XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG MỚI VÀ VẤN ĐỀ ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG NƯỚC TA TRONG NHỮNG NĂM TỚI

11:33 - 21/08/2021

Vũ Huy Hùng

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với những quan điểm mới, mạnh mẽ và đột phá về bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển phát triển năng lượng quốc gia. Ở Việt Nam, cường độ năng lượng (năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP) hiện cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, gấp 2,5 lần trung bình của thế giới. Điều này một phần cho thấy, nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, ngành điện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, theo thống kê có 47 trên 62 dự án điện công suất lớn, hầu hết là nhiệt điện than, đang chậm tiến độ với Quy hoạch điện VII - quy hoạch điện quốc gia. Nguyên nhân chính do thiếu vốn và chưa có sự thống nhất, tán đồng đối với nhiệt điện than của một số địa phương, cũng như Quy hoạch điện VIII còn đang trong giai đoạn Dự thảo. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm gia tăng, việc tìm kiếm những nguồn năng lượng mới, đảm bảo an ninh năng lượng là vấn đề mang tính “thời sự” – một yêu cầu cấp bách đặt ra và cũng là mục tiêu của bài viết.

Từ khóa: An ninh năng lượng; Điện gió; Điện mặt trời; Điện than; Năng lượng; Nhiệt điện; Tái tạo.

  1. Xu thế phát triển các loại hình năng lượng trên thế giới

Trên thế giới hiện nay, số lượng nhà máy nhiệt điện than được xây dựng mới hàng ở các quốc gia đã giảm 84% kể từ năm 2015 và 39% trong năm 2018, trong khi số lượng nhà máy hoàn chỉnh bị ngừng hoạt động đã giảm hơn một nửa kể từ năm 2015. Hơn 100 tổ chức tài chính đã đưa các nhà máy nhiệt điện than vào danh sách đen và có hành động chính trị nhằm yêu cầu cắt giảm nhanh lượng khí thải carbon đang gia tăng.

Hai quốc gia đông dân Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới 85% tổng công suất điện than toàn cầu (2005), nhưng đến năm 2018 cũng chứng kiến lượng giấy phép cấp cho các nhà máy nhiệt điện than đã giảm kỷ lục. Ấn Độ lên kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than với tổng công suất lên đến 48 GW, chủ yếu là các nhà máy công nghệ dưới tới hạn (subcritical), không có đủ trang thiết bị để đáp ứng các tiêu chuẩn chống ô nhiễm mới.

Tại Bắc Mỹ, Mỹ là nước dẫn đầu về  việc đóng cửa các nhà máy điện than có tổng công suất 17,6 GW (năm 2015 Mỹ từng đóng cửa kỷ lục đến 21 GW). Tỷ lệ sản lượng điện khí trên sản lượng điện than không ngừng tăng lên trong vòng 20 năm qua.Đến cuối năm 2018, sản lượng điện khí đã bằng 61% sản lượng điện than,tăng 15 điểm phần trăm so với năm 1999, cùng 138 nhà máy nhiệt điện than bị đóng cửa ở Mỹ trong hơn 10 năm qua.Năm 2018, EU cũng đóng cửa các nhà máy với tổng công suất 3,7GW. Hơn một nửa các nước ở EU cam kết chấm dứt sử dụng điện than vào năm 2030.

Nhiều tập đoàn đầu tư và các công ty điện lực ở Nhật Bản cũng đang rút lui khỏi các dự án nhiệt điện than. Nhật Bản sẽ nâng mục tiêu đóng góp của năng lượng tái tạo cho cơ cấu sản lượng điện lên mức 22-24% vào năm 2030. Hiện tại, 13 dự án điện gió xa bờ với tổng vốn đầu tư lên đến 2.000 tỉ Yên đang trong giai đoạn đánh giá tác động môi trường. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang quyết định chuyển sang đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo lớn ở châu Á. Đồng thời, các ngân hàng và các tập đoàn thương mại Nhật Bản cũng bắt đầu ngưng đầu tư than, bán cổ phần tại các mỏ than của Úc và hủy các kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện than. Theo đánh giá của các nhà phân tích năng lượng, điều này báo hiệu “hồi kết của than nhiệt lượng cao” ở châu Á.

Thái Lan là nước dẫn đầu các quốc gia ASEAN về sản xuất điện mặt trời với 2,7 triệu kW công suất điện mặt trời trong năm 2017, cao gấp 84 lần so với năm 2007. Giai đoạn 2018-2037, nước này đặt mục tiêu nâng công suất điện mặt trời lên 12.725 MW vào năm 2027,trong đó bao gồm 10.000 MW điện mặt trời áp mái và 2.725 MW điện mặt trời nổi ở các hồ thủy điện. Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch phát triển công suất địa nhiệt điện lên 10 GW vào năm 2025.

CHLB Đức là một trong những nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới, sẽ đóng cửa tất cả 84 nhà máy nhiệt điện than trong vòng 19 năm tới nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trước mắt, Đức sẽ đóng cửa 24 nhà máy nhiệt điện than có tổng công suất 12,5 GW vào năm 2022. Chính phủ liên và đại diện 16 bang ở Đức đã nhất trí trên nguyên tắc về kế hoạch cải cách Luật Năng lượng tái tạo (EEG) nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng điện than cũng như năng lượng nguyên tử. Theo kế hoạch này, sẽ tăng thị phần điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo lên 40- 45% vào năm 2025 từ mức khoảng 25% hiện nay. Đối với nguồn năng lượng từ sức gió, đặt mức giới hạn 2.500 MW, trong đó hệ thống các công viên gió trên biển sẽ đạt 6,5 MW vào năm 2020 với mức tăng tối đa hàng năm 1,5 GW.

Theo báo cáo của Công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) công bố ngày  27/5/2019, tổng mức đầu tư ở các dự án năng lượng tái tạo ở châu Á - Thái Bình Dương (không tính Trung Quốc) sẽ đạt hơn 30 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020, cao hơn tổng mức đầu tư vào các dự án dầu khí ở khu vực và xu hướng này sẽ tiếp tục củng cố trong những năm tới. Ấn Độ, Úc, Nhật Bản, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ là những điểm đến hàng đầu của dòng tiền đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Rystad Energy cho biết đầu tư năng lượng tái tạo ở châu Á được hỗ trợ nhờ chính sách khuyến khích của các chính phủ khắp khu vực chẳng hạn như biểu giá bán điện hỗ trợ dành cho điện mặt trời và điện gió. Trong bối cảnh cả châu Á chuyển động theo hướng năng lượng tái tạo, các công ty lớn trong ngành buộc phải cuốn theo xu hướng đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

Năm 2018, lần đầu tiên Ấn Độ ghi nhận mức đầu tư cho năng lượng mặt trời lớn hơn năng lượng than. Chi phí các tấm năng lượng mặt trời giảm mạnh cũng như các chính sách ưu đãi của chính phủ Ấn Độ trong những năm gần đây đã giúp năng lượng mặt trời trở thành ngôi sao sáng trong ngành công nghiệp năng lượng ở đất nước đông dân thứ hai thế giới (IEA, 2018).

Viện Năng lượng Nhật Bản (IEEJ, 2019) dự báo tiêu thụ khí sẽ tăng cao hơn bất kỳ nguồn năng lượng nào khác. Khí sẽ vượt qua than vào giữa những năm 2030 để trở thành nguồn năng lượng tiêu thụ lớn thứ hai sau dầu mỏ, mà tâm điểm là cuộc chuyển đổi từ điện than sang điện khí. Dự báo nhu cầu khí toàn cầu sẽ tăng 50% trong giai đoạn 2014-2040, và tăng gấp đôi so với dầu. Khu vực châu Á sẽ là động lực tăng trưởng chính về nhu cầu tiêu thụ khí tự nhiên trong tương lai với tỷ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm khoảng 3-4,3%, riêng Trung Quốc và Ấn Độ cùng chiếm khoảng 30% mức tăng này (IEA, 2020).

Việt Nam đang có cơ hội tốt nhất so với các quốc gia trên thế giới trong việc khai thác năng lượng sạch để chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang sử dụng năng lượng sạch. Đối với điện gió, hiện tại có 66 dự án với công suất 6.493 MW được các nhà đầu tư đề nghị bổ sung quy hoạch để hưởng mức giá được cho là hấp dẫn với 8,5 US cent/kWh cho dự án trên đất liền và 9,8 USD/kWh khi đặt ngoài khơi với thời gian 20 năm, theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg, khi kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021. Hiện đã có 16 dự án với công suất 1.190 MW được bổ sung quy hoạch sau khi có Quyết định 39/2018/QĐ-TTg. Tính đến tháng 3/2020: đã có 78 dự án  có công suất 4,8 GW được bổ sung vào quy hoạch; 11 dự án có công suất 377 MW đã vận hành phát điện; 31 dự án có công suất 1,62 GW đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) dự kiến đi vào vận hành năm 2020-2021; ngoài ra còn có 250 dự án với công suất 45 GW đang đề nghị được bổ sung vào quy hoạch điện.

Đối với điện mặt trời, trước khi có Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam, mới chỉ có 5 MW điện mặt trời vào hoạt động (gồm 1 MW được nối lưới và 4 MW đặt ở các vùng sâu, vùng xa, trên mái nhà). Tuy nhiên mức giá 9,35 UScent/kWh đã khiến chỉ trong 1 năm có tới 332 dự án điện mặt trời, tổng công suất hơn 26.290 MWp, tương đương 22.300 MW được đăng ký tới Bộ Công Thương để bổ sung vào Quy hoạch. Hơn 2 năm qua, hệ thống điện cả nước đã chứng kiến sự bùng nổ đầu tư vào các dự án điện mặt trời (từ tháng 4/2019, trên hệ thống chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất chưa tới 150 MW vận hành, nhưng kết thúc ngày 30/6/2019, cả nước đã có 81 nhà máy điện mặt trời hoàn tất các thí nghiệm theo yêu cầu để được cấp chứng nhận ngày vận hành thương mại (Commercial Operation Date -COD). Điện mặt trời bùng nổ, vượt gấp hàng chục lần so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã dẫn tới một loạt hệ lụy như ép giảm tải điện gió, dự án xếp hàng chờ bổ sung trong khi lưới điện bị quá tải...

Về mặt lý thuyết, Việt Nam có thể phát triển đến 9,1 triệu MW năng lượng tái tạo.Tuy nhiên trên thực tế, phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế do khó khăn về vốn, công nghệ, thị trường mua bán điện…

  1. Vấn đề về an ninh năng lượng

Hiện tại, Việt Nam có tổng công suất điện than đang vận hành là 17 GW, trong đó được bổ sung trong năm 2018 là 1,8 GW.Bên cạnh đó,Việt Nam đang có tới 33 GW đang trong giai đoạn tiền thi công,trong số này đã có 10GW được cấp phép.Trong 5 năm qua công suất điện than tăng 75%, tương đương 13 GW. Đây là tốc độ tăng nhanh nhất trong số các nước có quy mô công suất điện than trên 4 G. Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất 55.300 MW. Vốn hỗ trợ cho các dự án này đến chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đáng chú ý, trong khi các ngân hàng Nhật Bản có chính sách thắt chặt tài chính cho các dự án điện than, nguồn vốn từ Trung Quốc đang tăng mạnh, có đến khoảng 14GW điện than được rót vốn từ Trung Quốc. Như vậy, trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ tăng ít nhất gấp hai lần hiện nay về số lượng nhà máy và tổng công suất nhiệt điện than.

Trong hai năm 2019-2020, Việt Nam dự kiến đưa vào vận hành khoảng gần 7.000 MW điện mới. Trong đó, các nhà máy nhiệt điện than khoảng 2.488 MW, các nhà máy thủy điện trên 30 MW là 592 MW, còn lại là các dự án năng lượng tái tạo (3.800MW). Tuy nhiên, nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng 1,7 tỉ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỉ kWh vào năm 2020. Nếu các tổ máy phát điện không đáp ứng được yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc thiếu nhiên liệu (than, khí) cho phát điện thì nguy cơ thiếu điện sẽ đến vào năm 2020. Dự kiến, các năm 2021-2025, mặc dù đã huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu nhưng hệ thống không đáp ứng được nhu cầu phụ tải thì sẽ xảy ra thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt dự kiến từ 3,7 tỉ kWh (2021) lên đến gần 10 tỉ kWh (2022) và đỉnh cao dự kiến vào 2023 với 12 tỉ kWh, sau đó giảm dần.

Ngành điện đang phải đối diện với thực tế không có dự phòng, không có nguồn điện lớn mới và không dễ nhập khẩu điện. Từ khi có dự phòng về nguồn điện 20-30% trong các năm 2015-2016 thì đến 2018-2019 hầu như không còn dự phòng và giai đoạn 2021-2025 sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cấp điện. Vấn đề là do các nguồn điện chậm tiến độ. Sự thiếu hụt chủ yếu diễn ra trong các năm 2020-2021, với tổng công suất thiếu trên 17.000 MW. Hiện tại, có 62 dự án công suất lớn trên 200 MW đang được đầu tư theo các hình thức khác nhau thì 15 dự án đạt tiến độ, 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ. Trong đó, Tập đoàn điện lực (EVN) dẫn đầu với 13 dự án chậm hoạc lùi tiến độ. Tập đoàn dầu khí (PVN) có 8 dự án trọng điểm với tổng công suất 11.400 MW cũng chậm, không thể hoàn thành theo tiến độ của quy hoạch đã điều chỉnh, thậm chí có dự án đã đề nghị giao lại cho chủ đầu tư khác.

Việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện hiện đang xem là rủi ro đầu tiên tại các dự án.Trong khi khả năng sản xuất than thương phẩm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tới năm 2035 chỉ đạt mức 42 - 50 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ,đặc biệt là nhiệt điện, với mức 52 - 128 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, Việt Nam có thể phải nhập 70 - 90 triệu tấn than nhiệt năng bitum và á bitum/năm. Đây sẽ là thách thức lớn đối với an ninh năng lượng quốc gia.

Trong khi than gặp thách thức về đáp ứng nguồn cung, nguồn được trông chờ là khí cũng đối mặt với nhiều khó khăn từ khai thác và nhập khẩu. Các nguồn khí như Đông Nam Bộ cấp cho cụm nhiệt điện Phú Mỹ cũng sẽ suy giảm từ sau 2020. Tới năm 2023-2024 dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 2-3 tỉ m3/năm. Nguồn khí Tây Nam Bộ cung cấp cho cụm nhà máy điện Cà Mau cũng sẽ thiếu hụt từ 2019 với lượng thiếu hụt từ 0,5 tỉ-1 tỉ m3. Hiện PVN đang đàm phán với Malaysia để mua thêm khí bổ sung vào nguồn thiếu hụt này.

Việc trông chờ đầu tư nước ngoài trong ngành điện cũng rất khó khăn. Hiện chỉ có 4 nhà máy điện BOT được đưa vào sản xuất;14 dự án khác vẫn đang đàm phán và hầu hết trong số này chậm tiến độ. Hàng loạt dự án điện lớn không thể triển khai hoặc lúng túng với các vướng mắc hiện nay, ít nhất phải mất từ 3,5 - 4 năm mới thực hiện được. Với thực tế này, không chỉ giai đoạn 2020 - 2021, thiếu điện trầm trọng sẽ xảy ra, mà còn tiếp diễn trong nhiều năm sau nữa.

Trong khi các nguồn điện lớn trong nước khó đẩy nhanh tiến độ,nguồn điện nhập khẩu đang được trông chờ để gia tăng nhanh nguồn cung ứng điện. Tuy nhiên phải thông qua đàm phán và cần phải đàm phán nhanh và phải giải quyết giá hợp lý. Đó là chưa kể, nếu đặt kỳ vọng tỷ trọng điện nhập khẩu chiếm 10% hệ thống, thì với công suất đặt gần 50.000 MW hiện nay, hay năm 2025 là 96.000 MW, nhu cầu điện nhập khẩu từ 5.000 - 10.000 MW/năm được xem là thách thức không nhỏ. Ngoài ra, không thể lấy nguồn điện ở nước ngoài để làm dự phòng của Việt Nam.

  1. Một số giải pháp cơ bản cho thời gian tới

Những khó khăn, những thách thức chủ yếu mà ngành năng lượng Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt bao gồm: (i) Hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện; (ii) Tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng,đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi; (iii) Thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng. Trong Quy hoạch Điện VIII tới đây, cần có những giải pháp cụ thể, đột phá mạnh mẽ mới đảm bảo được mục tiêu về công suất nguồn điện cũng như sản lượng điện.

- Trong giai đoạn 2020-2030, để đảm bảo nguồn cung ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, vẫn cần phát triển các dự án nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo, nhập khẩu điện với tỷ lệ thích hợp (Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1.000 MW từ Trung Quốc và Lào, năm 2025 dự kiến sẽ mua thêm khoảng 3.000 MW và 5.000 MW vào năm 2030). Vấn đề quan trọng nhất khi xây mới nhà máy nhiệt điện than là phải sử dụng công nghệ tiên tiến để đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường và có giải pháp hữu hiệu sử dụng tro xỉ.

- Khuyến khích phát triển mạnh các dự án điện mặt trời áp mái ở khu vực phía Nam để giảm áp lực nguồn cung.Phê duyệt bổ sung các dự án đang trình duyệt để đảm bảo đúng tiến độ đề xuất.

- Tiếp tục xây dựng và ban hành cơ chế mới hỗ trợ phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió - đặc biệt là điện gió ngoài khơi, sinh khối, địa nhiệt…). Về dài hạn cần có cơ chế giá điện hợp lý thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Chính phủ cần bổ sung phát triển các dự án lưới điện.Đồng thời, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ, thi công các công trình lưới điện liên quan, góp phần giải toả công suất các nhà máy điện mặt trời. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch tạo điều kiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch dự án nguồn và lưới điện.

- Nhìn ở góc độ kinh tế, để đảm bảo an ninh năng lượng trong những năm tới, cần có một cách tiếp cận mới. Theo đó, song song với việc đảm bảo cung ứng để đủ điện sử dụng thì cần điều chỉnh chiến lược phát triển điện cả phía cung lẫn phía cầu trên cơ sở căn bản giá cả - thị trường điều tiết. Bên cạnh đó cần khuyến khích mạnh mẽ  khu vực tư nhân và tuân thủ nguyên tắc thị trường cạnh tranh- công khai - minh bạch .

- Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện. Rà soát, điều chỉnh các quy định về kiểm soát và điều phối thị trường điện lực. Có cơ chế cho phép phát triển các nhà máy điện sản xuất tại chỗ, tự cung cấp trong các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất... Đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ,cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước là tinh thần Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 01/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Để tiếp tục huy động được nguồn lực mới ngoài nhà nước đầu tư cho ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng,đòi hỏi cơ chế giá điện phải hấp dẫn và mang tính thị trường hơn. Việc giá điện chậm được điều chỉnh và không theo tín hiệu của thị trường dù đã có những quy định pháp lý rõ ràng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư tư nhân dù muốn cũng không thể tham gia ngành năng lượng. Nhiều dự án điện được lên kế hoạch hoàn thành, nhưng không về đích như dự tính trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh cũng có lý do sâu xa từ hiệu quả kinh tế và giá điện khiến thời gian đàm phán, chuẩn bị thực hiện dự án bị kéo dài so với dự tính. Theo đánh giá của WB, kinh nghiệm chung trên thế giới là quy định mức giá phản ánh đúng chi phí và hợp lý. Nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng tới tiết kiệm năng lượng và đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng hơn.

- Tiết kiệm năng lượng phải trở thành quốc sách. Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên thế giới. Chiến dịch Giờ Trái đất được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tài liệu tham khảo

  1. Báo cáo của Greenpeace và Global Energy Monitor “Giám sát các nhà máy điện than toàn cầu: Bùng nổ và thoái trào 2019” ngày 29/03/2019
  2. TBKTSG Onlinengày 08/04/2019
  3. Nguyễn Đăng Anh Thi: Cơn khát điện; Dân trí online, Thứ ba, 7/1/2020

4.Neha Mathew-Shah; “Chỉ còn là vấn đề thời gian để than trở thành quá khứ trên toàn thế giới”; Báo cáo từ Tổ chức giám sát năng lượng toàn cầu ngày 01/04/2019

  1. Nikkei Asian Review: Chuyển động "xanh" ở các tập đoàn năng lượng Đông Nam Á ngày 18/04/2019.