Bắc Ninh thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp
11:50 - 07/03/2021
Từng là "thị xã đèn dầu" với nền kinh tế nhỏ lẻ, đến nay Bắc Ninh trở thành một trong những thành phố có nền kinh tế đứng đầu cả nước. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 2,9% so với năm 2019, ước đạt 1.127,9 nghìn tỷ đồng (giá so sánh năm 2010) duy trì vị trí thứ Nhất so với cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến
Quy mô GRDP (giá hiện hành) tiếp tục được mở rộng, ước 205,1 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước 144,5 triệu đồng, gấp 2,1 lần bình quân cả nước.Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt 61.929 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 72.047 triệu USD, tăng 16% so với năm 2019, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 38.905 triệu USD tăng 14,3% so với năm 2019; xếp thứ 6 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 5.763 triệu USD. Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, khí hóa lỏng… được tăng cường. Cung - cầu hàng hóa thiết yếu và bình ổn giá được thực hiện tốt. Hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, quản lý xuất, nhập khẩu được chú trọng triển khai. Cải cách hành chính có nhiều chuyển biến…
Về thu hút vốn đầu tư:
Bắc Ninh không chỉ là vùng đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hóa mà còn là "thủ phủ" FDI của cả nước. Trong giai đoạn này, cơ cấu đầu tư chuyển dịch tích cực, khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao. Dòng vốn đầu tư tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa quy mô GRDP của tỉnh năm 2020 gấp 1,5 lần năm 2015; giá trị sản xuất công nghiệp luôn đứng tốp dẫn đầu toàn quốc. Chỉ tính bình quân từ giai đoạn 2016 - 2020 công nghiệp của tỉnh ước tăng 11,2%/năm và đóng góp 5,3% trong 6,6% tăng trưởng GRDP. Tỉnh Bắc Ninh thực sự đột phá khi thu hút được 8,2 tỷ USD vốn FDI. Thu hút vốn đầu tư trong nước khởi sắc với 338 dự án (tổng vốn 45 nghìn tỷ đồng); thành lập mới 10.065 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn 82 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 1.331 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tập trung ở một số nước, như: Hàn Quốc 1.205 dự án, Trung Quốc 112 dự án, Nhật Bản 86 dự án… Mặc dù tình hình thế giới cũng như trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, song giai đoạn 2016-2020 Bắc Ninh vẫn là địa phương trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư. Thành công nhất chính là thu hút được các dự án lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, đã tạo thương hiệu, chất “xúc tác” hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác về với tỉnh. Kết quả này đã đưa Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của cả nước. 5 năm qua, Bắc Ninh thu hút 816 dự án (hơn tổng số dự án từ khi tách tỉnh đến năm 2015), với số vốn đăng ký 8,5 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án lớn được triển khai như: Dự án mở rộng sản xuất của Công ty TNHH Samsung Display tăng vốn thêm 2,5 tỷ USD, Công ty TNHH Misumi, Hana Micron, Intops, CrucialTec, AAC Technology… FDI là nguồn vốn quan trọng, góp phần giải quyết thiếu hụt về vốn trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế, nguồn vốn này trở thành “cú hích” để tạo đột phá trong phát triển kinh tế, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Với cơ chế chính sách đổi mới, sáng tạo, Bắc Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ... Những thương hiệu này chính là chất dẫn xuất hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác đầu tư vào tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh luôn ưu tiên xúc tiến đầu tư “tại chỗ” thông qua các doanh nghiệp FDI đang hoạt động liên tục mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất. Điển hình là Tập đoàn Samsung sau nhiều lần tăng vốn đạt 9,2 tỷ USD, chiếm 46,5% tổng vốn FDI tại tỉnh. Tỉnh rất coi trọng hỗ trợ DN sau đầu tư, triển khai hiệu quả mô hình “Bác sĩ DN” và “Tổ công tác hỗ trợ DN”, thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại, gặp mặt DN, nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Chủ động nắm bắt cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Kinh Bắc, nâng cao chất lượng quản lý điều hành phù hợp với quá trình chuyển đổi số, quản trị điện tử, đô thị thông minh… Trong thời gian tới, tỉnh đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu đô thị Tây Bắc thành phố Bắc Ninh, khu đô thị, du lịch sinh thái, văn hóa nghỉ dưỡng vui chơi giải trí trên địa bàn huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn… hướng tới xây dựng Thành phố thông minh, đáng sống, tạo sức lan tỏa để “giữ chân” các nhà đầu tư.
Để đón bắt cơ hội làn sóng đầu tư nước ngoài tiếp tục chuyển dịch, với thông điệp “4 sẵn sàng”: Sẵn sàng về mặt bằng đầu tư; Sẵn sàng về nhân lực; Sẵn sàng cải cách và Sẵn sàng hỗ trợ, chắc chắn, Bắc Ninh sẽ tiếp tục là “điểm đến” của nhiều dự án đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Về phát triển các khu, cụm công nghiệp:
Bắc Ninh hiện là 1 trong 3 tỉnh có số lượng khu công nghiệp lớn của khu vực phía Bắc. Tính đến năm 2020, đã có 16 khu công nghiệp (KCN) tập trung với tổng diện tích 6.500 ha, có 12 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) và thành lập (trong đó có 10 KCN đã đi vào hoạt động, 2 KCN đã được thành lập). Tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch của 12 KCN đạt 61,61%.Với sự hiện hữu 10 KCN tập trung, thu hút 1602 dự án, tổng vốn đầu tư lên tới 19,8 tỷ USD (đứng thứ 6 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI).
Bên cạnh các KCN tập trung, tỉnh Bắc Ninh đã quy hoạch 32 Cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 864,89 ha. Trong đó, có 22 CCN đã đi vào hoạt động. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các CCN (tính theo dự án được duyệt) đạt 5.026 tỷ đồng. Trong số 22 CCN đang hoạt động sản xuất kinh doanh có 6 CCN do UBND cấp xã làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật (thành lập Ban Quản lý dự án), thu hút hơn 25.200 lao động, chủ yếu là người địa phương. Bao gồm, CCN Phong Khê (thành phố Bắc Ninh); các CCN Đình Bảng I, Tương Giang, Mả Ông, Châu Khê (thị xã Từ Sơn) và CCN Đại Bái (Gia Bình). CCN Đông Thọ và CCN Tân Chi đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu về việc tiếp nhận và xử lý nước thải từ các doanh nghiệp thứ cấp. Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, các CCN đã đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP của tỉnh, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng công nghiệp hóa. Góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị đã đề ra là đưa Bắc Ninh chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp.
Hiện nay, ngành công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh không những phát triển, bảo tồn và nhân rộng ngành nghề truyền thống mà còn phát triển thêm nhiều ngành công nghiệp mới, sản phẩm mới. Trong đó, đáng chú ý là: Ngành công nghiệp điện tử, với sự đóng góp của nhiều tập đoàn đa quốc gia, nổi tiếng thế giới như: Samsung (Hàn Quốc); Canon, Sumitomo (Nhật Bản); Foxconn (Đài Loan)… vào đầu tư, làm thay đổi và tạo nên đột phá của ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh. Dựa trên nguồn lực sẵn có, tỉnh sẽ tận dụng làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, hình thành các trung tâm phát triển công nghiệp, trung tâm nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao, xây dựng khu công nghệ thông tin. Bắc Ninh dồn sức phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo đột phá trong phát triển dịch vụ thương mại. Ðến nay tỉnh đã khởi công một nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao theo tiêu chuẩn châu Âu, thông qua chủ trương xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng theo tiêu chuẩn Nhật Bản.Hiện tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bắc Ninh tăng từ 61,7% năm 2015 lên 82,6% năm 2018 và đến năm 2020 ước đạt 86%; công nghiệp điện tử có tỷ trọng chiếm tới hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Về phát triển công nghiệp hỗ trợ:
Ngoài ra, với việc quan tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, hiện ngành công nghiệp hỗ trợ của Bắc Ninh đã hình thành các cụm liên kết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung cấp cấp 1, 2, 3 cho các doanh nghiệp FDI ngành điện tử và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 400 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chiếm 10,1% số doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, có gần 300 doanh nghiệp FDI, với tổng số vốn đầu tư khoảng 3,1 tỷ USD (chiếm 87%) và chiếm 78% giá trị sản xuất. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động, trong đó khối doanh nghiệp FDI thu hút trên 70.000 lao động. Để tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ sở hạ tầng và chính sách phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Cụm công nghiệp Tân chi 2 (H.Tiên Du) và Cụm công nghiệp Cách Bi (H.Quế Võ) với tổng diện tích khoảng 122ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, định hướng ngành nghề hoạt động chủ yếu của 2 cụm công nghiệp này là thu hút đầu tư đa ngành, trong đó trọng tâm là ngành công nghiệp hỗ trợ. Bắc Ninh cũng đã ban hành “Quy chế quản lý kinh phí và phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng, trực tiếp hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đồng thời định hướng thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ, làm đầu mối tổ chức, kết nối, thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương…
Như vậy có thể thấy mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng cao, các điều kiện về hạ tầng và chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ của Bắc Ninh đã và đang được triển khai đồng bộ, từng bước phát huy hiệu quả. Đặc biệt, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp vốn trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với các doanh nghiệp FDI, sớm trở thành các đối tác, đơn vị sản xuất công nghiệp hỗ trợ quan trọng. Từ đó, đưa công nghiệp hỗ trợ của Bắc Ninh trở thành điểm sáng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành mục tiêu phát triển công nghiệp của địa phương theo hướng hiện đại, bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh vẫn tồn tại những nguyên nhân, hạn chế chủ yếu sau:
Do là địa phương có giao thương khá lớn với Trung Quốc, dịch bệnh Covid -19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của một số DN công nghiệp, nhất là khi hàng loạt biện pháp cứng rắn được đưa ra để ngăn dịch bệnh lây lan như hạn chế xuất nhập cảnh, tạm ngừng hoạt động trao đổi cư dân qua biên giới, hạn chế giao nhận hàng tại các cửa khẩu. Cùng với đó, một số công ty Trung Quốc ngừng sản xuất nên nguồn cung nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa của một số công ty ở Bắc Ninh bị hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh…Ngoài ra, ở một số thị trường xuất khẩu truyền thống, do chính sách bảo hộ mậu dịch của một số nước khiến sản phẩm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Ở thị trường trong nước, sự cạnh tranh của hàng ngoại nhập cũng làm sản lượng sản xuất giảm so cùng kỳ./.
Nguồn: Báo cáo Sở Công Thương Bắc Ninh
Đinh Thị Bích Liên
Phòng Thông Tin Thư viện và Xúc tiến Thương mại - VIOIT