Triển vọng phát triển thương mại hàng nông sản của Việt Nam đến năm 2025 và một số khuyến nghị chính sách

09:31 - 03/03/2021

 

Nguyễn Thị Quỳnh Hoa

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

 

Xu hướng tự do hóa thương mại và tăng cường ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Cùng với đó, xu hướng tăng cường liên kết sản xuất, phát triển mạnh mẽ mạng lưới phân phối và các chuỗi cung ứng hàng hóa khu vực và toàn cầu thông qua hoạt động của các công ty xuyên quốc gia (TNCs) sẽ tiếp tục mạnh lên trong thời gian tới. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điển hình như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu EU (EVFTA) được dự báo sẽ mở ra những cơ hội mới cho thương mại Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mà các FTA thế hệ mới mang lại, xuất khẩu nông sản của Việt Nam thời gian tới cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính vì vậy việc dự báo, đánh giá đúng những tác động của xu hướng đẩy mạnh tự do hóa thương mại và ký kết các Hiệp định FTA thế hệ mới tới thương mại hàng nông sản, từ đó kịp thời điều chỉnh chính sách và có những giải pháp, khuyến nghị nhằm phát triển thương mại hàng nông sản Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2025

Từ khóa: Thương mại hàng nông sản, tự do hóa thương mại, Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, xuất nhập khẩu, chính sách phát triển thương mại, Việt Nam.

  1. TỔNG QUAN VỀ TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI HÀNG NÔNG SẢN CỦA VIỆT NAM

1.1. Về cơ hội

Nhìn chung, với lộ trình giảm thuế theo cam kết trong những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết mà về cơ bản đang trong quá trình giảm sâu và sẽ được xóa bỏ vào khoảng cuối năm 2020, cơ hội đối với các doanh nghiệp và hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng khá lớn.

Thứ nhất, từ góc độ xuất khẩu, các FTA thế hệ mới với mục tiêu xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ, EU hay Nhật Bản, sẽ là cơ hội tốt cho hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận các thị trường rộng lớn này, từ đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Hơn nữa, cơ hội xuất khẩu do các FTA mang lại càng tăng khi các thành viên tham gia FTA và Việt Nam có cơ cấu hàng nông sản xuất khẩu mang tính bổ sung cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhau nhiều hơn là tương đồng và cạnh tranh trực tiếp.

Đáng chú ý, EU là một trong những thị trường nhập khẩu nông sản, thực phẩm lớn nhất thế giới và xu hướng nhập khẩu tiếp tục tăng, nhất là đối với các nông sản có lợi thế của Việt Nam như rau quả nhiệt đới, trái mùa, các loại đồ uống như cà phê, chè, các loại gia vị, hạt điều... Hiệp định EVFTA được thực thi sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam trên các thị trường khó tính thuộc EU, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Với 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được cắt giảm trong vòng 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực và 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (bao gồm một số sản phẩm gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp) được EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan sẽ giúp cho hàng nông sản Việt Nam tăng cường lợi thế cạnh tranh về giá so với nông sản xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh không phải là thành viên hiệp định.

EVFTA được đánh giá là một trong những Hiệp định mang lại kết quả tích cực nhất đối với xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam với cơ hội thị trường rộng lớn khoảng 500 triệu dân. Việc cắt giảm mạnh thuế quan theo EVFTA được kỳ vọng là sẽ đem lại nhiều cơ hội cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong tự nhiên, toàn bộ các sản phẩm rau, củ quả tươi và chế biến nước hoa quả tươi (Cụ thể, cà phê hiện có mức thuế cơ sở là 0 - 11,5%; hạt tiêu là 0 - 4%; mật ong tự nhiên là 17,3%; toàn bộ sản phẩm rau, củ quả tươi và chế biến nước hoa quả tươi có mức thuế cơ sở cao nhất là 20% sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực).

Thứ hai, cùng với việc ký kết các Hiệp định FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ có điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường nào đó, nhất là Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, tránh việc tập trung quá mức vào một số thị trường chính mà bỏ ngỏ nhiều thị trường tiềm năng khác. Nếu như giai đoạn vừa qua, 70% nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực Đông Á và 50% kim ngạch xuất khẩu cũng vào khu vực này, thì sang giai đoạn 5 năm tới, các Hiệp định FTA thế hệ mới sẽ giúp cân bằng lại thị trường xuất nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc vào khu vực Đông Á, nhất là Trung Quốc, thúc đẩy tăng giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các đối tác ASEAN và ASEAN+ như Hàn Quốc, Nhật Bản, sau đó dần chuyển hướng chiến lược sang một số thị trường quan trọng khác như Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, nơi mà chúng ta có lợi thế trung hạn do các ưu đãi mà các Hiệp định FTA đem lại trước các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các đối thủ trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Thứ ba, cùng với các cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, các FTA mà Việt Nam tham gia sẽ giúp tạo hiệu ứng tích cực trong việc đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả hơn. Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam vẫn duy trì được lợi thế so sánh về lao động nên xuất khẩu hàng nông, lâm sản và thủy sản vẫn tăng, mặc dù tốc độ tăng không nhiều do những hạn chế trong khai thác và năng lực cạnh tranh trước bối cảnh yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các FTA thế hệ mới sẽ có tác động tích cực trong việc thúc đẩy đa dạng hóa, chuyển dịch cơ cấu hàng nông sản xuất khẩu sang các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài tác động tích cực của việc giảm thuế quan đối với thực phẩm chế biến sẽ khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất khẩu hàng nông sản, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng đa dạng hóa và phát triển xuất khẩu các mặt hàng nông sản mới, trong đó phải kể tới rau quả chế biến các loại, chế phẩm bột, tinh bột từ lúa mỳ, gạo, hạt tiêu chế biến, bánh kẹo các loại... 

Thứ tư, những cam kết về tự do hóa và thuận lợi hóa đầu tư trong các Hiệp định FTA thế hệ mới cũng sẽ đem lại cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến hàng nông sản xuất khẩu, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời đẩy nhanh nhịp độ công nghiệp hóa và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, những đòi hỏi rất cao của thị trường nhập khẩu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sức khỏe con người, động thực vật, các tiêu chuẩn xã hội và môi trường... sẽ có tác động tích cực và lâu dài nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng thành tựu KH&CN trong sản xuất, chế biến hàng nông sản để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của các thị trường nhập khẩu.

Thứ năm, trong những năm tới, xu hướng phát triển mạnh mẽ mạng lưới sản xuất, phân phối và các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, trong đó đáng chú ý là sự nổi lên của các nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ, kéo theo xu hướng dịch chuyển các nhân tố sản xuất như vốn, lao động và chuyển giao công nghệ giữa các khu vực trên thế giới có thể có những tác động tích cực, đem lại những lợi thế và thời cơ phát triển mới cho các nền kinh tế đi sau, làm chuyển hướng dòng đầu tư nước ngoài, mang lại cơ hội cho Việt Nam trong tiếp cận các thị trường tiềm năng, rộng lớn theo không gian địa lý này.

Đáng chú ý, xu hướng dịch chuyển địa điểm của các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu sang các nước thành viên đã ký Hiệp định FTA nhằm tận dụng các ưu đãi, nhất là ưu đãi thuế và việc gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật phi thuế sẽ đem lại cơ hội cho Việt Nam trong việc thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia của các nước công nghiệp phát triển trong những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đem lại giá trị gia tăng xuất khẩu cao. Các tập đoàn xuyên quốc gia đang có xu hướng dịch chuyển địa điểm của các chuỗi sản xuất và cung ứng, mang theo luồng vốn đầu tư, công nghệ, kỹ năng quản lý tiên tiến từ nơi có chi phí sản xuất cao sang nơi chi phí thấp hơn để tối đa hóa lợi nhuận, khi đó Việt Nam với lợi thế lao động dồi dào, giá rẻ, tài nguyên phong phú sẽ là điểm đến thuận lợi của các dòng vốn đầu tư nước ngoài từ các TNCs để tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối và trở thành một mắt xích của chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Xu hướng này sẽ thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản xuất khẩu, nhất là dưới tác động của EVFTA, các ngành hàng nông sản của Việt Nam sẽ được tái cấu trúc trong các chuỗi cung ứng xuất khẩu nhằm khai thác tốt các cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan và hướng đến việc đáp ứng tốt nhất những yêu cầu và đòi hỏi của thị trường EU về các biện pháp phi thuế quan. Mặt khác, EVFTA cũng mở ra nhiều cơ hội cho các công ty đa quốc gia của EU trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, đồ uống và bán lẻ đầu tư, liên kết, hợp tác với các đối tác Việt Nam trong việc sản xuất, cung ứng nông sản xuất khẩu cho các chuỗi cung ứng đa quốc gia này, từ đó hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu sang EU.

Thứ sáu, việc ký kết các Hiệp định FTA thế hệ mới giúp Việt Nam tăng cường năng lực thể chế kinh tế nói chung và thể chế kinh doanh XNK nói riêng. Bên cạnh những tác động trực tiếp của việc dỡ bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan, các FTA thế hệ mới với cam kết rộng lớn về tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, các vấn đề về bảo hộ sở hữu trí tuệ, các vấn đề thương mại - môi trường và trách nhiệm xã hội và nhiều vấn đề thương mại phi truyền thống khác sẽ thúc đẩy cải cách và đổi mới toàn diện, sâu sắc thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam nói chung và thể chế xuất nhập khẩu của Việt Nam nói riêng. Với việc thực thi cam kết trong các FTA thế hệ mới về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật Việt Nam sẽ phải có những cải cách, đổi mới theo hướng minh bạch, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Những cải cách này sẽ đem đến sự thay đổi về chất cho nền kinh tế Việt Nam, hướng tới năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững. Đây chính là tác động lâu dài và tích cực nhất của các FTA thế hệ mới đối với phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam nói chung và xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam nói riêng.

1.2. Về thách thức

Bên cạnh những cơ hội, phát triển thương mại hàng nông sản Việt Nam trong những năm tới đứng trước nhiều thách thức không nhỏ.

Thứ nhất, đối với xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sẽ không có nhiều cơ hội gia tăng đột biến dưới tác động của tự do hóa thuế quan theo các cam kết trong Hiệp định FTA, bởi vì nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã được hưởng mức thuế 0% theo lộ trình từ trước trong các FTA đã ký. Bên cạnh đó, ưu đãi thuế quan trong các Hiệp định FTA thế hệ mới sẽ chỉ dành cho các sản phẩm xuất khẩu có xuất xứ nội khối phù hợp. Trong bối cảnh công nghiệp hỗ trợ của chúng ta chưa phát triển, phần lớn nguyên liệu sản xuất (chiếm tỷ lệ khá cao trong trị giá sản phẩm) của nhiều ngành xuất khẩu đang được nhập từ Trung Quốc, các nước ASEAN, Hàn Quốc…, khi các FTA có yêu cầu cao về tỷ lệ xuất xứ nội khối thì đây rõ ràng là một đòi hỏi không dễ dàng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bởi vì việc thay đổi nguồn nguyên liệu hay quy trình sản xuất không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng.

Thứ hai, về khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, bên cạnh việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật phi thuế quan sẽ càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, yêu cầu cao hơn đối với các doanh nghiệp và hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Thuế giảm hoặc được loại bỏ hoàn toàn nhưng các hàng rào kỹ thuật (TBT), biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) khắt khe, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội, chất lượng sản phẩm tương đối cao, các quy tắc về xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, tỷ lệ nội địa hóa nghiêm ngặt, cùng các biện pháp chống bán phá giá không thật minh bạch nên rất khó lường, các quy định cấm trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại… có thể là những rào cản khiến hàng nông sản của Việt Nam đứng trước nhiều nguy cơ bị trả về nếu không đáp ứng được, thậm chí không có cơ hội thâm nhập vào thị trường các nước đối tác FTA.

Đáng chú ý, đối với thị trường EU, các quy định về truy xuất nguồn gốc, quy tắc xuất xứ, mức dư lượng tối đa (MRLs) đối với thuốc trừ sâu trong và trên thực phẩm là những điều kiện tiên quyết để vào được thị trường EU, bên cạnh các quy định về trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn lao động và các yêu cầu cao về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường. Đây sẽ trở thành những rào cản rất lớn đối với thương mại hàng nông sản sang thị trường EU và nhiều khi vượt quá khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Với yếu điểm trong tổ chức sản xuất nông nghiệp manh mún, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu còn hạn chế, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản của Việt Nam còn nhiều bất cập, việc mở rộng các vùng sản xuất nông sản tập trung áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP - tiêu chuẩn tối thiểu để vào được các siêu thị ở EU còn khó khăn, thì rào cản kỹ thuật là một thách thức cam go mà các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam phải đối mặt.

Thứ ba, đối với việc gia tăng áp lực cạnh tranh trước các đối thủ cạnh tranh mạnh trên các thị trường xuất khẩu hàng nông sản, thời gian tới, áp lực cạnh tranh với hàng nông sản của các nước khác trên thị trường xuất khẩu sẽ ngày càng lớn, một mặt do các nước này đã đi trước và thành công trong việc thúc đẩy sản xuất hàng nông sản hữu cơ, an toàn, nông sản sạch, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật khắt khe của các nước nhập khẩu khó tính, mặt khác chi phí xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam, nhất là chi phí vận chuyển, bảo quản và được cấp chứng nhận, có xu hướng tăng làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng giá của hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng đối với thị trường EU, tuy là nước có quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại tốt đẹp với các nước EU và đã ký Hiệp định EVFTA với EU, nhưng Việt Nam chưa khai thác hiệu quả những lợi thế này để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường EU. Trong khi đó, các nước ngay trong khu vực ASEAN như Singapore đã tham gia ký kết FTA với EU từ năm 2014 và các nước khác trong khu vực có thế mạnh xuất khẩu hàng nông sản gần giống Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines… gần đây cũng đã tăng cường các cuộc đàm phán để có những thỏa thuận thương mại riêng với EU. Trong bối cảnh có nhiều FTA mới sẽ được EU ký kết với các nước xuất khẩu hàng nông sản cạnh tranh ngay trong khu vực ASEAN, Việt Nam sẽ càng gặp khó khăn và bất lợi trong đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường EU.  

Thứ tư, từ góc độ mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa đến từ các nước đối tác FTA thông qua việc loại bỏ phần lớn thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu, trong khi các rào cản bảo hộ phi thuế quan chưa được sử dụng hiệu quả, Việt Nam sẽ không còn khái niệm “sân nhà”, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa.

Thực trạng sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam cho thấy, nông nghiệp Việt Nam vẫn trong tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, rất ít các cánh đồng, trang trại lớn để có thể sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo đồng nhất về chất lượng. Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam tuy chiếm đến 80% dân số nhưng năng suất không cao, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm cũng còn rất hạn chế, sản phẩm sản xuất chưa đáp ứng tốt các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sức khỏe con người, động thực vật, các tiêu chuẩn về lao động và môi trường... Ngoài ra, hệ thống, hình thức thu gom, phân phối nông sản của Việt Nam còn mang tính cá biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, nhân lực chưa được đào tạo, cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics yếu kém. Với những điều kiện sản xuất, chế biến và thương mại như vậy, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam khó có thể tận dụng và khai thác các cơ hội về miễn giảm thuế quan, quy tắc xuất xứ và các ưu đãi theo hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thị phần, trong khi việc thực hiện mở cửa thị trường cho hàng nhập khẩu theo cam kết sẽ dẫn đến cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường nội địa và các doanh nghiệp Việt Nam, vốn yếu thế về nhiều mặt so với doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn hơn.       

Thứ năm, sự phát triển mạnh mẽ và làn sóng công nghiệp từ Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt trên các thị trường xuất khẩu và ngay trên thị trường nội địa, đồng thời tác động theo hướng tiêu cực đến sự dịch chuyển cơ cấu ngành - sản phẩm của Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển lên các vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị đồng nghĩa với việc dịch chuyển các khâu giá trị thấp trong chuỗi sang các nước khác, đặc biệt, những nước có trình độ phát triển tương đương hoặc yếu hơn và là láng giềng của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất, trong đó có các nước thành viên ASEAN và nhất là Việt Nam sẽ là điểm đến thuận lợi cho sự dịch chuyển này của Trung Quốc. Nếu kéo dài xu hướng bất lợi này, không loại trừ khả năng cố định hóa quan hệ thương mại và đầu tư theo kiểu Bắc - Nam giữa Trung Quốc và Việt Nam, Việt Nam sẽ bị rơi vào bẫy thu nhập thấp và tiếp tục tồn tại như một nền kinh tế phụ thuộc và nhập siêu từ Trung Quốc, nằm ở đẳng cấp thấp hơn so với Trung Quốc. 

Thứ sáu, xu hướng dịch chuyển các chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu sang những quốc gia có đội ngũ lao động chất lượng cao, được đào tạo chuyên nghiệp và có kỹ năng (như Ấn Độ) sẽ là thách thức đối với Việt Nam trong việc thu hút và giữ chân TNCs đến từ các nước công nghiệp phát triển, cũng như trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời hạn chế tình trạng lao động có kỹ năng, tay nghề cao chuyển sang các nước trong khu vực ngày một tăng.

Dự báo, Việt Nam sẽ không còn khả năng duy trì lâu lợi thế về lao động giá rẻ, trong khi nhu cầu lao động có kỹ năng không ngừng tăng. Chúng ta đang đứng trước vấn đề là các lao động tốt sẽ tìm cơ hội việc làm ở nước ngoài với mức lương cao hơn trong nước, còn các công việc tốt trong nước cũng sẽ rơi vào tay các lao động lành nghề nước ngoài với lợi thế về ngoại ngữ và tính chuyên nghiệp. Hơn nữa, nếu Việt Nam không thu hút được các công ty đa quốc gia từ các nước công nghiệp phát triển để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, đảm nhận các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi như thiết kế, chế tạo, phân phối sản phẩm thì tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn sẽ gia tăng.

Tóm lại, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và xu thế tất yếu của việc thực thi các Hiệp định FTA thế hệ mới, cũng như tăng cường liên kết sản xuất, phát triển mạnh mẽ mạng lưới phân phối và các chuỗi cung ứng hàng hóa khu vực và toàn cầu sẽ có những tác động sâu sắc và đa chiều đến mọi mặt kinh tế, xã hội, tạo ra những cơ hội to lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm, đồng thời cơ hội luôn đi kèm những thách thức, cơ hội đối với quốc gia này, một ngành hay doanh nghiệp này có thể sẽ là thách thức của quốc gia khác, ngành hay doanh nghiệp khác và ngược lại. Do vậy, nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành nông nghiệp nói riêng cần có sự chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng đón nhận những cơ hội và chủ động đối phó với các thách thức hội nhập lớn từ những Hiệp định FTA sâu rộng nhất từ trước tới nay này.

  1. 2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH NHẰM PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI HÀNG NÔNG SẢN CỦA VIỆT NAM

2.1. Giải pháp về tạo nguồn cung cho xuất khẩu

Quyết định 879/QĐ-TTg ngày 9/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính được chính phủ Việt Nam lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, Việt Nam ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản. Đồng thời, ưu tiên sản phẩm chế biến xuất khẩu có tính cạnh tranh cao, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản Việt Nam. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, tăng kim ngạch xuất khẩu trong điều kiện các nguồn lực nông nghiệp đã đạt tới giới hạn tăng trưởng. Để thực hiện được mục tiêu đó cần:

+ Xây dựng và giám sát tuân thủ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp tại mỗi địa phương, có chính sách tích tụ ruộng đất nhằm xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh lớn, bên cạnh chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến, coi đây là giải pháp giúp ổn định nguồn cung hàng hóa quanh năm, đảm bảo chất lượng và nâng cao GTGT cho hàng nông sản xuất khẩu.

+ Xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, tổ chức lại sản xuất theo hướng tạo ra những vùng chuyên canh, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ nông nghiệp. Để tạo điều kiện hình thành những vùng chuyên canh, cần có những chính sách linh hoạt về đất đai, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho phép người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh có quy mô lớn.

+ Tạo lập chuỗi giá trị hàng nông sản, thực phẩm, tăng cường liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp chế biến và phân phối sản phẩm.

+ Khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đủ tiêu chuẩn cho công nghiệp chế biến. Hình thành các tổ chức có đủ năng lực đánh giá, kiểm tra chất lượng sản phẩm, các trung tâm giao dịch giữa nhà sản xuất và đơn vị xuất khẩu…

+ Trên cơ sở tính đến thời vụ của các nước, khi thời vụ của các nước nhập khẩu không sản xuất được thì tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu nhập khẩu và ngược lại giảm nguồn cung theo giải pháp trồng rải vụ. Mặt khác, việc chuyển đổi cây trồng, đặc biệt là các loại giống rau, hoa quả trên đất lúa canh tác kém hiệu quả cũng là hướng đi mới, qua đó giúp các địa phương mở rộng vùng chuyên canh rau an toàn, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời tạo thêm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

2.2. Giải pháp về tăng cường năng lực cạnh tranh

Chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm là vấn đề hết sức quan trọng nhằm tạo bước đột phá về tăng trưởng xuất khẩu. Nền kinh tế Việt Nam phải luôn chứng minh được lợi thế cạnh tranh và khả năng tồn tại trong “chuỗi giá trị”, khẳng định được vị thế vững chắc trong mạng sản xuất, phân phối và các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Chú trọng tạo ra lợi thế động để cạnh tranh thắng lợi, tức là lợi thế dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ hiện đại. Trong một thế giới biến đổi nhanh, việc dựa quá lâu vào lợi thế "tĩnh" hay lợi thế về nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và lao động rẻ, chất lượng thấp luôn chứa đựng nguy cơ thất bại trong cuộc cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt. Dựa lâu vào lợi thế “tĩnh” nghĩa là chậm leo lên các nấc thang công nghệ cao hơn, chấp nhận phần giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, như vậy có nghĩa là đứng trước nguy cơ bị loại khỏi quy trình sản xuất toàn cầu.

+ Xây dựng các chính sách phù hợp nhằm chuyển dịch hợp lý cơ cấu sản phẩm nông sản xuất khẩu theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, nâng cao chất lượng và tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu và thói quen, sở thích tiêu dùng trên các thị trường nhập khẩu.

+ Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản xuất khẩu bằng chất lượng và giá trị thay cho cạnh tranh bằng giá. Việc nhanh chóng ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ của thời đại, khai thác những nguồn lực bên ngoài, trong đó đặc biệt là nguồn vốn, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng yếu để thực hiện CNH, HĐH đất nước. Trong đó, doanh nghiệp phải là trung tâm của đổi mới công nghệ, Nhà nước cần làm tốt công tác định hướng cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế cho CNH ngành nông nghiệp, coi đó là yếu tố quyết định trực tiếp đến chất lượng phát triển CNH hiện đại.

+ Phát triển vận chuyển bền vững là yếu tố quan trọng để năng cao năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu. Với khoảng cách địa lý xa xôi với các thị trường nhập khẩu khu vực EU hay Hoa Kỳ, hàng nông sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển, bảo quản, đặc biệt là quá trình bảo quản sau thu hoạch. Vì vậy, để đáp ứng được các yêu cầu trên, cần hiện đại hóa khâu thu hoạch, bảo quản và vận chuyển nông sản, thực phẩm. Nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến trong bảo quản, vận chuyển hàng tươi sống bằng đường biển thay vì đường hàng không hiện nay có thể sẽ giảm đáng kể chi phí, giúp tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản của Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu.

+ Việc xây dựng thương hiệu nông sản cũng phải chú trọng đầu tư toàn diện, có chiến lược phát triển lâu dài và sự kết hợp đồng bộ của tất cả các khâu từ việc lựa chọn giống, trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nông, nhà khoa học, nhà truyền thông, doanh nghiệp và Nhà nước. Thêm vào đó, Việt Nam cần xác định được ưu thế của những nông sản mũi nhọn ở từng khu vực, từng thị trường để phát huy thế mạnh và lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.

+ Xây dựng hình ảnh sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam thông qua việc nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, công bằng xã hội và tích cực quảng bá hình ảnh của sản phẩm gắn với đặc tính "an toàn" và "thân thiện môi trường" trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng hàng nông sản xuất khẩu.

2.3. Giải pháp nâng cao khả năng đáp ứng các quy định về nhập khẩu

+ Trước hết, cần đồng bộ hóa các quy định của Việt Nam phù hợp theo các cam kết trong EVFTA và CPTPP vì thực tế cho thấy, việc thực thi thiếu hiệu quả những quy định hiện hành làm gia tăng nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm một cách không cần thiết. Ví dụ việc thiếu các quy định rõ ràng dẫn đến việc một số sản phẩm (ví dụ như chất potassium bromate) dù bị cấm sử dụng tại các quốc gia khác vẫn được sử dụng ở Việt Nam. Ngược lại, một số sản phẩm mặc dù có thể được sử dụng hợp pháp tại các quốc gia khác lại không thể nhập khẩu vào Việt Nam. Ví dụ, để mẫu mã đẹp hơn, trái cây trồng nội địa có thể được phủ một loại sáp từ châu Âu trước khi xuất khẩu. Loại sáp này được sử dụng hợp pháp trong Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, các giấy tờ cần thiết để Bộ Y tế phê duyệt nhập khẩu loại sáp này theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam lại không thể có được do các quốc gia thành viên EU không ban hành các giấy tờ trên. Điều này đồng nghĩa với việc Bộ Y tế sẽ không phê duyệt việc nhập khẩu loại sáp này và các loại hoa quả trồng trong nước để xuất khẩu sẽ kém hấp dẫn hơn so với các loại trái cây trồng tại các khu vực khác có sử dụng loại sáp trên. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU, có thể chấp nhận giấy Chứng nhận SPS do các quốc gia thành viên EU cấp nếu có mức độ bảo vệ sức khỏe tương đương (hoặc cao hơn) và không bắt buộc phải xét nghiệm lại.

+ Để đảm bảo đáp ứng được các quy định nhập khẩu về an toàn thực phẩm, cần tăng cường năng lực của hệ thống các phòng thí nghiệm, kiểm định, giám định chất lượng, đặc biệt liên quan đến việc thực hiện các cam kết SPS trong Hiệp định EVFTA và CPTPP.

+ Xây dựng chỉ dẫn địa lý Việt Nam và áp dụng chỉ dẫn địa lý thành công, theo đó (i) Cần tạo nguồn cung sản phẩm ổn định với những đặc trưng cụ thể/cần thiết; (ii) Hình thành các tổ chức hợp tác hữu hiệu để thực hiện các hoạt động xúc tiến, tiếp thị; (iii) Hợp tác chặt chẽ trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất trên cơ sở cung cấp thông tin, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.

+ Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, tức là hệ thống theo dõi và truy xuất giúp các doanh nghiệp và cơ quan chức năng định vị được vị trí của sản phẩm trong tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng. Thành lập tổ chức kết nối các nhà sản xuất thực phẩm có trách nhiệm, phát triển các mô hình thành công trong truy xuất nguồn gốc, cũng như chia sẻ giải pháp và kinh nghiệm để tăng cường khả năng đáp ứng các yêu cầu về nông sản, thực phẩm xuất khẩu.

+ Người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm tới mặt hàng nông sản có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận hữu cơ hoặc Fair trade (thương mại công bằng). Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường áp dụng Tiêu chuẩn hữu cơ PGS do Ban điều phối PGS soạn thảo tham chiếu theo các Tiêu chuẩn cơ bản của IFOAM và Tiêu chuẩn Quốc gia về sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, áp dụng cho người sản xuất bao gồm cả trồng trọt và chăn nuôi. Những tiêu chuẩn này tạo điều kiện cho PGS Việt Nam cung cấp dịch vụ chứng nhận cho các sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi hữu cơ từ sản xuất đến phân phối tới tay người tiêu dùng.

2.4. Giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài

Lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm hiện có rất nhiều tiềm năng phát triển với nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn cả trong và ngoài nước. Các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP mở ra những cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, mở rộng cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp…, vấn đề là cần biến các cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài từ các FTA thành hiện thực nhằm phát triển xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam, cụ thể:

+ Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, rõ ràng, bình đẳng và minh bạch để thu hút dòng vốn FDI từ các công ty xuyên quốc gia (TNCs) của các nước phát triển đã ký kết thực hiện FTA với Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực phân phối tại Việt Nam, qua đó tăng khả năng tiếp nhận và ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu hơn ở các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng nông sản toàn cầu. Thúc đẩy các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối tham gia đầu tư sản xuất, chế biến để xuất khẩu hàng nông sản vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

+ Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thể chế, cải cách chính sách, pháp luật sau đường biên giới, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế. Có chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phù hợp đặc biệt là đối với lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường và dành ưu tiên cho việc tăng cường các mối liên kết, hợp tác, từ phát triển vùng nguyên liệu nông sản quy mô lớn, đến công nghiệp chế biến, bảo quản, phân phối, logistics...

+ Tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, kết nối sản xuất, chế biến với vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ, xuất khẩu qua hình thức liên doanh liên kết, đảm bảo kết nối kênh phân phối, tiêu thụ thông qua tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu khu vực và toàn cầu.

2.5. Giải pháp về thông tin, xúc tiến thương mại, tham gia trực tiếp vào các kênh phân phối hàng nông sản ở nước ngoài

+ Từ góc độ thực thi các cam kết FTA, nhất là để chuẩn bị các điều kiện thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, các cơ quan Nhà nước cần cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các FTA, đặc biệt khi việc đàm phán hoàn tất và trong quá trình chuẩn bị trước khi thực thi, trong đó các thông tin cung cấp cần cụ thể, dễ hiểu và dễ dàng tiếp cận đối với doanh nghiệp.

+ Các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm hiểu về các thông tin này, cũng như có hành động tương ứng nhằm xây dựng kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp trong thế liên kết với các doanh nghiệp khác theo chuỗi giá trị, với các hành động chuẩn bị cụ thể để đón đầu các cơ hội, cũng như vượt qua thách thức ngay khi các FTA có hiệu lực.

+ Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và chương trình thương hiệu quốc gia, tăng cường kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu hàng nông sản thông qua việc điều tra thị trường, nghiên cứu kỹ đối thủ cạnh tranh sở tại, cũng như nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài, tạo điều kiện để hàng nông sản Việt Nam thâm nhập sâu trong các chuỗi cung ứng cuối cùng ở các thị trường xuất khẩu. Đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quy mô lớn, xây dựng các trung tâm thương mại ở nước ngoài, tổ chức hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài, tài trợ các chương trình quảng cáo, truyền thông trên quy mô toàn cầu nhằm quảng bá sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng nông sản Việt Nam.

+ Các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại hàng nông sản để quảng bá và ký kết các hợp đồng tiêu thụ với đối tác nước ngoài, từ đó tìm cơ hội tham gia trực tiếp các kênh phân phối hàng nông sản ở nước ngoài. Để hiện thực hóa các cơ hội và nắm bắt được xu hướng dịch chuyển các nhân tố sản xuất như vốn đầu tư, lao động chất lượng cao và chuyển giao công nghệ hiện đại từ các nước công nghiệp phát triển vào Việt Nam, khẳng định được vị thế trong hệ thống phân công lao động và chuỗi giá trị toàn cầu, cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt “Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020” theo Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.