Thương mại số: Kiến nghị chính sách đối với Việt Nam

14:23 - 01/11/2021

ThS. Đỗ Quốc Hưng

Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương

(Bài viết đăng trên Tạp chí in số 62(T7/2021))

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động sâu rộng và mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, đặt ra các thách thức lớn đối với tất cả các nền kinh tế, trong đó có Ngành thương mại. Các phương thức mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ được thực hiện nhanh chóng và thuận tiện hơn với sự hỗ trợ của công nghệ số, vượt ra ngoài phạm vi biên giới quốc gia. Thương mại dựa trên nền tảng công nghệ số, hay còn gọi là thương mại số, đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu của tương lai. Các quốc gia trên thế giới hiện đang điều chỉnh chiến lược, chính sách phù hợp với những xu hướng và tác động của kỷ nguyên số, trong đó có thương mại số. Đối với Việt Nam, việc tranh thủ cơ hội và vượt qua thách thức từ kỷ nguyên số sẽ góp phần thực hiện chủ trương tích cực, chủ động, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Với cách tiếp cận trên, bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề cơ bản của thương mại số và đề xuất một số kiến nghị chính sách đối với Việt Nam trong quản lý hoạt động này.

Từ khóa: Chính sách thương mại; Cách mạng công nghiệp 4.0; Nền tảng số; Thương mại điện tử; Thương mại số.

  1. Tổng quan về thương mại số

Thương mại số, xét về nội hàm không phải là một khái niệm mới. Các giao dịch thương mại được thực hiện với sự hỗ trợ của công nghệ số đã xuất hiện rất nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và xu hướng chuyển đổi số, quy mô, số lượng các giao dịch thương mại và sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh thương mại mới liên quan đến công nghệ số đã và đang làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và người dân về thương mại trên nền tảng số. Bên cạnh các loại hình thương mại khác, thương mại số đã phát triển nhanh chóng, ngày càng được quan tâm trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Khi đề cập đến khái niệm thương mại số, cần làm rõ thuật ngữ được dùng phổ biến hiện nay là thương mại điện tử. Đó là“việc tiến hành một phần hay toàn bộ hoạt động kinh doanh bằng các phương tiện điện tử”. Trên thực tế, thương mại điện tử chính là việc mua bán sản phẩm hay dịch vụ thông qua internet và các phương tiện điện tử. Các giao dịch này bao gồm tất cả các hoạt động như: giao dịch, mua bán, thanh toán, đặt hàng, quảng cáo và giao hàng trong và ngoài nước.

Cho đến nay, chưa có một khái niệm nào về thương mại số được công nhận chính thức, nhưng một số tổ chức nghiên cứu về lĩnh vực này có chung nhận định rằng thương mại số bao gồm các giao dịch thương mại hàng hóa, dịch vụ được cung cấp trên môi trường số hoặc cung cấp theo hình thức truyền thống, nhưng được thực hiện với sự hỗ trợ của công nghệ số. Có thể hiểu một cách chung nhất, “Thương mại số là việc chuyển dữ liệu, sản phẩm hoặc dịch vụ bằng phương tiện điện tử, phổ biến là Internet” (Emily Benson, 2019). Thương mại số đóng vai trò quan trọng trong thương mại điện tử thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua, bán và cung cấp hàng hóa và dịch vụ thực tế. Như vậy, thương mại điện tử và thương mại số có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhưng tùy thuộc vào mục đích riêng, người ta sử dụng thuật ngữ này trong các hoạt động cụ thể liên quan đến từng tổ chức, lĩnh vực hoạt động.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và các giải pháp an toàn, bảo mật thông tin trên mạng, hầu hết các quy trình cơ bản của hoạt động thương mại như giao dịch, tiếp thị, quảng cáo, đàm phán, ký kết hợp đồng, thanh toán, theo dõi giao hàng... đều có thể thực hiện nhanh chóng và an toàn bằng hình thức trao đổi điện tử trên mạng. Thương mại số sẽ trở thành hình thức chủ yếu của thương mại toàn cầu trong thời gian tới, đặc biệt là sự phát triển của hình thức này trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua. 

Thương mại số có 3 thành tố quan trọng: thương mại đối với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (phần mềm, sách điện tử), thương mại điện tử xuyên biên giới và lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới.

Thương mại số được thực hiện thông qua công nghệ số nhưng sản phẩm, dịch vụ trong thương mại số lại được vận chuyển trực tiếp đến khách hàng hoặc được cung cấp thông qua các nền tảng điện tử. Thương mại số có thể là giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B), cũng có thể là giao dịch giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C). Mọi giao dịch đều dựa trên nền tảng cơ bản là dữ liệu (data) – được coi là mạch máu của thương mại số.

Thương mại số mang lại nhiều hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: giảm chi phí giao dịch, tối ưu hóa quy trình xuất khẩu và tiếp cận khách hàng quốc tế một cách trực tiếp; giảm thiểu những khoản đầu tư vào cửa hàng truyền thống, chi phí tìm kiếm và tiếp cận khách hàng mới, cũng như thu hút khách hàng truy cập các trang web của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thương mại số tạo điều kiện cho các nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cải thiện tiếp cận và mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp tham gia thương mại số cũng có được lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh lớn hơn rất nhiều so với các hình thức thương mại được biết đến hiện nay.

  1. Một số vấn đề đặt ra trong quản lý nhà nước đối với thương mại số

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với những thách thức trong việc xây dựng khung khổ pháp lý, thể chế để điều chỉnh các quan hệ tham gia thương mại số, vừa để đảm bảo thương mại số vận hành thông suốt, vừa đảm bảo các cơ hội, lợi ích của thương mại số được thực hiện và chia sẻ một cách hài hòa. Cụ thể:

Thứ nhất, các quy tắc thương mại quốc tế, được thiết lập trước khi có thương mại số, cần phải được điều chỉnh và điều chỉnh như thế nào để thúc đẩy thương mại trong kỷ nguyên số?

Thứ hai, các quy tắc thương mại truyền thống tập trung vào xác định xem sản phẩm là hàng hóa hay dịch vụ và phạm vi địa lý của hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, công nghệ số và các mô hình kinh doanh mới đã xóa mờ sự phân biệt hàng hóa, dịch vụ và xuất xứ của sản phẩm. Ví dụ, với một bản in 3D được làm ở một nước, sản phẩm được in ra và giao hàng ở một nước khác. Vậy tại thời điểm tiêu dùng, đây là hàng hóa hay là dịch vụ và quy tắc thương mại hàng hóa hay quy tắc thương mại dịch vụ sẽ được áp dụng?

Thứ ba, chính phủ các nước sẽ quản lý thuế đối với các giao dịch thương mại số như thế nào? Đây là vấn đề đang được tranh cãi và chưa đi đến thống nhất. Trong khi các nước phát triển ủng hộ không đánh thuế đối với thương mại số, các nước đang phát triển như Ấn Độ, Nam Phi… cho rằng việc không đánh thuế đối với thương mại số sẽ dẫn đến thất thu thuế và giúp các nước phát triển chiếm lĩnh thị trường thương mại số nhờ lợi thế về công nghệ.

Thứ tư, trong vấn đề lưu chuyển dữ liệu, các nước đều tìm cách đạt được các mục tiêu như bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ quyền tự do và an ninh cá nhân trong khi vẫn đảm bảo lợi ích của việc lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới.

Thứ năm, trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các nước cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân và công ty thương mại số và cùng lúc cũng phải bảo đảm giám sát và truy cứu trách nhiệm được đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ sáu, các nước cũng phải tìm cách quản lý sử dụng internet để vừa ngăn chặn nội dung xấu độc, bảo vệ được người dùng (ví dụ như các nội dung bôi xấu, sai sự thật hoặc vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục của mỗi quốc gia), bảo vệ các quyền cơ bản như tự do tiếp cận thông tin, khuyến khích tăng trưởng kinh tế và tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Trong nỗ lực hợp tác giữa các nước trong quản lý thương mại số, cuối năm 1990, một số nước thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới cũng đã bắt đầu thảo luận về quy tắc quản lý thương mại số, tuy nhiên chỉ tập trung vào khía cạnh thương mại điện tử. Tuy nhiên, sau những bế tắc của vòng đàm phán Doha, các nước WTO đã có những cách tiếp cận khác nhau như đàm phán theo từng nhóm nước hoặc đàm phán song phương. Năm 2013, Hoa Kỳ dẫn đầu nhóm 23 nước đàm phán về Hiệp định Thương mại dịch vụ nhưng sau đó cũng đi vào bế tắc. Từ năm 2019, một nhóm 86 nước WTO đã đàm phán Sáng kiến chung về thương mại điện tử, bao gồm các lĩnh vực như lưu chuyển dữ liệu, thư điện tử không mong muốn (spam), mã nguồn, chữ ký và xác thực điện tử, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, v.v…

Hoa Kỳ là nước đi đầu trong việc thiết lập các quy tắc cho thương mại số trong các Hiệp định Thương mại tự do với các nước như Nhật Bản, Canada, Mexico, Úc, Bahrain, Chile, Morocco, Oman, Peru, Singapore, Panama, Colombia và Hàn Quốc,... Trong các Hiệp định này, Hoa Kỳ và các đối tác cam kết áp dụng các quy tắc thương mại số cao hơn các tiêu chuẩn, quy định của WTO. Thông qua các Hiệp định này, Hoa Kỳ vừa muốn tạo khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý thương mại số với các nước đối tác, vừa tạo tiền lệ và tiêu chuẩn cho đàm phán quy tắc thương mại số trên phạm vi toàn thế giới sau này.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tại cuộc họp bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 53 theo hình thức trực tuyến vào tháng 9/2021, các bộ trưởng đã cam kết xây dựng nền tảng cho một nền kinh tế số ASEAN, trong đó có thương mại số nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế khu vực sau đại dịch và nâng cao khả năng cạnh tranh của khối trong trung và dài hạn. Trụ cột chính của nền tảng này là Hiệp định khung kinh tế số ASEAN (DEFA), thiết lập những quy tắc thương mại và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ giữa các hệ thống số của 2 nền kinh tế trở lên. Hiệp định này cũng hỗ trợ những dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền người tiêu dùng đồng thời thúc đẩy cải tiến và hợp tác trong những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo.

Trong khuôn khổ hợp tác song phương, ngày 21/6/2021, Việt Nam và Singapore đã nhất trí thành lập nhóm công tác kỹ thuật chung về Đối tác kỹ thuật số, xem xét khả năng đàm phán ký kết Hiệp định thương mại số song phương. Sáng kiến ​​này diễn ra ngay trước thềm Đối thoại chính sách cấp cao của Hội nghị Á -Âu (ASEM), cho thấy tầm quan trọng của sáng kiến này đối với chương trình nghị sự chính trị của cả hai nước. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là các vấn đề về chênh lệch trình độ phát triển thương mại số và công nghệ, các tiêu chuẩn kỹ thuật số và lợi ích thu được, thành công của hiệp định phụ thuộc rất nhiều vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thương mại số của Việt Nam để tận dụng cơ hội từ Hiệp định được kỳ vọng này.

  1. Kiến nghị chính sách đối với Việt Nam

Thứ nhất, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tự động hóa trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; tăng cường an toàn, an ninh mạng phù hợp với những yêu cầu của thời kỳ kinh tế số.

Thứ hai, nhanh chóng xây dựng khung khổ pháp lý tổng thể quản lý thương mại số trong đó tập trung vào một số nguyên tắc như sau: (i) Đảm bảo tính minh bạch của thông tin và tiếp cận thông tin; (ii) Đảm bảo sự không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm số với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ truyền thống; (iii) Tránh các biện pháp mang tính hạn chế thương mại số, cân bằng giữa mục tiêu quản lý thương mại số với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của thương mại số; (iv) Đảm bảo tự do lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới đồng thời có các biện pháp đảm bảo tính giải trình, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu (ví dụ yêu cầu đặt máy chủ ở Việt Nam).

Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý về quản lý và đảm bảo nghĩa vụ đóng thuế tử hoạt động thương mại số nhằm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước; tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng như chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, làm đòn bẩy phát triển thương mại số để gắn trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới. 

Thứ tư, chủ động xây dựng đề án đàm phán và triển khai đàm phán Hiệp định Thương mại số với một số đối tác chính trong khu vực và trên thế giới.

Thứ năm, tăng cường hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp để vận dụng nền tảng công nghệ, nhằm kết nối quản lý nhà nước về thương mại số đối với doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực thương mại sô, giải pháp thương mại số; hỗ trợ tích hợp giải pháp thanh toán trực tuyến; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với thương mại số./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Emily Benson (2019), “E-Commerce vs. Digital Trade”, The Bertelsmann Foundation, Washington DC, The US.
  2. Ling Tong (2021), “Vietnam, Singapore begin negotiations on Digital Trade”, The Diplomat.
  3. Mỹ Phương (2021), “Phát triển hạ tầng thương mại số: Chiến lược tái cấu trúc thị phần”, Thông tấn xã Việt Nam.
  4. Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem)  (2019),“Cách mạng dữ liệu: Thương mại trên nền tảng số và cơ hội cho Việt Nam”, Báo cáo hội thảo, Hà Nội.
  5. Vũ Khuê (2021), “Phát triển thương mại trong nước dựa trên nền tảng số hóa”, Vneconomy.com (5/07/2021)