Chính sách phát triển điện mặt trời của một số nước và Việt Nam

13:35 - 03/03/2021

 

Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế  - xã hội ngày một gia tăng, đây chính là thách thức rất lớn cho ngành điện trong bối cảnh nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước như  than đá, dầu khí…. đang cạn kiệt không đủ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, thì việc phát triển điện mặt trời (ĐMT) nói chun

 

1.Giới thiệu

Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhu cầu sử dụng điện ngày càng nhiều, gây áp lực rất lớn cho ngành Điện. Trong khi nguồn thủy điện gần như  khai thác hết, phát triển nhiệt điện than mới cũng không được sự đồng thuận của công chúng và cơ quan địa phương, dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm dừng, thì phát triển nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo là một xu hướng tất yếu, phát triển điện mặt trời đặc biệt là điện mặt trời mái nhà đang là một vấn đề “nóng” không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Chính vì vậy, để phát triển điện mặt trời thì việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển, đi trước  là  điều cần thiết trong việc xây dựng chính sách và rút ra bài học thành công cho Việt Nam trong việc phát triển điện mặt trời một cách đúng hướng, hiệu quả và bền vững.

2.Nhìn lại những nước đã phát triển ĐMT như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Trung Quốc:Trước tiên, phải nhìn vào kinh nghiệm phát triển năng lượng sạch của Trung Quốc, nền kinh tế lớn đứng thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) cho thấy, từ chỗ Trung Quốc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt,… đến nay Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về sản xuất năng lượng sạch - đặc biệt là năng lượng mặt trời.

Tính đến năm 2019, Trung Quốc sở hữu 6 trong 10 công ty sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, vào năm 2018, Trung Quốc là đất nước đầu tiên lắp đặt hơn 100 gigawatt (GW) công suất năng lượng mặt trời. Chính phủ Trung Quốc đã ưu tiên đầu tư vào năng lượng mặt trời vì nó cho phép quốc gia này trực tiếp giải quyết những vấn đề về ô nhiễm không khí, thay đổi khí hậu và an ninh năng lượng, và các lợi ích liên quan đến tài chính và môi trường. Hơn nữa, để đáp ứng các cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Trung Quốc buộc phải tăng tỷ lệ năng lượng mặt trời trong năng lượng tổng hợp từ 2,3% năm 2015 lên 20% vào năm 2030. Điều này sẽ giảm bớt nhu cầu về  xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt mới.

Để có thể đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã thông qua các kế hoạch toàn quốc nghiêm ngặt. Chương trình Ánh sáng (Brightness Program) được đưa ra vào năm 1996. Chương trình này được xem là chính sách quốc gia đầu tiên của Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời và gió.Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã chuyển sang tập trung vào sản xuất điện để xuất khẩu, một phần là nhờ nguồn tài trợ từ châu Âu trong việc lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cung cấp các gói tín dụng, tạo cơ chế tài chính cho việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cũng như lập các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại một số công ty lớn của nhà nước. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng khuyến khích việc chuyển giao công nghệ, việc chuyển giao này chủ yếu thông qua việc mua thiết bị sản xuất từ các nước công nghiệp phát triển.Với những nỗ lực đó, Trung Quốc bước đầu đã thành công trong ngành công nghiệp sản xuất điện từ các nguồn năng lượng sạch. Từ năm 2000 đến 2006, khoảng 95% mô-đun quang điện mặt trời do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các khoản trợ cấp châu Âu đã sụt giảm và đây chính là cơ hội cho Trung Quốc, giúp quốc gia này tạo ra một thị trường nội địa khổng lồ đối với các tấm pin năng lượng mặt trời.

Vào tháng 7/2009, Bộ Tài chính Trung Quốc đã giới thiệu “Dự án mặt trời vàng- Golden Sun” với nhiều chi tiết cụ thể của chính sách liên quan. Chính sách này cung cấp điện năng cho lưới điện quốc gia từ các dự án quang điện thế hệ mới.

Về nguyên tắc, nhà nước sẽ cho quyền nối lưới và hỗ trợ truyền tải, phân phối điện từ các dự án quang điện thế hệ mới. Nhà nước cung cấp các khoản trợ cấp tương đương 50% tổng vốn đầu tư cho các dự án trong đô thị. Mức trợ cấp sẽ tăng tới 70% cho các hệ thống quang điện ở vùng sâu, vùng xa chưa kết nối với lưới điện.

Nhằm bình ổn giá điện, Cơ quan năng lượng quốc gia Trung Quốc đã công khai đấu thầu các dự án năng lượng mặt trời trên một số trang Web của Chính phủ. Điều này đã tạo ra một thị trường cạnh tranh khốc liệt, giúp giảm giá bán điện xuống tới 0,45 nhân dân tệ (0,06 USD) mỗi kilowatt giờ (kWh) - mức giá gần với mức giá đối với bán điện từ các nhà máy nhiệt điện than.

Hàn Quốc: Năng lượng tái tạo (NLTT) tại Hàn Quốc được tập trung phát triển chủ yếu là điện mặt trời chiếm tỷ lệ khoảng 85%, còn lại là gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Hàn Quốc bắt đầu xây dựng và phát triển các chính sách về NLTT từ năm 1987 với việc ban hành đạo luật khuyến khích phát triển các nguồn NLTT. Đến năm 2002, cơ chế giá điện FIT(feed-in-tariff) cho điện gió lần đầu tiên tại Hàn Quốc với giá không đổi trong 5 năm đầu tiên (107.66 KRW/kWh). Đến năm 2003, gia hạn thời gian áp dụng FIT cho điện gió và mặt trời từ 5 năm lên 15 năm. Năm 2010, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định thay thế cơ chế giá điện FIT bằng cơ chế tiêu chuẩn danh mục đầu tư năng lượng tái tạo - RPS (Renewable Portfolio Standard) và đưa ra lộ trình áp dụng từ cuối năm 2012.

Ngoài cơ chế RPS, REC (Chứng chỉ năng lượng tái tạo - REC-Renewable Energy Certificate). Hàn Quốc triển khai các chính sách/chương trình khác để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như: i) Chương trình sử dụng năng lượng tái tạo bắt buộc tại các toà nhà công cộng, vào năm 2020 tỷ lệ sử dụng điện từ NLTT là 30%; (ii) Các chương trình trợ cấp ưu đãi cho các hộ gia đình theo vùng miền,  năm 2020 sẽ hỗ trợ khoảng 700.000 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời; (iii) Chương trình thử nghiệm hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các làng nghề nông nghiệp, phấn đấu có 400.000 hộ gia đình được lắp đặt đến năm 2030.

Nhật Bản: Ngay từ  năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà sử dụng năng lượng tái tạo với thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, trong đó, cho những gia đình cải tạo nhà, chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời được vay số tiền tối đa lên đến 5 triệu Yên, tương đương gần 5.000 USD. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường và giảm giá bán các tấm pin năng lượng mặt trời.

Tháng 8/2011, Nhật Bản đã ban hành Luật Trợ giá (FiT) mua năng lượng tái tạo, khuyến kích người dân tự sản xuất điện mặt trời tại nhà và từ đó xây dựng các trung tâm điện mặt trời lớn, tập trung. Luật FiT cho phép hỗ trợ giá điện sản xuất từ năng lượng mặt trời khi các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư .

Cụ thể, Chính phủ mua điện sản xuất từ năng lượng mặt trời với giá cao hơn giá thị trường, khoảng 40 Yên/kWp (Kilowatt-peak) cho các dự án có công suất 10 kW trở lên. Đối với các dự án công suất <10 kW, giá mua là khoảng 42 Yên/kWp.Chỉ riêng năm 2016, Chính phủ Nhật Bản dành khoảng 2,3 nghìn tỉ Yên (tương đương 20,5 tỉ USD) hỗ trợ việc mua lại điện mặt trời với giá cao.

Nhật Bản cũng khuyến khích chính quyền các địa phương cùng tham gia các dự án điện mặt trời. Theo báo cáo của Tổ chức phi lợi nhuận “Mạng lưới chủ sở hữu điện mặt trời ở Nhật Bản”, tính đến tháng 7/2013 đã có 277 cơ quan hành chính các cấp ở Nhật Bản (chiếm 15% số lượng cơ quan hành chính của quốc gia này) thực hiện hoặc đồng ý “cho thuê mái nhà” các công trình công cộng, lắp đặt hệ thống pin mặt trời.

Tháng 4/2017, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) giới thiệu đạo luật FiT mới (sửa đổi), trong đó, giảm thuế từ 21 đến 30 Yên/kWp điện tái tạo, tùy thuộc vào quy mô hệ thống. Điều này đã khuyến khích đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. 

Chính sách hấp dẫn của Chính phủ Nhật Bản đã thu hút một số lượng lớn các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo, trong đó phổ biến nhất là năng lượng mặt trời. Từ năm 2011 đến năm 2014, công suất lắp đặt điện mặt trời tại Nhật Bản tăng mạnh từ 5.000 MW lên 25.000 MW. Đến nay, đã có khoảng 2,4 triệu khách hàng (bao gồm hộ gia đình, doanh nghiệp…) lắp đặt điện mặt trời mái nhà ở Nhật Bản. 

Trong số các dự án điện mặt trời, 80% là quy mô nhỏ, chủ yếu là công trình lắp đặt trên mái nhà. Hệ thống điện mặt trời mái nhà có nhiều ưu điểm như giảm được tiền thuê đất, không cần thiết phải kí hợp đồng tiêu thụ điện với các công ty điện lực địa phương… Những khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà khi không sử dụng hết số lượng điện sản xuất ra, có thể bán cho các công ty điện với mức giá ưu đãi. 

Còn các dự án điện mặt trời ở Nhật Bản có quy mô lớn chỉ chiếm 20% vì gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất nông nghiệp, khó khăn trong việc hòa lưới điện mặt trời vào lưới điện quốc gia...

Tháng 7/2018, Nhật Bản thông qua kế hoạch chiến lược phát triển năng lượng lần thứ 5 tầm nhìn đến năm 2030 và đến năm 2050. Theo đó, Nhật Bản đã định hướng phát triển năng lượng dựa trên nguyên lí 3 E+S, (Viết tắt của Safety - an toàn, Energy Sercurity - an ninh năng lượng, Enviroment - môi trường, Economic Effeciency - hiệu quả kinh tế). Nguyên lý này cho thấy, Nhật Bản đang hướng đến xác lập cơ cấu cung cầu năng lượng bền vững, giảm gánh nặng kinh tế và thân thiện với môi trường. 

Theo kế hoạch, Nhật Bản tiếp tục duy trì mục tiêu sử dụng đa dạng các nguồn năng lượng. Cụ thể, đến năm 2030, trong cơ cấu nguồn điện, năng lượng tái tạo chiếm từ 22-24%, nhiên liệu hóa thạch 56% và năng lượng hạt nhân từ 20-22%.

Ấn Độ: Cũng đã ban hành rất nhiều chính sách để hỗ trợ việc phát triển điện mặt trời mái nhà tại quốc gia này với tham vọng đạt được 100 GW điện mặt trời vào năm 2022, bao gồm 40 GW từ ĐMTMN.

Chính phủ Ấn Độ đã tổ chức đấu thầu mái nhà trên tất cả các bang để tạo ra thị trường phát triển cho ĐMTMN. Khoảng 2.032 MWp (MegaWatt-peak) công suất đã được phân bổ đến các địa phương, bao gồm 1.361 MW công suất thực đã được triển khai.

Bộ Năng lượng Mới và Tái tạo đã cung cấp 254 - 609 USD/KW trong khuôn khổ cơ chế khuyến khích cho các dự án ĐMTMN  được lắp đặt trên các toà nhà Chính phủ. Các dự án ĐMTMN tại Ấn Độ cũng nhận được sự hỗ trợ lớn về lãi suất, khoản hỗ trợ chi phí đầu tư trung ương (15%) chuẩn bị được thay thế bằng khoản vay có lãi suất thấp hơn (8,5%).

Thậm chí, Chính phủ Ấn Độ còn áp dụng cả thời kì miễn thuế dành cho các doanh nghiệp dựa trên lợi nhuận của các dự án ĐMT trong thời hạn 10 năm liên tiếp trong vòng 15 năm đầu tiên dự án bắt đầu. Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng bang và các bang đã triển khai quy định về cơ chế bù trừ nhằm tích trữ điện năng thừa trên mức tiêu thụ.

  1. Đến các nước trong khu vực ASEAN

Không chỉ ở các quốc gia trên mới nhận thức được vai trò quan trọng của phát triển năng lượng xanh, sạch quyết định đến an ninh năng lượng toàn cầu mà tại khu vực ASEAN, phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo luôn là vấn đề cấp thiết của các quốc gia Đông - Nam Á, hướng tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN xanh và sạch. Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế ASEAN thời gian qua, nhu cầu sử dụng năng lượng của các quốc gia trong khu vực ngày càng lớn. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ năng lượng của ASEAN tăng 60% trong 15 năm qua. Bởi vậy, các quốc gia trong khu vực ASEAN cần nhanh chóng thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng sạch.

Đầu tiên phải nói đến Singapore, một quốc gia điển hình tích cực khuyến khích việc phát triển ĐMT. Năm 2016, Singapore đã đầu tư hơn 700 triệu đô la Mỹ cho các chương trình Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong khu vực công trong 5 năm tới nhằm tìm ra giải pháp bền vững cho đô thị. Nguồn kinh phí này dự kiến sẽ tăng cường năng lực đổi mới của Singapore trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, lưới điện thông minh và dự trữ năng lượng. Hiện, nước này đang thử nghiệm xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời trong đô thị và các trạm điện mặt trời nổi trên các hồ chứa, cũng như vận hành thử nghiệm một hệ thống lưới điện lưu trữ thu nhỏ khi các nguồn năng lượng tái tạo bị gián đoạn.

Tại Malaysia, chính sách tổng thể về phát triển năng lượng sạch đã tạo ra nền tảng vững chắc cho việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Chính sách về năng lượng mặt trời được quy định trong Đạo luật năng lượng tái tạo năm 2011 và được sửa đổi năm 2014 nhằm phù hợp với sự thay đổi của thị trường cũng như việc giảm giá các tấm pin năng lượng.

Ngoài ra, cơ chế thanh toán bù trừ (Metering Net - NEM) đã được đưa ra vào năm 2016 với mục tiêu đạt 500 MW điện mặt trời vào năm 2020 tại bán đảo Malaysia và Sabah. Theo đó, người tiêu dùng có thể  lắp pin mặt trời tạo ra điện năng cho gia đình và bán năng lượng dư thừa cho điện lưới quốc gia. Nhờ các chính sách hỗ trợ về giá, công suất lắp đặt pin mặt trời tại Malaysia đạt 1.356 MW vào năm 2020.

Indonesia cũng đã thông qua luật về năng lượng tái tạo vào đầu năm 2017, trong đó thay đổi mức thuế suất đối với các dự án năng lượng tái tạo. Theo luật mới, mức hỗ trợ FiT sẽ dựa trên chi phí cung cấp điện trung bình của khu vực, nơi dự án điện năng lượng mới được xây dựng. Mức hỗ trợ theo chương trình mới là từ 6,5 đến 11,6 cent/kWh. FiT cũng được ấn định trong suốt thời hạn của hợp đồng mua bán điện (PPA) mà không chịu ảnh hưởng của sự thay đổi tỷ giá ngoại hối hay lạm phát.

Luật mới cho phép điện mặt trời cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy nhiệt điện đốt than - hình thức sản xuất điện năng phổ biến ở Indonesia. Cơ chế thanh toán bù trừ dành cho hộ gia đình, thương mại sử dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà cũng được thông qua vào năm 2013, bắt buộc Tập đoàn điện lực quốc gia Indonesia  phải trả khoản năng lượng dư thừa được sản xuất bởi năng lượng mặt trời vào tài khoản của khách hàng. Với những chính sách này, Indonesia kỳ vọng sẽ bổ sung thêm 870 MW điện mặt trời vào năm 2024.

Philipine, chương trình FiT đã thúc đẩy sự phát triển năng lượng mặt trời lên tầm cao mới. Các quy định về cơ chế thanh toán bù trừ và các tiêu chuẩn kết nối có hiệu lực vào tháng 7 năm 2013 đã làm gia tăng các dự án điện mặt trời cỡ nhỏ tại Philippine. Công suất lắp đặt điện mặt trời là 62 MW vào năm 2014. Với FiT là 21 cent/ kWh, sáu dự án đã được thông qua, đưa công suất điện mặt trời lên 108 MW vào năm 2015. Năm 2016, mức giá FiT điều chỉnh xuống còn 17 cent/ kWh (thời hạn 20 năm và tỷ lệ giảm thuế 0.6%). Kết thúc năm  2016 với công suất điện mặt trời lên tới 903 MW, và dự kiến sẽ đạt đến 3.000 MW vào năm 2022.

Campuchia với chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu về thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo, giá thành điện mặt trời tại Campuchia chỉ từ 2.500-3.000 đồng/kWh, trong khi giá điện lưới ở nước này trung bình khoảng 4.000 đồng/kWh. Đây là nguyên nhân làm cho điện mặt trời phát triển mạnh ở đất nước này.

Trong vài năm gần đây, rất nhiều công ty nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực phát triển điện năng lượng mặt trời tại Campuchia. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và vốn tự đầu tư của người dân, đến nay Campuchia có tổng số 50 ngàn hệ thống điện mặt trời gia đình được lắp đặt. Do giá điện cao nên rất nhiều doanh nghiệp ở Campuchia đầu tư điện mặt trời để sử dụng bổ sung cùng với điện lưới. Có một số nhà đầu tư còn cung cấp dịch vụ thuê tấm pin mặt trời, đặc biệt là ở các khu công nghiệp.

Năm 2006 Thái Lan là nước đầu tiên trong khối ASEAN áp dụng biểu giá FiT cho năng lượng tái tạo, trong đó các dự án năng lượng mặt trời nhận được FiT cao nhất, với mức 23 cent/kWh cho 10 năm. Sau đó, chương trình này được thay thế bằng chương trình FiT 25 năm với giá 17 đến 20 cent /kWh tùy thuộc vào loại máy phát điện. Năm 2014, với việc giá thành tấm pin năng lượng mặt trời giảm xuống, chính phủ đã giảm giá FiT xuống còn 12 US cent/kWh với tất cả các hợp đồng có thời hạn 25 năm.

Không đứng ngoài cuộc, Việt Nam, Lào, Myanmar và Brunei cũng đã tham gia vào thị trường nhộn nhịp này với những chính sách ưu đãi cho các dự án năng lượng mặt trời. Mặc dù vẫn còn tụt hậu so với các khu vực khác trên toàn cầu về năng lượng sạch, nhưng với chiến lược phát triển mới, mục tiêu sản xuất 23% năng lượng tái tạo vào năm 2025 của khu vực ASEAN chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay.

  1. Việt Nam đang khuyến khích phát triển điện mặt trời

Bức xạ mặt trời là một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng tại Việt Nam. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam vào khoảng 5kWh/m2/ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, và vào khoảng 4kWh/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc. Từ dưới vĩ tuyến 17, bức xạ mặt trời không chỉ nhiều mà còn rất ổn định trong suốt thời gian của năm. Số giờ nắng trong năm ở miền Bắc vào khoảng 1500-1700 giờ trong khi ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, con số này vào khoảng 2000-2600 giờ mỗi năm.

Nhìn một cách khái quát, lượng bức xạ mặt trời ở các tỉnh phía Bắc giảm 20% so với các tỉnh miền Trung và miền Nam, và lượng bức xạ mặt trời không phân phối đều quanh năm do vào mùa đông, mùa xuân mưa phùn kéo dài nên nguồn bức xạ mặt trời không đáng kể, chỉ khoảng 1 - 2kWh/m2/ngày, cản trở lớn cho việc lắp đặt điện mặt trời. Trong khi đó, các tỉnh phía Nam có mặt trời chiếu rọi quanh năm, ổn định kể cả vào mùa mưa. Vì vậy, bức xạ mặt trời là nguồn tài nguyên to lớn cho các tỉnh miền Trung và miền Nam.

4.1. Những văn bản pháp lý liên quan đến ĐMT tại Việt Nam

Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời; Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời; Quyết định số 2023/QĐ-BCT ngày 05/7/2019 Phê duyệt Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025; Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg  ngày 06/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 11/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, ngành điện mặt trời ở Việt Nam đã bùng nổ, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về thị trường điện mặt trời. Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tới thời điểm cuối tháng 5 năm 2020, tổng số lượng dự án điện mặt trời mái nhà là 31.506 tương ứng với giá trị công suất lắp đặt xấp xỉ 652 MWp sản lượng điện phát lên lưới đạt 185,683 triệu kWh. Khu vực công nghiệp chiếm 56% tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà, xếp sau là khu vực hộ gia đình (28%), khu vực thương mại (11%) và hành chính sự nghiệp (5%). Các tỉnh và thành phố phía Nam (bao gồm Tp Hồ Chí Minh) vẫn duy trì là các địa phương dẫn đầu trong lắp đặt điện mặt trời mái nhà với cả hai tiêu chí là số lượng dự án và tổng công suất lắp đặt.

Mới đây, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 6/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định 13) chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 để thay thế Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019. Theo đó, trong thời gian tới, điện mặt trời mái nhà vẫn được kỳ vọng phát triển mạnh.

Một trong những nội dung quan trọng mà người dân và khách hàng sử dụng điện quan tâm là giá điện mặt trời mái nhà từ sau thời điểm 30/6/2019. Căn cứ nội dung của Quyết định 13, các Tổng Công ty Điện lực sẽ thực hiện ký hợp đồng mua điện và thanh toán tiền điện đối với các dự án điện mặt trời mái nhà đã chốt chỉ số công tơ để bắt đầu giao nhận điện và thanh toán tiền điện kể từ ngày 01/7/2019.

Thứ nhất, nếu công trình có ngày vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời mái nhà áp dụng theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/4/2017 là 9,35 UScents/kWh, tương đương 2.164 VNĐ/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và áp dụng trong vòng 20 năm.

Thứ hai, nếu công trình có thời điểm vận hành và xác nhận chỉ số công tơ trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 - 31/12/2020, giá mua điện từ các dự án điệt mặt trời mái nhà  áp dụng theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 8,38 UScents/kWh, tương đương 1.943 VNĐ/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và áp dụng trong vòng 20 năm; tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước để tính tiền điện thanh toán cho năm tiếp theo.

Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực là "cú hích” tạo đà cho điện mặt trời mái nhà phát triển. Với nhiều lợi ích mang lại cho chính Chủ đầu tư cũng như cộng đồng, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà những năm gần đây đã được người dân và doanh nghiệp quan tâm.

4.2.Những lợi ích thiết thực do điện mặt trời mái nhà đem lại

 Bao gồm lợi ích cho người dân (Chủ đầu tư) và cho cả hệ thống điện quốc gia vốn đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp do nhiều nguồn điện dự kiến xây mới không được ủng hộ của công chúng nên chưa khởi công và nhiều nguồn đang xây dựng nhưng chậm tiến độ theo quy hoạch.

- Lợi ích cho người dân

+ Giảm chi phí tiền điện hàng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm hoặc giảm giá mua điện bậc cao (giá của các bậc 4,5,6).

+ Tăng thu nhập nhờ bán lại phần sản lượng điện dư, không sử dụng cho EVN với giá 1.940 đồng/ kWh (8,38 UScent), áp dụng đối với các dự án điện mặt trời mái nhà có thời gian nghiệm thu đưa vào vận hành và phát điện từ 01/7/2019 đến 31/12/2020, Hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà được ký với đơn vị Điện lực được EVN ủy quyền trong 20 năm kể từ ngày vận hành phát điện, tỷ giá Đô la quy đổi được lấy theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày cuối cùng của năm trước để tính cho năm tiếp theo.

+ Không tốn diện tích đất khi lắp đặt (điện mặt trời mái nhà chiếm 5-6 m2/1kWp; điện mặt trời trên mặt đất chiếm khoảng 11-13 m2 mặt đất /1kWp)

+ Chống nóng hiệu quả cho công trình.

- Lợi ích cho đất nước và Hệ thống điện quốc gia

+ Giảm bớt được phụ tải đỉnh của hệ thống điện tại các giờ cao điểm, do đó giảm áp lực huy động nguồn cung cấp cho hệ thống điện vào giờ cao điểm, phát huy hết hiệu suất của nguồn phát vào giờ thấp điểm, giảm áp lực cho cơ quan điều độ hệ thống điện, tăng khả năng thu hồi vốn đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội.

+ Giảm quá tải cho đường dây truyền tải trong giờ cao điểm, giảm bớt áp lực đầu tư nâng cấp đường dây truyền tải.

+ Góp phần bảo vệ môi trường.

+ Giảm áp lực trong Quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương.

4.3. Đề xuất bổ sung một số giải pháp phát triển ĐMTMN

Tuy nhiên việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, trong đó có ĐMTMN vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng to lớn, đặc biệt là ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Đối với ĐMTMN, dù rất dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khóa khăn cho người dân, doanh nghiệp mong muốn đầu tư.

Để  ĐMTMN tiếp tục phát triển thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 55- NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tác giả bài viết xin đề xuất bổ sung một số giải pháp phát triển triển ĐMTMN như sau:

Về phía chính phủ

Thứ nhất, cần phải ưu tiên phát triển ĐMTMN trong cơ cấu phát triển điện mặt trời nói chung (đã được phân tích trong phần 4.2 ở trên)

Thứ hai, chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể đối với việc lắp đặt ĐMTMN.

Thứ ba, cần gia hạn thời gian cho ĐMTMN và có lộ trình rõ ràng về cơ chế, chính sách cho phân khúc này.

Thứ tư, cần có cơ chế hỗ trợ giá lắp đặt (ban đầu) điện mặt trời mái nhà cho từng vùng miền vì các vùng miền có lượng bức xạ mặt trời khác nhau để ĐMTMN phát triển đồng đều trong cả nước.

Thứ năm,  hiện nay nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết về việc lắp đặt và lợi ích của ĐMTMN mang lại, vì vậy, chính phủ cũng như doanh nghiệp nên đa dạng hóa việc tổ chức truyền thông tới cộng đồng, đặc biệt phải truyền thông tới từng hộ gia đình, từ khả năng đầu tư cũng như lợi ích đạt được của mô hình này.

Về phía doanh nghiệp

Xuất phát từ lợi ích chung của xã hội và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, EVN đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích đặc biệt với điện mặt trời mái nhà; đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cung cấp các dịch vụ đăng ký mua bán điện mặt trời mái nhà trực tuyến.

Hiện nay, trình tự thủ tục đấu nối và mua điện mặt trời rất đơn giản, sau khi lắp đặt, chủ đầu tư có nhu cầu bán điện chỉ cần liên hệ Tổng đài Chăm sóc khách hàng của EVN để được hỗ trợ kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới, lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời.

EVN đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện website solar.evn.vn để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu và tiếp cận với mọi thông tin liên quan về điện mặt trời mái nhà trên các ứng dụng công nghệ thông tin và các website chăm sóc khách hàng của EVN.

Với tiềm năng phát triển ĐMTMN  ở Việt Nam rất lớn, EVN xác định rõ việc hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà là một trong những chủ trương quan trọng bởi đây là nguồn cung cấp điện hiệu quả, giải pháp thiết thực cho việc đáp ứng nhu cầu điện năng ngày một tăng cao./.

Đỗ Thị  Bích Thủy

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 /3/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạt 2011-2020, có xét đến năm 2030.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời
  3. Thủ tướng Chính phủ (2020)Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg 2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời
  4. Kinh nghiệm của Trung Quốc phát triển năng lượng tái tạo và bài học cho ASEAN -http://enternews.vn.
  5. Kinh nghiệm Hàn Quốc về tích hợp nguồn năng lượng tái tạo- erav.vn
  6. Fit chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Á- http://khampha.vn
  7. ASEAN đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo - http://tapchimoitruong.vn
  8. Kinh nghiệm của Nhật Bản về phát triển điện mặt trời - evn.com.vn
  9. Kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo của Đức và Ấn Độ - baoxaydung.com.vn
  10. Thái Lan dẫn đầu ASEAN phát triển năng lượng sạch – tietkiemnangluong.com.vn