Áp dụng chỉ số rủi ro chính (KRI) đối với các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo Việt Nam

11:56 - 15/11/2023

Bùi Thị Lành; TS. Đặng Thu Hương

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Thực hiện nhiệm vụ về “Nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng chỉ số cảnh báo rủi ro chính (KRI) vào doanh nghiệp Việt Namthuộc Chương trình Quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 do trường Đại học Kinh tế Quốc dân là cơ quan chủ trì, Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng,-Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý nhiệm vụ.

Nhằm thực hiện mục tiêu của nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nghiên cứu phương pháp áp dụng và hướng dẫn áp dụng thí điểm chỉ số rủi ro chính (KRI) vào  một số nhóm ngành ưu tiên phát triển, trong đó có ngành chế biến chế tạo để làm cơ sở nhân rộng áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay có nhiều cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo chưa nhận thức đầy đủ được vai trò quan trọng của việc cảnh báo sớm rủi ro và nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng hệ thống cảnh báo rủi ro một cách bài bản nên việc ứng phó với rủi ro thường bị động, gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp. Đa phần các doanh nghiệp xử lý rủi ro chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, các báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính, phân tích thị trường, sự biến động giá trên thị trường trong nước, thế giới...nên dẫn đến công tác kiểm soát và phòng ngừa rủi ro còn gặp nhiều khó khăn và thiếu tính chủ động, ảnh hưởng đến kế hoạch, năng suất, chất lượng sản phẩm. Vì vậy để có cơ sở đề xuất các giải pháp phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chế biến cà phê, sản xuất thép, sản xuất ngói, gạch men, đồ gốm sứ...để hướng dẫn, đào tạo các cán bộ, nhân viên trong  doanh nghiệp nhận diện được các rủi ro chính, rủi ro tiềm ẩn, các phương pháp xác định và xây dựng ngưỡng cảnh báo chỉ số rủi ro chính KRI.

             Kết quả áp dụng thí điểm các hoạt động ở các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo cho thấy gần 100% cán bộ nhân viên tham gia đào tạo hướng dẫn KRI đều có thay đổi  nhận thức về vai trò quan trọng của KRI và nhận diện được các rủi ro chính, rủi ro tiềm ẩn. Khoảng 95% cán bộ, nhân viên nắm chắc được các phương pháp xác định và xây dựng chỉ số cảnh báo rủi ro, 90% -95% có thể theo dõi, giám sát và có khả năng duy trì, nâng cao hiệu quả sản xuất, có các biện pháp ngăn chặn sớm các rủi ro có thể phát sinh...Đặc biệt là phương pháp xác định ngưỡng rủi ro sẽ giúp cho doanh nghiệp chủ động được các kế hoạch kinh doanh, giảm thiểu tối đa những thiệt hại. Phương pháp xác định ngưỡng rủi ro thì tùy theo đặc điểm kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Việc xác định ngưỡng cảnh báo rủi ro thường chia ra làm 03 mức độ cảnh báo như: (i) màu đỏ (mức cao nhất): yêu cầu xử lý rủi ro ngay lập tức; (ii) màu vàng (mức trung bình): chuẩn bị sẵn sàng, theo dõi, giám sát, có biện pháp xử lý khi rủi ro xảy ra; (iii) màu xanh (mức thấp): không có nguy cơ lớn nhưng vẫn cần phải theo dõi, giám sát trong qui trình). Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu thì rủi ro chính đối với doanh nghiệp cà phê là rủi ro tưới nước và rủi ro giá cà phê; doanh nghiệp sản xuất gốm, ngói là nhiên liệu đầu vào (giá than) và hàng tồn kho; doanh nghiệp sản xuất thép là  nguyên vật liệu đầu vào và hàng tồn kho ...

Việc áp dụng thí điểm các chỉ số cảnh báo rủi ro chính KRI đối với doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo đã đem lại nhiều kết quả rất tích cực. Ngoài vấn đề nâng cao nhận thức chung về các hoạt động quản trị rủi ro của doanh nghiệp, các cán bộ, nhân viên trong công ty cũng nắm chắc được các phương pháp phân tích bối cảnh, nhận diện rủi ro, xây dựng chỉ số KRI, xác định ngưỡng cảnh báo, lập báo cáo, phân tích rủi ro...và có khả năng thực hiện có một cách bài bản, có hệ thống hơn so với trước khi áp dụng thí điểm chỉ số cảnh báo KRI. Theo đó, các biện pháp và các kịch bản phòng ngừa rủi ro cũng đã được đề xuất để làm căn cứ cho việc lập kế hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm.