Bắc Giang: thực hiện 5 nhóm giải pháp phát triển ngành Công Thương

14:10 - 15/03/2021

 

Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho ngành Công Thương Bắc Giang trong năm 2021 là tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tranh thủ phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, tham mưu rà soát, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án

 

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh, giai đoạn 2020 - 2021. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 54-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về chiến lược phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống nước thải tập trung; Dự án Trung tâm logistics quốc tế thành phố Bắc Giang. Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai chương trình bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán Tân Sửu và các tháng đầu năm 2021.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, khuyến công, tiết kiệm năng lượng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, sản xuất ổn định đủ hàng hóa cho tiêu dùng, thị trường tiêu thụ sản phẩm bền vững; quản lý tốt tình hình thị trường, không để có đột biến về giá do đầu cơ tích trữ. 

Năm 2021 ngành công thương đặt mục tiêu phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010): 282.400 tỷ đồng, tăng 24,1% so với năm 2020. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế): 340.700 tỷ đồng, tăng 25,1% so năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ: 32.500 tỷ đồng, tăng 10,7% so năm 2020. Xuất khẩu: 14,8 tỉ USD, tăng 32,2% so với năm 2020. Nhập khẩu: 13.300 tỉ USD, tăng 25,9% so với năm 2020. Để hoàn thành các mục tiêu này, ngành Công Thương Bắc Giang thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung làm tốt công tác dự báo; chỉ đạo, điều hành linh hoạt, tạo sự chuyển biến tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực của ngành

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nên có ý nghĩa rất quan trọng. Dự báo bối cảnh trong nước và thế giới năm 2021 có nhiều tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh xét trên các yếu tố: Đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực tới sự phục hồi kinh tế thế giới và trong nước; cách mạng công nghiệp 4.0 tác động trên nhiều phương diện, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với nước ta; xu hướng bảo hộ thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt. Vì vậy, Sở Công Thương chủ động rà soát, đánh giá kỹ tình hình, phối hợp xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể cho từng quý, 6 tháng, cả năm và các giải pháp thực hiện.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất ổn định

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thường xuyên trao đổi thông tin cũng như tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phương hướng giải quyết.

Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp giải quyết các khó khăn vướng mắc để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp và đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển công nghiệp

Tham mưu thực hiện tốt các nhiệm vụ của quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trình tự, thủ tục các bước trong đề xuất, thẩm định thu hút doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu tư vào địa bàn.

Tập trung vào khâu tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả quá trình hội nhập. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án lớn đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất tại các khu, CCN. Hoàn thiện hạ tầng các CCN; tích cực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến công; du nhập mới và mở rộng ngành nghề, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động tại các xã thuần nông. Chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn trên cơ sở tiềm năng nguyên liệu sẵn có của từng vùng như: chế biến nông, lâm sản thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, khai thác vật liệu xây dựng.

Thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế, xúc tiến thương mại, phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tập huấn về quy tắc xuất xứ trong các FTA để giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những quy định mới, tận dụng hiệu quả các cơ hội do các FTA mang lại.

Phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, các ngành liên quan tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về cách phân loại, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu phía đối tác ngay tại nơi sản xuất. Đồng thời hướng dẫn, triển khai tốt công tác truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng cũng như các yêu cầu liên quan đáp ứng quy định, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, tránh ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất khẩu nông sản chủ lực, đăng trưng của tỉnh. Tập trung phát triển thị trường bán lẻ, xây dựng mạng lưới phân phối theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm trong nước. Tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu: liên kết với các tập đoàn, tổng công ty, các Thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, các vùng lân cận để tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân (vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, rau chế biến, rau an toàn…) Tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường; thực hiện các giải pháp phù hợp để đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp lễ, Tết; kịp thời áp dụng các biện pháp điều tiết cung - cầu, bình ổn thị trường, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Tăng cường các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng có hiệu quả phương thức kinh doanh này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực TMĐT; quản lý, giám sát về điều kiện kinh doanh thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số.

Thứ năm, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công thương và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần cắt giảm thời gian, chi phí và nâng cao tính công khai, minh bạch. Tiếp thu, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, qua đó thực hiện đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành hành chính hiện hành của Sở theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp./.

Nguồn: Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang

 Đỗ Thị Bích Thủy

Phòng Thông tin, Thư viện và Xúc tiến Thương mại  - VIOIT