất xanh và bền vững.

1. Thực trạng phát triển công nghiệp ô tô tại Việt Nam

Theo số liệu thống kê từ Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện có 377 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, bao gồm: Hơn 40 doanh nghiệp chuyên sản xuất và lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô.

Trong tổng số doanh nghiệp này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm một tỷ lệ đáng kể, với 169 doanh nghiệp, tương ứng 46,43%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu các cơ chế ràng buộc chặt chẽ để yêu cầu các hãng ô tô nước ngoài nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Kết quả là các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung vào hoạt động lắp ráp, trong khi việc chuyển giao công nghệ và phát triển sản xuất trong nước còn nhiều hạn chế.

2. Thực trạng doanh nghiệp và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Số lượng các nhà sản xuất và nhà cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn tương đối hạn chế. Tổng số sản phẩm của ngành hiện nay là 1.221 sản phẩm, chủ yếu là các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp. Những sản phẩm này chỉ đóng góp giá trị nhỏ trong cơ cấu giá thành của một chiếc ô tô.

 - Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp

Tỷ lệ nội địa hóa đối với dòng xe cá nhân (dưới 9 chỗ ngồi) vẫn chưa đạt được các mục tiêu đề ra:

30-40% vào năm 2020

40-45% vào năm 2025

50-55% vào năm 2030

Thực tế hiện nay cho thấy tỷ lệ nội địa hóa vẫn rất khiêm tốn. Cụ thể:

Thaco đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 15-18%.

Toyota Việt Nam đạt khoảng 37% đối với riêng dòng xe Innova.

Con số này thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra và kém xa so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia, nơi tỷ lệ nội địa hóa cao hơn nhiều.

- Chi phí sản xuất cao

Bên cạnh tỷ lệ nội địa hóa thấp, ngành công nghiệp ô tô trong nước còn gặp khó khăn với chi phí sản xuất và lắp ráp cao. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), do lượng linh kiện sản xuất trong nước còn hạn chế, chi phí sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam thường cao hơn 10-20% so với các nước trong khu vực. Điều này khiến giá bán ô tô lắp ráp trong nước bị đẩy cao hơn khoảng 20% so với các sản phẩm tương tự được nhập khẩu từ các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

- Áp lực cạnh tranh từ xe nhập khẩu

Sản xuất và tiêu thụ ô tô trong nước đang đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt từ ô tô nhập khẩu. Cụ thể: Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu khoảng 117,8 nghìn xe ô tô nguyên chiếc, với tổng trị giá 2,8 tỷ USD. Đầu năm 2024, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng mạnh, đạt khoảng 124,9 nghìn xe, với tổng trị giá 2,56 tỷ USD, tăng 32,6% về lượng và 16% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Những số liệu trên cho thấy áp lực từ xe nhập khẩu đang gia tăng mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến thị phần của các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 9/2024, chỉ số sản xuất xe có động cơ ước tính tăng 2,7% so với tháng 8/2024 và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam sản xuất được 241,4 nghìn xe ô tô, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tháng Chín sản xuất được 34,3 nghìn xe ô tô, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng linh kiện về dây điện phục vụ cho sản xuất ô tô của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của nhóm linh kiện về dây điện đạt khoảng 1,17 tỷ USD, chiếm 38% giá trị xuất khẩu linh kiện ô tô. Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định thế mạnh trong sản xuất các bộ phận linh kiện về điện của ô tô với vị trí thứ 3 thế giới. Sản phẩm dây điện của doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư lắp ráp ô tô toàn cầu.

Có thể thấy ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hiện đang trên đà phát triển với hoạt động lắp ráp là chủ yếu. Bên cạnh một số thành tựu đã đạt được về tự chủ một số chủng loại linh kiện, phụ tùng, ngành công nghiệp ô t đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm tỷ lệ nội địa hóa thấp, chi phí sản xuất cao và sức ép từ xe nhập khẩu. Để phát triển bền vững, cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể và cơ chế ràng buộc chặt chẽ nhằm khuyến khích chuyển giao công nghệ, mở rộng sản xuất linh kiện nội địa và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

3. Một số vấn đề môi trường trong ngành công nghiệp ô tô và cách tiếp cận

Việc xác định các vấn đề môi trường chính của chiến lược đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành, đồng thời giúp định hướng và điều chỉnh các chính sách, biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp với xu hướng phát triển của ngành trong tương lai. Để đưa ra luận chứng cho việc lựa chọn các vấn đề này, cần dựa trên ba phương pháp tiếp cận chính: hệ thống, liên ngành và liên vùng, kết hợp với các tiêu chí cụ thể như mức độ tổng quát, loại và quy mô tác động.

Tiếp cận hệ thống: Ngành công nghiệp ô tô là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều công đoạn như sản xuất, thương mại, tiêu thụ và xử lý thu hồi sau khi hết vòng đời của sản phẩm. Do đó, khi phân tích các vấn đề môi trường chính, cần xem xét tất cả các khâu trong chuỗi giá trị từ đầu vào nguyên liệu (sắt, năng lượng, gao su, nhựa…) cho đến sản phẩm cuối cùng và xử lý thu hòi sản phẩm sau tiêu dùng. Phương pháp tiếp cận này giúp nhận diện đầy đủ các nguồn gây ô nhiễm, từ nước thải, khí thải đến rác thải rắn trong khâu sản xuất đến các chất thải trong quá trình sử dụng và thải bỏ, đồng thời đưa ra các biện pháp kiểm soát toàn diện để giảm thiểu tác động môi trường. Ví dụ, vấn đề tiết kiệm và tái sử dụng tài nguyên, bao gồm tái chế các xe ô tô cũ hỏng, giúp tối ưu hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế lãng phí và giảm thiểu lượng chất thải phát sinh trong chu trình sản xuất.

Tiếp cận liên ngành, đa ngành: Ngành công nghiệp ô tô không hoạt động độc lập mà có mối liên hệ chặt chẽ với các ngành công nghiệp khác như ngành khai khoáng, luyện kim, sơn, bán dẫn… công nghiệp năng lượng và dịch vụ. Sự phát triển của ngành thép, luyện kim có tác động trực tiếp đến nguồn cung nguyên liệu của ngành ô tô. Vì vậy, việc khai thác, tái chế trong ngành thép phải là một trong những vấn đề môi trường chính, nhằm đảm bảo cung ứng nguyên liệu lâu dài cho ngành công nghiệp ô tô và duy trì sự bền vững của các hệ sinh thái tự nhiên.

Ngoài ra, các tác động từ các ngành khác như công nghiệp năng lượng hoặc ngành vận tải cũng phải được xem xét để đảm bảo rằng ngành ô tô phát triển hài hòa với các ngành kinh tế khác mà không gây ra xung đột về môi trường.

Tiếp cận liên vùng, đa vùng: Ngành công nghiệp ô tô có tính đa dạng trong phân bố không gian, với các nhà máy sản xuất phân bố tại nhiều vùng miền trên cả nước.

Do đó, các vấn đề môi trường không chỉ giới hạn trong một địa phương mà có thể có tác động liên vùng, ví dụ, việc xả thải ra các con sông lớn có thể gây ảnh hưởng đến nhiều tỉnh thành khác nhau. Phương pháp tiếp cận liên vùng cho phép đánh giá và kiểm soát các vấn đề môi trường một cách hiệu quả hơn, đặc biệt là các vấn đề có tính ngoại lai như ô nhiễm nguồn nước hoặc xung đột sử dụng đất giữa các ngành khác nhau trong cùng một vùng địa lý.

Tiêu chí lựa chọn các vấn đề môi trường chính:

- Mức độ tổng quát: Các vấn đề môi trường được xác định cần phản ánh rõ các đặc trưng gắn liền với hoạt động của ngành ô tô. Ví dụ, ô nhiễm nước do quá trình sản xuất là một trong những vấn đề nổi bật cần được quản lý chặt chẽ.

- Loại và mức độ tác động: Cần phân loại các tác động môi trường là tác động riêng lẻ hay tích lũy. Ví dụ, các nhà máy dập khuân, đúc có thể phát sinh lượng khí thải tích lũy theo thời gian, gây ra các vấn đề lớn hơn về ô nhiễm không khí.

- Phạm vi và quy mô tác động: Cần xem xét phạm vi và quy mô tác động môi trường theo không gian, từ hẹp đến rộng, bao gồm tác động ở cấp độ địa phương, khu vực và quốc gia. Việc đánh giá này giúp xác định mức độ nghiêm trọng của từng vấn đề và đưa ra các biện pháp đối phó phù hợp.

Dựa trên phương pháp “Áp lực - Trạng thái - Phản ứng" (PSR) xác định nguyên nhân (nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp) của các vấn đề môi trường và ảnh hưởng của chúng lên hệ sinh thái hoặc con người, xác định các vấn đề môi trường chính trong chiến lược phát triển ngành đến năm 2045.

+ Áp lực (Pressure): Các hoạt động của con người gây ra áp lực lên môi trường.

+ Trạng thái (State): Tình trạng hiện tại của các thành phần môi trường (chất lượng nước, không khí, đa dạng sinh học...).

+ Phản ứng (Response): Các hành động hoặc chính sách của chính phủ và xã hội nhằm giảm thiểu hoặc điều chỉnh áp lực và cải thiện trạng thái môi trường.

Các bước thực hiện:

+ Xác định áp lực: Các hoạt động kinh tế, xã hội của ngành tạo ra áp lực lên môi trường như xả thải công nghiệp, sử dụng hóa chất…

+ Xác định trạng thái: Đánh giá trạng thái hiện tại của môi trường bị ảnh hưởng bởi các áp lực trên. Điều này bao gồm toàn bộ các vấn đề về mức độ ô nhiễm, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, hoặc suy giảm hệ sinh thái.

+ Xác định phản ứng: Phân tích các biện pháp đã và đang được thực hiện để đối phó với các vấn đề môi trường, chẳng hạn như chính sách về môi trường, các chương trình giảm thiểu ô nhiễm, biện pháp khuyến khích công nghệ xanh và kiểm soát xả thải.

Để xác định được vấn đề môi trường chính của Chiến lược. Trước hết cần chỉ ra các tác động do hoạt động của ngành đến môi trường. Các giai đoạn hoạt động của ngành có tác động đến môi trường gồm có: Khai thác nguyên liệu (sắt thép, kim loại); sản xuất linh kiện; lắp ráp và hoàn thiện sản phẩm; phân phối và sử dụng; quá trình thu hồi, tái chế sau khi hết vòng đời.

Đánh giá từ trong quá trình sản xuất, nguồn gây ô nhiễm trong các hoạt động sản xuất - lắp ráp ô tô gồm:

- Khu vực sản xuất như nhà xưởng dây chuyền lắp ráp, khu vực buồng sơn, buồng sấy... Tác nhân gây ô nhiễm ở các khu vực này là: khí thải chứa CO2, CO, SO2, NOx, VOC, nhiệt trong quá trình sấy, tiếng ồn trong quá trình gia công chế tạo và lắp ráp, bụi sơn và bụi nước trong quá trình sơn, nước lắng đọng thu hồi từ các bể sơn, bể tẩy rửa và bể mạ, bụi kim loại và chất thải rắn trong quá trình gia công chế tạo các chi tiết kim loại, nhựa, cao su, mùi hóa chất, axit, sơn, dầu, mỡ, than, các chất phụ gia, giẻ lau...

- Khu vực kiểm tra chất lượng thành phẩm bao gồm hệ thống kiểm đo các chỉ tiêu xuất xưởng của xe về độ chịu nước, còi, đèn, khí thải… Tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu là khí thải ô tô, nước, tiếng ồn, bụi… Khu vực nhà kho chứa các linh kiện, nguyên, nhiên liệu, phế phẩm và bãi để thành phẩm xe xuất xưởng. Tác nhân gây ô nhiễm chủ yếu là bụi, khí thải từ xăng, dầu, mỡ, sơn, các hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất, gỉ kim loại, chất thải rắn từ quá trình sản xuất.

Các phương tiện vận chuyển nhiên liệu, nguyên, vật liệu và thành phẩm ra vào nhà máy, phương tiện đi lại của người lao động làm việc trong nhà máy. Tác nhân gây ô nhiễm là độ ồn, khói thải chứa thành phần ô nhiễm như NOx, SOx, CO, CO2, THC, VOC, bụi, và hơi xăng... phát sinh từ khói thải của các phương tiện gây ô nhiễm không khí và bụi, tiếng ồn phát sinh trong quá trình bốc dỡ, kiểm tra nguyên, vật liệu.

Các hoạt động đốt sinh nhiệt như buồng sấy sử dụng nhiên liệu đốt là dầu, gas hoặc than. Tác nhân gây ô nhiễm là khói thải chứa CO, CO2, SOx, NOx, bụi,... là các thành phần gây ô nhiễm không khí.

Định hướng trong công tác quy hoạch bảo vệ môi trường chính là kiểm soát và hạn chế ô nhiễm phát sinh ngay tại nguồn và quy hoạch các khâu trên một cách hợp lý, đồng bộ để hạn chế, phòng tránh và giảm thiểu các tác động phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược

Việc xác định và lựa chọn các vấn đề môi trường chính là bước quan trọng làm cơ sở để đưa ra những dự báo và biện pháp bảo vệ môi trường mang tính chiến lược cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Xác định các vấn đề môi trường chính cần phải dựa trên tiếp cận hệ thống, xem xét chiến lược phát triển ngành trong hệ thống tổng thể kinh tế xã hội liên ngành, đa ngành, liên vùng, đa vùng và các yếu tố môi trường đi kèm. Để thực hiện điều này, chúng tôi nghiên cứu kế thừa từ các nguồn dữ liệu sau: Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia các giai đoạn trước; Báo cáo hiện trạng môi trường địa phương; Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án sản xuất ô tô; Nguồn dữ liệu về ô nhiễm môi trường liên quan đến ngành của một số tổ chức môi trường uy tín trên thế giới. Tất cả những yếu tố trên phải được đối sánh theo các quan điểm, mục tiêu và định hướng của Chiến lược ngành.

- Tình hình xử lý chất thải tại các doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp ô tô.

Đa phần các doanh nghiệp ô tô đều có nhà xưởng sản xuất ở xa khu dân cư nên tác động ô nhiễm đối với môi trường sống xung quanh của người dân không có nhiều ảnh hưởng. Hơn thế nữa mức độ gây ô nhiễm môi trường của ngành sản xuất - lắp ráp ô tô ở mức độ nhỏ do đa phần các doanh nghiệp đều có hoạt động lắp ráp là chủ yếu, nhất là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì việc tuân thủ các tiêu chuẩn và quy trình về bảo vệ môi trường trong sản xuất rất được chú trọng do được sản xuất đồng bộ trên dây chuyền. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp doanh nghiệp chưa tuân thủ theo đúng các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và các yêu cầu khác trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (không giám sát môi trường theo đúng tần suất, thông số; không thực hiện báo cáo định kỳ gửi Sở TN&MT, Phòng TN&MT) như: hệ thống xử lý nước thải không đúng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định); không lập hồ sơ, đăng ký phát sinh chất thải nguy hại đối với trường hợp phải lập hồ sơ, đăng ký với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh; quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường… Về chất thải lỏng, các doanh nghiệp sản xuất - lắp ráp ô tô là nhóm ngành có hệ số sử dụng nước thấp, chủ yếu trong khâu tẩy rửa bề mặt, khâu sơn tĩnh điện… Các chất thải lỏng khác như xăng, dầu, hóa chất, axit… hầu hết được tuân thủ theo quy trình bảo quản và xử lý. Các doanh nghiệp có trang bị dây chuyền sơn đều được xây dựng hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn với hệ thống bể lắng, bể lọc… đảm bảo nước thải qua xử lý đạt tiêu chuẩn loại B trở lên.

Về chất thải khí, chủ yếu phát sinh ở khu vực buồng sơn và buồng sấy sử dụng nhiên liệu đốt là than, khí gas, dầu. Việc sơn và sấy đều được thực hiện trong buồng kín có hệ thống ngăn cách và cách nhiệt đảm bảo. Ống khói các buồng đều có hệ thống lọc bụi và lọc mùi.

Về các chất thải rắn, chất thải nguy hại: các chất thải kim loại hầu hết được tái chế hoặc tái sử dụng bởi bản thân doanh nghiệp hoặc thuê/bán lại cho các đơn vị khác. Các chất thải rắn khác như nhựa, cao su, giấy, gỗ… hầu hết đều được thu hồi và xử lý hoặc tái sử dụng tại các cơ sở tái chế hoặc được tiêu hủy.

4. Các giải pháp bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp ô tô

4.1 Đối với cơ chế, chính sách pháp luật

Để hoàn thiện và điều chỉnh chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô nhằm đảm bảo phù hợp với quan điểm, mục tiêu, chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đồng thời tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, cần xem xét các cơ chế, chính sách và quy định pháp lý. Các phương án điều chỉnh sau sẽ tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp ô tô như sau:

- Đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, bảo vệ môi trường: Đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ tiên tiến và tái sử dụng tài nguyên, đặt mục tiêu giảm tiêu hao nguyên liệu từ 7-10% vào năm 2030. Việc này không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên mà còn hỗ trợ giảm thiểu phát thải, phù hợp với Công ước về Đa dạng sinh học (CBD) và Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.

- Khuyến khích đầu tư vào sản phẩm có giá trị gia tăng và giảm thiểu ô nhiễm: Khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm có giá trị gia tăng, đồng thời yêu cầu các cơ sở sản xuất đảm bảo nước thải đạt chuẩn. Mục tiêu đến năm 2030 là giảm tiêu hao nguyên liệu, giảm ô nhiễm, phù hợp với Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại.

- Phát triển ngành công nghiệp ô tô theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường: Áp dụng công nghệ sạch và hiện đại sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành sản xuất hiệu quả hơn và giảm thiểu tác động đến môi trường. Mục tiêu này phù hợp với các cam kết trong Thỏa thuận Paris về chuyển giao công nghệ xanh và giảm phát thải khí nhà kính.

- Kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các sản phẩm có công nghệ cao trong lĩnh vực Việt Nam chưa sản xuất được: Chỉ kêu gọi đầu tư nước ngoài vào các sản phẩm có công nghệ cao, nhằm giảm phát thải khí nhà kính xuống 43,5% vào năm 2030. Các dự án này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô phát triển, phù hợp với cam kết quốc tế về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

- Phát triển thương hiệu quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh: Tập trung phát triển thương hiệu ô tô Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời kết hợp giữa giảm phát thải và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu này phù hợp với Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường: Tăng cường nhận thức về bảo vệ môi trường trong ngành thông qua các chương trình giáo dục và chiến dịch truyền thông, đảm bảo giảm thiểu tác động môi trường trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

4.2 Về phía quản lý nhà nước

- Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường;

- Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách bảo vệ môi trường, kế hoạch phòng chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường;

- Tổ chức, xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc định kỳ đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi trường

- Thẩm định các báo cáo đánh giá môi trường, tác động môi trường của các dự án và các cơ sở kinh doanh;

- Cấp và thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường cho các cơ sở kinh tế xã hội;

- Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết các khiếu nại, tố cáo tranh chấp về bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn nói riêng và dịch vụ môi trường nói chung;

- Đào tạo các cán bộ khoa học và quản lý môi trường; quy định các loại chứng chỉ về môi trường tương ứng cho các cán bộ làm công tác môi trường.

- Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

- Quan hệ quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

4.3 Về phía các doanh nghiệp

- Quy hoạch khu xử lý chất thải rắn công nghiệp;

- Chú trọng đến hệ thống thu gom, xử lý nước thải công nghiệp và chất thải rắn;

- Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất cần có bộ phận chức năng có nhiệm vụ giám sát, theo dõi, xử lý những vấn đề có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ và không ngừng nâng cao trình độ cán bộ quản lý môi trường ở các doanh nghiệpếnử dụng cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ vể quản lý, bảo vệ môi trường phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được phân công.

- Xây dựng hệ thống quan trắc và phân tích môi trường trong phạm vi doanh nghiệp.